• Về đầu trang
Sheepo
Sheepo

Cá mập - Hung thần đại dương, 'bé bự' hay bị trêu và còn gì nữa?

Thiên nhiên

Megalodon

Mô hình điêu khắc trên có gắn răng hóa thạch thật sự của cá mập Megalodon. Loài cá khổng lồ này hiện đã tuyệt chủng và các nhà khoa học tin rằng chúng có thể phát triển chiều dài tới 18.2 mét! Trong tiếng Hy Lạp cổ đại, "Megalodon" có nghĩa là "chiếc răng lớn".

Cá mập có thể cảm nhận con người chỉ bằng trường điện từ trong cơ thể

Cá mập sở hữu bộ phận tích điện trong lỗ chân lông quanh miệng chúng. Những thụ thể này có thể phát hiện trường điện từ siêu nhỏ được tạo ra bởi các thứ hầu như không đáng kể, như sự co thắt cơ bắp hoặc chuyển động của các sinh vật sống. Trong môi trường dẫn điện của nước biển, cá mập có thể phát hiện điện trường yếu đến mức 5/1.000.000.000 volt trên mỗi cm của mô thụ thể.

Không gì có thể che giấu được một con cá mập – khả năng dẫn điện hoàn hảo của chúng tựa như các vật liệu công nghệ nhân tạo đỉnh cao của con người.

Cá mập đầu búa có tầm nhìn 360 độ

Là một trong những loài cá mập có bề ngoài đặc biệt nhất, người ta tin rằng hình dáng phần đầu của cá mập đầu búa và vị trí mắt của nó là một sự thích nghi tiến hóa, nhằm mang lại cho chúng cái nhìn vượt trội về môi trường xung quanh. Đầu búa có tầm nhìn gần như 360 độ, cho phép chúng càn quét con mồi một cách hiệu quả.

Cá voi sát thủ ăn thịt cá mập trắng

Nếu từng xem qua phim Jaws (Hàm cá mập), bạn có thể nghĩ rằng những cỗ máy ăn thịt máu lạnh này đứng đầu chuỗi thức ăn. Nhưng trên thực tế có một loài khác còn có thể ăn được cá mập trắng, đó là cá voi sát thủ. Cá voi sát thủ là loài săn mồi đỉnh cao thực sự trong hệ sinh thái của chúng, có nghĩa là không có loài động vật nào khác dám đi săn chúng.

Cá mập phải bơi liên tục để tiếp tục sinh tồn

Cá mập sử dụng mang để thở và cách duy nhất chúng có thể trích xuất oxy từ nước là liên tục di chuyển để nước luôn chảy qua mang. Vì vậy, chúng cần tiếp tục bơi nếu không muốn bị ngạt, mặc dù hầu hết cá mập có thể bơm nước qua mang trong khi chúng đang nghỉ ngơi.

Vài loài cá mập rất nhỏ bé và đáng yêu

Loài cá mập nhỏ nhất được biết đến hiện này là Dwarf Lanternshark, chỉ được tìm thấy ở sườn lục địa ngoài khơi Colombia và Venezuela. Những con cá mập nhỏ này chỉ dài 20 cm.

Hóa thạch cá mập có số tuổi lên đến 420 triệu năm

Theo ghi nhận mới nhất, hóa thạch của cá mập có từ 420 triệu năm trước. Điều này có nghĩa là những con cá mập cũng từng khủng bố vùng đại dương trong hàng trăm triệu năm, cùng lúc với thời đại khủng long.

Có hơn 500 loài cá mập khác nhau

Chúng được tìm thấy trong các đại dương trên toàn thế giới, thường sống đến độ sâu 2.000 mét dưới mực nước biển. Có rất ít cá mập nước ngọt.

Cá mập có thể ăn bất cứ thứ gì

Chúng có thể ăn cả biển số xe, lốp xe, áo khoác lông, đầu ngựa, máy quay phim, súng thần công và thậm chí là một bộ áo giáp - mũ thép… Đó là những thứ từng được tìm thấy trong bụng cá mập.

Trước thế kỉ 17, cá mập được gọi là “chó biển”

Đó là cách gọi của thủy thủ. Vì sao vậy? Nếu bạn nheo mắt nhìn thì sẽ thấy con vật này không có lông nhưng có hàm răng sắc nhọn, có vây và không có chân trông giống như một con chó. Nguồn gốc của từ "shark" (cá mập) không rõ xuất phát từ đâu nhưng nó có thể bắt nguồn từ tiếng Hà Lan cho loài động vật ăn thịt hoặc để gọi một “kẻ vô lại”.

Tồn tại loài cá mập ăn tạp

Tháng 8 năm 2018, Samantha C. Leigh, Yannis P. Papastamantiou và Donovan P. German đã công bố một nghiên cứu tiết lộ rằng cá nhám đầu xẻng không chỉ ăn cá mà còn nhai cả cỏ biển. Cỏ biển chiếm đến 60% chế độ ăn của chúng, phần còn lại là cá xương, ốc và tôm.

