• Về đầu trang
Mòe một mẩu
Mòe một mẩu

Linh dương Saiga quý hiếm tiếp tục đối mặt với biến động số lượng cá thể

Thiên nhiên

Linh dương Saiga được biết đến với chiếc mũi có hình dạng đặc biệt giống như vòi, ở các cá thể đực còn có thêm cặp sừng vân tuyệt đẹp. Lớp lông của chúng thay đổi theo mùa. Vào mùa hè, linh dương Saiga có bộ lông mỏng, màu quế nhưng đến mùa đông bộ lông của chúng sẽ đổi sang màu trắng và dày lên gần gấp đôi.

Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ còn duy nhất năm quần thể Saiga được tìm thấy, một ở Nga, ba ở Kazakhstan và một ở Mông Cổ. Ở các khu vực được coi là bản địa của chúng tại Ukraine và Trung Quốc, Saiga đã hoàn toàn bị tuyệt chủng do nạn săn bắt quá mức. Các nhà khoa học tính toán rằng trong khoảng thời gian 15 năm bắt đầu từ những năm 1990, số lượng Saiga trên toàn thế giới giảm đến 95%, là mức giảm nhanh nhất trong tất cả các loài động vật có vú.

Các mối đe dọa

1, Ảnh hưởng bởi con người

Số lượng của Saiga đã từng lên đến hàng triệu cá thể, tuy nhiên con số này lại giảm mạnh vào đầu thế kỷ 20. Nhờ các biện pháp bảo vệ kịp thời vào năm 1919, số lượng linh dương Saiga tăng lên khoảng 540,000 cá thể ở Nga và 1,300,000 con ở Kazakhstan vào năm 1963. Tuy nhiên vào những năm 1990, số lượng của chúng lại một lần nữa suy giảm do ảnh hưởng của những thay đổi trong chính trị và kinh tế sau khi Liên Xô tan rã.

Các con số vẫn còn tiếp tục giảm mạnh hơn nữa sau khi các biên giới các nước bắt đầu mở cửa, tạo cơ hội thuận lợi cho việc buôn bán, trao đổi sừng Saiga. Đặc biệt là khi đây lại được coi là một loại thuốc quý trong y học cổ truyền Trung Quốc. Trong một khảo sát của TRAFFIC trên khắp bán đảo Malaysia vào năm 2018 cho thấy, sừng Saiga là một trong những dược phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã phổ biến nhất bên cạnh mật gấu và ngưu hoàng. Trong 228 cơ sở y học cổ truyền Trung Quốc được chọn làm nghiên cứu, có đến 67,5% trong số đó được phát hiện bày bán công khai các sản phẩm từ Saiga với giá 55 đô cho một gram.

Vì chỉ những con đực Saiga mới bị săn bắt để lấy sừng (con cái bị săn ít hơn do chúng không có sừng vì thế giá trị thương mại của chúng thấp hơn) nên đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chúng.

2, Ảnh hưởng từ tự nhiên

Trong lịch sử, săn bắt trái phép là mối đe dọa lớn nhất đối với linh dương Saiga. Nhưng thời gian đã chứng minh rằng loài đồn vật này cũng cực kỳ dễ bị tổn thương bởi các yếu tố môi trường như biến đổi khí hậu và dịch bệnh.

Các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt như hạn hán, cháy rừng hoặc tuyết rơi quá dày có thể làm hạn chế khả năng kiếm ăn của Saiga. Ngoài ra nhiệt độ ngày càng tăng cũng là một yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sống sót của những chú linh dương con mới sinh.

Hơn hết, dịch bệnh mới là nguyên nhân dẫn đến số lượng cá thể Saiga giảm sút đáng kể. Có bốn thời kỳ dịch bệnh diễn ra trong lịch sử khiến Saiga chết hàng loạt được ghi lại:

  • Vào năm 2010, một căn bệnh về đường hô hấp đã cướp đi sinh mạng của một nhóm 20,000 con cái sau khi chúng vừa sinh con ở Ural, Nga. Ngay sau đó vào tháng 1 năm 2011, sự kiện này lại diễn ra một lần nữa.
  • Vào năm 2015, 200,000 cá thể ở Kazakhstan lần lượt chết trong vòng 3 tuần, nguyên nhân được cho là do vi khuẩn Pasteurella multocida gây ra
  • Vào đầu năm 2017, Mông Cổ xảy ra một đợt bệnh dịch hạch ở gia súc đã lây lan sang cả Saiga, xóa sổ 80% số lượng Saiga tại đây.  
  • Sau đó, quần thể Saiga ở Mông Cổ đã phải trải qua một khoảng thời gian khó khăn để có thể phục hồi lại số lượng cá thể trước khi tiếp tục lâm vào nguy hiểm do khan hiếm nước và thức ăn vì mùa đông năm đó quá khắc nghiệt. 40% số lượng Saiga còn lại đã chết vào mùa đông năm đó.

Biện pháp để bảo tồn và phục hồi lại số lượng cá thể linh dương Saiga.

Mặc dù dễ bị tổn thương nhưng linh dương Saiga cũng là một loài có mức sinh sản mạnh, có khả năng phục hồi cao. Không giống những loài động vật nguy cấp khác, linh dương Saiga có tỷ lệ sinh đôi khá phổ biến. Nhờ vào đặc điểm này mà các nhà khoa học và các nhà bảo tồn thiên nhiên chỉ cần cố gắng bảo vệ các cá thể Saiga an toàn khỏi những tác động bên ngoài như săn bắn, bệnh tật là chúng đã có thể tự sinh sản giúp tăng số lượng trong quần thể một cách nhanh chóng. Điều này đã được chứng minh qua nỗ lực bảo tồn linh dương Saiga tại Kazakhstan, chỉ trong vòng hai năm với điều kiện sống thuận lợi, số lượng Saiga ở đây đã tăng thêm hơn nửa triệu cá thể. Đây thực sự là một con số đáng mừng.

Hiện tại các tổ chức bảo vệ động vật trên khắp thế giới vẫn đang không ngừng nghiên cứu và xây dựng các chương trình bảo tồn và khôi phục các quần thể Saiga ở những khu vực trước đây đã từng là lãnh địa của chúng.

Theo: Treehugger
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.