• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

x: Chuyện lạ: 'Giun điên Nhật Bản' ám ảnh giới khoa học Hoa Kỳ

Thiên nhiên

Năm 2020 thật khó khăn đối với tất cả chúng ta, nhưng nước Mỹ nói riêng dường như đang phải đối phó với nhiều điều kỳ quái hơn các quốc gia khác và Nhật Bản cũng có một phần trách nhiệm liên đới. Cách đây không lâu, "ong bắp cày sát thủ Nhật Bản" đã gây hại cho ngành nông nghiệp Hoa Kỳ, giờ đây, một loài khác được mệnh danh là "giun điên Nhật Bản" tiếp tục ám ảnh người dân từ miền quê cho đến thành thị.

“Giun điên” hay “giun rắn điên” là tên được đặt cho các loài Amynthas agrestisAmynthas tokioensis, hầu hết được gọi chung là “giun” (mimizu) ở Nhật Bản. Chúng trông khá giống giun đất bình thường - loài mà bạn có thể gặp ở bất kỳ đâu trên thế giới, nhưng nhỏ hơn một chút so với các đồng loại ở Mỹ. Đặc biệt, chúng có vẻ trơn tuột và thích "nhảy nhót" hơn so với họ hàng Bắc Mỹ, đó là lý do tồn tại cái tên "giun điên".

Trong video dưới đây, rõ ràng Amynthas tokioensis linh hoạt và khó bắt hơn nhiều so với giun đất thông thường.

Vì khả năng nhảy nhót hiếm gặp này, chúng còn được gọi là "giun nhảy Châu Á". Cả hai loài Amynthas agrestisAmynthas tokioensis đều có nguồn gốc từ Nhật Bản và không ai biết chúng đã lẻn vào Hoa Kỳ bằng cách nào. Sự phát triển mạnh mẽ của chúng đã được báo cáo trong một vài năm nay và đó là lý do tại sao mọi người nên quan tâm.

Một đặc tính chính của những con giun Nhật Bản này để phân loại với giun Mỹ bình thường là chúng có xu hướng ăn tất cả các loại lá khô rơi trên mặt đất và để lại nền rừng tương đối trống trải, nhưng lại cung cấp cho đất nhiều chất dinh dưỡng thông qua phân chúng thải ra. Tuy nhiên, nhiều khu rừng ở Mỹ buộc phải dựa vào một lớp lá khô để giữ độ ẩm cho đất và hoạt động như một lớp “da” bảo vệ chống lại mầm bệnh cho các loại cây. Bằng cách ăn hết lá khô, giun điên không chỉ phá vỡ lớp bảo vệ này mà còn làm thay đổi độ ẩm phù hợp cho các loại hạt giống bản địa nảy mầm.

Suy cho cùng, giun điên Nhật Bản là một loài xâm lấn có hại cho hệ sinh thái ở Bắc Mỹ. Video dưới đây cho thấy ảnh hưởng của giun điên nói chung đối với các khu vực nhiều cây cối.

Theo một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Soil Biology and Biochemistry, những con giun điên cuồng này không chỉ đang làm giảm lớp lá khô che phủ cho các loại cây bản địa, chúng đồng thời thay đổi bản chất của đất ở Mỹ thành một thứ tương tự như đất ở quê hương của chúng. Nói cách khác, những con giun nhỏ này đang "Nhật hóa đất Mỹ" một cách rất hiệu quả.

Đây là một tình huống bất ngờ và khá kỳ quặc, các nhà khoa học Mỹ thì há hốc mồm và các chuyên gia người Nhật không thực sự chắc chắn về điều này khi họ xem các báo cáo. Nói chung là chưa ai có giải pháp gì cho vấn nạn "giun điên xâm lấn".

Một số phản hồi trên Twitter cho thấy sự hào hứng lẫn bối rối của người dân hai nước:

"Wow, động vật Nhật Bản thực sự rất mạnh mẽ, phải không?"

"Tại sao họ gọi chúng là 'những con giun điên rồ'?"

“Giun giống như những cỗ máy kiến tạo hình địa hình bé nhỏ, nhưng tiếc là trong trường hợp này đội Nhật Bản đang kiến tạo địa hình cho Hoa Kỳ.”

"Tôi luôn nghĩ rằng những con giun đất là sinh vật có lợi."

"Họ (người Mỹ) nên bắt đầu tập làm ruộng như người Nhật."

"Những chú giun Nhật Bản là đội khách và chúng đang chiến thắng."

“Thay mặt Nhật Bản, tôi muốn gửi lời xin lỗi. Xin thứ lỗi cho chúng tôi”.

Hiện tại, tác hại thực sự của "giun điên" là chưa thể xác định, các nhà nghiên cứu từ cả hai phía sẽ phải làm việc nghiêm túc với nhau để ngăn chặn bất kỳ hiểm họa nào từ loài giun bé nhỏ nhưng vô cùng lợi hại này.

Đọc thêm: Đôi mắt bí ẩn trong máy bán hàng tự động ở miền quê Nhật Bản

Theo: Soil Biology and Biochemistry 149, Nazology, Hachima Kiko
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.