"Đây là loài cá mập ăn tạp đầu tiên được biết đến", Leigh nói. Trước khi nghiên cứu, họ đã biết đầu xẻng thỉnh thoảng có nhai cỏ biển, nhưng Leigh chia sẻ: "Hầu hết mọi người đều cho rằng việc tiêu thụ này là ngẫu nhiên và nó không mang lại giá trị dinh dưỡng nào." Tuy nhiên, Leigh và đồng nghiệp sau đó nhận ra loài cá mập này tiêu hóa thức ăn thực vật tốt hơn so với gấu trúc và cỏ biển là món ăn giàu dinh dưỡng cho cá mập.

Cá mập hổ được gọi là “thùng rác của biển cả”

Tên cá mập hổ xuất phát từ các đường vằn ở hai bên giống như loài hổ. Cá mập hổ có lẽ là loài ăn thịt nhiều nhất trong tất cả các loài cá mập. Chúng không chỉ săn mồi mọi thứ, từ động vật giáp xác đến cá, rùa biển, chim, mực và cá heo, mà còn ăn tất cả những thứ nhân tạo của con người. Đặc tính này thậm chí mang đến cho chúng biệt danh: Thùng rác của biển cả.

Cá mập xì gà

Hay còn có tên gọi "máy cắt bánh quy" (cookiecutter), có lẽ đây là một trong những con cá mập có cái tên kỳ dị nhất. Loài gây hại nhỏ nhắn này là ký sinh và chỉ phát triển chiều dài khoảng 50 cm. Với kích thước này, chúng vẫn có những bộ răng khổng lồ mở ra thành một hình tròn, trông giống như chiếc máy cắt bánh quy vậy.

Chúng bám răng vào bất kỳ loại con mồi nào, từ cá voi đến cá mập khác, từ cá xương đến vỏ tàu, sau đó chúng luồn lách, vặn vẹo cơ thể để tách thịt ra. Cá mập xì gà có thể để lại vết cắn rộng gần 13 cm và sâu gần 18 cm.

Cá mập rụng hàng ngàn chiếc răng trong suốt cuộc đời

Cá mập rụng răng như con người cắt móng tay vậy. Các nhà khoa học tin rằng cá mập sẽ phát triển và mất hàng ngàn chiếc răng trong suốt cuộc đời của chúng. Điều này lý giải cho việc tại sao răng chiếm phần lớn trong số tất cả các loại hóa thạch cá mập được tìm thấy.

Cá mập có cùng phân lớp với cá đuối

Giống như cá mập, cá đuối có bộ xương sụn, năm đến bảy mang và vây lưng. Cá đuối có cơ thể phẳng và vây ngực mở rộng. Cả hai đều thuộc phân lớp Elasmobranchii nhưng cá đuối theo liên bộ riêng gọi là Batoidea.

Cá mập voi dài trung bình khoảng 12 mét

Loài cá mập khổng lồ chưa tuyệt chủng là cá mập voi, dài trung bình tới 12 mét. Mặc dù là loài cá lớn nhất trên biển nhưng chúng rất hiền lành, chỉ ăn các sinh vật phù du nhỏ.

Cá mập trắng bơi rất nhanh

Chúng có thể đạt tốc độ lên đến 56km/giờ trong nước và phát triển chiều dài đến khoảng 6.4 mét. Mặc dù bộ phim Jaws khắc họa những con cá mập trắng khổng lồ thích ăn thịt người, nhưng thực tế, cá mập trắng rất hiếm khi tấn công con người.

Cá mập có cảm giác mãnh liệt về mùi

Hầu hết chúng ta đều biết rằng cá mập rất nhạy cảm với máu khi ở trong môi trường nước. Sự tiến hóa trong việc săn mồi đã biến những cư dân đại dương này trở thành cỗ máy phát hiện mùi ấn tượng. Các thử nghiệm điều tra về khả năng tiếp nhận và kích thích khứu giác ở một số loài đã chỉ ra rằng chúng có thể phát hiện máu trong nước biển với tỉ lệ 1/1 triệu. Xét về khối lượng, nó giống như đi tìm một quả bóng golf đánh rơi xuống hồ Loch Ness

Cá mập cũng bị ung thư

Từ lâu, các nhà khoa học đã biết cá mập có thể bị ung thư. "Có tin đồn trong khoảng thời gian dài rằng cá mập không bị ung thư, do đó mà tồn tại ngành công nghiệp khổng lồ mọc lên từ việc bán sụn cá mập", tiến sĩ Gary Ostrander giải thích.

Cá mập có bộ xương sụn

Sụn là một chất kết cấu được tìm thấy trong bộ xương của nhiều loài động vật có xương sống, nhưng xương cá mập thì hoàn toàn bằng sụn. Như vậy, chúng là một phần của lớp cá sụn, việc này giúp cá mập thích nghi hơn với cuộc sống và môi trường dưới nước.

Theo: Ranker
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.