• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

8 nền văn minh cổ đại sụp đổ do tác động của biến đổi khí hậu _ Phần 1

Thiên nhiên

Trước tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, không ít người đã đặt câu hỏi liệu tương lai của nền văn minh nhân loại sẽ diễn ra như thế nào. Tuy nhiên, có thể nhiều người chưa biết, các nền văn minh cổ đại trong quá khứ cũng từng phải vật lộn để chống lại tác động do biến đổi khí hậu gây ra.

Dựa vào những nỗ lực nghiên cứu và phân tích, các nhà khoa học cho biết từ nhiều thế kỉ trước, con người đã phải đối mặt với áp lực từ hạn hán, thiên tai và lũ lụt. Mặc dù nhiều nền văn minh đã may mắn thoát nạn, nhưng cũng có không ít nền văn minh đã hoàn toàn sụp đổ trước “sự tức giận” của thiên nhiên.

Dưới đây là 8 cái tên tiêu biểu:

1. Nền văn minh Anasazi (nền văn minh tổ tiên của người Pueblo)

Sự biến mất của tổ tiên người Pueblo là đại diện tiêu biểu nhất trong số những nền văn minh cổ đại bị tàn phá bởi biến đổi khí hậu. Tổ tiên của người Pueblo, hay còn được gọi với cái tên người Anasazi, sống ở vùng cao nguyên Colorado từ khoảng năm 300 TCN. Hầu hết các bộ lạc người Anasazi định cư xung quanh Chaco Canyon, Mesa Verde và Rio Grande. Họ dựa vào canh tác nông nghiệp, đặc biệt là trồng ngô để duy trì sự sống. Mặc dù một vài bộ lạc đã biết tận dụng nguồn nước sông để tưới tiêu cho cây trồng, vẫn có những bộ lạc khác chủ yếu phụ thuộc vào mưa.

Theo thời gian, người Anasazi dần phải đối mặt với những thách thức to lớn do chính họ tạo ra. Việc phát quang rừng phục vụ cho nông nghiệp khiến chất lượng đất ngày càng kém đi. Thêm vào đó, vì khí hậu thay đổi khiến lượng mưa giảm, sản lượng cây trồng cũng giảm. Đến khoảng năm 1225, các khu vực định cư của người Anasazi bắt đầu thu hẹp và dần biến mất.

2. Nền văn minh Angkor

Angkor là một thành phố tiền công nghiệp lớn ở Campuchia, được xây dựng từ năm 1100 đến 1200. Được xem là niềm tự hào của Đến quốc Khmer, Angkor nổi tiếng với những ngôi Đền và hệ thống thủy lợi công phu. Vì gần biển, khí hậu Angkor đặc trưng bởi gió mùa mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều, cùng hệ thống mạng lưới sông hồ trữ nước vô cùng rộng lớn.  

Tuy nhiên, càng ngày, những cơn gió mùa càng trở nên khó dự đoán. Angkor dần phải đối mặt với những đợt gió mùa cực đoan và hạn hán kéo dài. Giữa những năm 1300 và 1400, ở Angkor xuất hiện một số đợt gió mùa khắc nghiệt. Nhiều học giả tin rằng lũ lụt tàn phá hệ thống hồ chứa nước, kênh, mương, trong khi hạn hán ngăn cản hoạt động sản xuất dẫn đến tình trạng khủng hoảng nước và lương thực, là nguyên nhân chính khiến nền văn minh Angkor sụp đổ.

3. Nền văn minh Viking

Những người Bắc Âu di cư đến Tây Greenland trong khoảng thời gian từ năm 900 đến năm 1000, trùng với Thời kỳ ấm Trung Cổ. Thời kỳ ấm Trung Cổ diễn ra từ khoảng năm 800 đến 1200, là giai đoạn khí hậu ấm lên ở vùng Bắc Đại Tây Dương, lý tưởng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Cũng nhờ lí do này mà trong suốt nhiều năm, nền nông nghiệp của Bắc Âu luôn thịnh vượng.

Nhưng vào khoảng năm 1300, thời kỷ “tiểu băng hà” bắt đầu và nhiệt độ dần giảm xuống. Khu vực biển đóng băng, mùa sinh trưởng của động thực vật rút ngắn, các loài động vật hoang dã cũng rời đi để tìm kiếm những nơi có điều kiện khí hậu ấm áp hơn.

Nền văn minh Bắc Âu ở Greenland không có sự chuẩn bị cho thời tiết lạnh giá phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng nhiệt độ lạnh đã “đe dọa” đến lối sống của người Bắc Âu chủ yếu dựa vào săn bắn, trồng trọt và buôn bán, đồng thời góp phần khiến nền văn minh này diệt vong. Đến khoảng năm 1550, tất cả các khu định cư của người Bắc Âu ở Greenland đã bị bỏ hoang.

4. Nền văn minh Rapa Nui (Đảo Phục Sinh)

Nền văn minh của Rapa Nui, hay Đảo Phục Sinh, hình thành trên một hòn đảo của Chile ngày nay, giữa những năm 400 và 700. Nó phát triển mạnh như một xã hội nông nghiệp trong nhiều thế kỷ. Sau đó, đến những năm 1700, khu đất dần bị thuộc địa hóa bởi người châu Âu. Thực dân châu Âu thực hiện hành vi diệt chủng hàng loạt, đàn áp các nhóm người bản địa và đưa thêm nhiều người nhập cư lên đảo. Đỉnh điểm, đã có thời kỳ số dân trên đảo lên đến 20,000 người.

Nhiều nhà nghiên cứu suy đoán rằng biến đổi khí hậu và dân số quá đông đã góp phần gây ra sự sụp đổ của Rapa Nui. Vào khoảng năm 1300, thời kỳ tiểu băng hà bắt đầu gây ra hạn hán kéo dài. Đồng thời, đất đai đã từng vô cùng màu mỡ của vùng đất này cũng có dấu hiệu bị sử dụng quá mức. Cây trồng trở nên kém năng suất hơn, trong khi nhu cầu về lương thực lại tăng lên. Kết quả là nền văn minh này đã trải qua tình trạng thiếu lương thực kéo dài và sụp đổ trước năm 1800.

Theo: Treehugger
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.