• Về đầu trang
Coffeecat
Coffeecat

Khoa học chứng minh: Cây cối không vô tri, nó cũng phản ứng với nỗi đau như con người

Thiên nhiên

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Wisconsin-Madison cho thấy, khi cây cối bị thương, chúng sẽ phát một tín hiệu xuyên suốt cơ thể hệt như tín hiệu của hệ thần kinh con người và động vật khi phản ứng với cơn đau.

Khi chúng ta bị đau, những tế bào thần kinh cảm giác trong cơ thể sẽ gửi tín hiệu cho hệ thần kinh sản sinh ra glutamate. Chất này sẽ kích thích não bộ sản sinh ra adrenaline và kích hoạt bản năng phòng vệ (fight-or-flight).

Tuy cây cối không hề có hệ thần kinh, video của các nhà khoa học cho thấy rằng chúng cũng có một dạng bản năng phòng vệ riêng khi gặp nguy hiểm.

Vì không có hệ thần kinh nên cây không có đường dẫn truyền thần kinh, tuy nhiên chúng vẫn có glutamate. Trong video trên, cây sau khi bị sâu bướm gặm lá đã sản sinh ra glutamate tại vùng bị gặm. Điều này sẽ kích thích cây sản sinh một lượng canxi truyền xuyên suốt thân và kích hoạt hoóc-môn kiềm chế stress.

Video này lần đầu tiên cho thấy những phản ứng trong thân cây có thể diễn ra nhanh đến mức nào. Theo nghiên cứu, trong vòng chưa đầy 2 phút là tín hiệu đã có thể lan truyền đến tận cùng gốc rễ, với tốc độ một milimét trên giây. Khi tín hiệu đã được lan truyền khắp thân, cây sẽ nhận ra sự hiểm nguy và tìm phương pháp đối phó.

Các nhà khoa học đã biết về phản ứng của thực vật nhưng trước đây chưa từng ghi hình được hiện tượng này hoặc hiểu được nguyên nhân.

Simon Gilroy, giáo sư thực vật học tại Đại học Wisconsin-Madison và đồng tác giả của bài nghiên cứu, chia sẻ:

Chúng tôi biết rằng nếu bạn làm tổn thương một chiếc lá thì sẽ có điện tích lan truyền đi khắp thân cây. Nhưng trước đây chúng tôi không biết vì sao lại xảy ra hiện tượng này.

Để thấy được những gì đang diễn ra trong thân cây khi cây bị tấn công, các nhà khoa học đã lai tạo một loài cây biến đổi gen để cây sản sinh ra loại protein phát sáng khi ở gần canxi. Điều này sẽ giúp họ nhìn thấy được luồng canxi truyền đi trong thân cây sau khi cây bị thương.

Các nhà khoa học đã thử để sâu bướm cắn, dùng kéo cắt, và nghiền lá để kích thích cây sản sinh ra glutamate. Một khi tín hiệu báo động đã được truyền đi khắp thân cây, những chiếc lá sẽ sản sinh những loại hoóc-môn phòng vệ nhằm bảo vệ chúng khỏi nguy hiểm.

Những hoóc-môn này bao gồm những hóa chất thúc đẩy quá trình phục hồi hư hại cũng như hóa chất độc hại nhằm xua đuổi những loài động vật ăn lá.

Tuy rằng cây cối không cảm thấy đau như con người, nhưng phát hiện mới này cho thấy những phản ứng của cây khi bị thương hoặc bị tấn công cũng khá tương tự.

Lần tới khi bạn thưởng thức một bát xà lách tươi mát, hãy cố đừng nghĩ về lượng glutamate mà mấy lá rau tiết ra trong quá trình ăn nhé!

Theo: All That's Interesting
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.