• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

Nấm ăn nhựa

Thiên nhiên

Rác thải nhựa vẫn luôn là vấn đề khiến cả thế giới phải đau đầu tìm cách giải quyết. Có rất nhiều biện pháp xử lý đã được tìm kiếm và áp dụng, từ những phương pháp cơ học, hóa học, tái chế, tái sử dụng,… Tuy nhiên các biện pháp sinh học vẫn là ưu tiên hàng đầu. Và một trong số những giải pháp đang được nghiên cứu là sử dụng nấm Pestalotiopsis microspora, một loại nấm có khả năng tiêu thụ polyurethane_một trong những thành phần chính trong các sản phẩm nhựa.

Nấm chứa đựng rất nhiều khả năng tiềm ẩn mà các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu và tìm kiếm. Cụ thể trong trường hợp này là khả năng phân hủy nhựa. Trong số những loại nấm ăn nhựa này, có loại cực kì hiếm nhưng cũng có loại dễ dàng được tìm thấy ngay tại chợ địa phương.

Pestalotiopsis microspora

Một nhóm sinh viên đại học Yale đã phát hiện ra loại nấm quý hiếm này trong một chuyến đi nghiên cứu lại rừng nhiệt đới Amazon vào năm 2011. Nấm Pestalotiopsis microspora có khả năng phát triển trên polyurethane và biến chúng thành những chất hữu cơ nuôi cơ thể. Chúng có khả năng sống và phát triển chỉ với thức ăn là “nhựa” và thậm chí không cần đến oxy. Điều đó có nghĩa là chúng có thể phát triển mạnh tại các khu vực như trung tâm xử lý chất thải, các bãi rác khổng lồ hoặc thậm chí là ngay cả trong hệ thống ủ phân tại hộ gia đình.

Sau một vài thí nghiệm, nhóm sinh viên đã phát hiện ra chúng có tốc độ phân hủy nhựa đáng kinh ngạc. Trong vòng 2 tuần, rễ nấm đã bắt đầu biến phần nhựa mà chúng đang mọc trên đó thành “chất dinh dưỡng”, và chỉ sau vài tháng, số nhựa thí nghiệm đó đã bị phân hủy hoàn toàn.

Nhờ phát hiện quan trọng này, các nhà khoa học đã tiếp tục tìm kiếm, hi vọng sẽ phát hiện ra nhiều loại nấm như vậy hơn. May mắn thay, vào năm 2014 người ta phát hiện thêm 2 chủng nấm là Pleurotus ostreatus (nấm sò) và Schizophyllum và vào năm 2017 là Aspergillus tubingensis (một loại nấm mốc chuyên dùng trong sản xuất tương) cũng có tác dụng tương tự.

Điều đặc biệt nhất là sau khi phân hủy và hấp thụ nhựa, chúng không hề tích tụ lại bất kì độc tố nào. Một nghiên cứu khác tại đại học Utrecht đã chứng minh rằng có một số loại nấm chắc chắn an toàn để dùng làm thực phẩm ngay cả khi chúng đã “ăn” nhựa. Những loại nấm này có vị “ngọt ngào như mùi hoa hồi hoặc cam thảo”, trong khi kết cấu và hương vị phụ thuộc vào từng loại nấm khác nhau.

Qua đó, các nhà khoa học cũng hi vọng sẽ sớm ứng dụng được việc nuôi trồng những loại nấm này để phục vụ cho nhu cầu giải quyết ô nhiễm nhựa và cả khan hiếm thực phẩm.

Theo: Treehugger
Đang đọc
Nấm ăn nhựa
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.