• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

Những lí do khiến Sao La trở thành loài Cực kỳ nguy cấp

Thiên nhiên

Sao La là loài động vật có vú, có sừng, sống ở khu vực núi rừng Trường Sơn tại Việt Nam và Lào. Mặc dù không có nhiều thông tin về “Kỳ lân Châu Á”, nhưng chắc chắn rằng Sao La là loài cực kỳ nguy cấp.

Các nhà khoa học Châu Âu thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của Sao La cho đến năm 1992, khi bắt gặp cặp sừng Sao La trong nhà của một thợ săn địa phương. Tuy nhiên, bất chấp nhiều nỗ lực tìm kiếm, trong suốt 25 năm sau đó cũng chỉ có 5 lần máy bẫy ảnh chụp lại được hình ảnh Sao La ngoài tự nhiên.

Dựa vào các suy đoán và phân tích, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã liệt Sao La vào danh sách cực kì nguy cấp. Ước tính, chỉ còn lại từ 6 đến 15 quần thể phụ bị cô lập, mỗi quần thể có khoảng vài chục cá thể, tổng số Sao La trên toàn thế giới hiện nay còn chưa đến 750 con (theo IUCN). Tuy nhiên, một số ước tính khác lại cho kết quả ít hơn 100 con.

Ngoài ra, không có cá thể Sao La nào được nuôi nhốt cũng đồng nghĩa với việc nếu các quần thể Sao La hoang dã mất đi, loài này sẽ hoàn toàn tuyệt chủng và không có cách nào phục hồi.

Các mối đe dọa của Sao La

Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) thuộc phân họ Bovini (phân họ Trâu Bò), bao gồm nhiều loài động vật guốc chẵn có kích thước từ trung bình đến lớn như trâu, bò, bò rừng, bò Tây Tạng, linh dương… Tuy nhiên, Sao La lại là thành viên duy nhất còn sống sót của chi Pseudoryx, đã tách khỏi “đại gia đình” bò rừng cách đây hơn 13 triệu năm, vì vậy nó chỉ có quan hệ họ hàng xa với các loài khác. 

Những con Sao La trưởng thành có thể dài khoảng 1,5m, cao 90cm, nặng 100kg, với cặp sừng dài, song song ở cả cá thể đực và cái. So với các loài gia súc và bò rừng khác, Sao La có kích thước nhỏ hơn hẳn. Nhưng cũng ít có loài động vật nào với kích thước như vậy lại lẩn trốn con người tốt như Sao La.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nó có thể “tàng hình”. Trong quá trình “lẩn trốn” các nhà khoa học, Sao La vẫn phải chịu không ít tác động cả trực tiếp và gián tiếp của con người.

Nạn săn bắt

Theo IUCN, săn bắt là mối nguy hiểm chính với Sao La, mặc cho những người đi săn cũng không chủ đích giết chúng.

Thông thường, động vật hoang dã bị săn bắt chủ yếu để phục vụ cho việc lấy thịt hoặc điều chế những phương thuốc cổ truyền. Tuy nhiên, nhu cầu của Sao La trong cả hai mục đích này đều “hầu như không tồn tại”. Theo nhóm bảo tồn Sao La của IUCN, hầu hết Sao La bị giết hại đều do vô tình trở thành nạn nhân của những chiếc bẫy dùng để bắt các loài động vật hoang dã khác phổ biến hơn.

Mất môi trường sống

Giống với hầu hết các loài sinh vật trên thế giới, mất môi trường sống cũng là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng đến Sao La. Sự phát triển của con người đã tạo ra các rào chắn như khu dân cư, đường xá, đập thủy điện…khiến các quần thể Sao La bị chia cắt.  

Có khoảng 6 đến 15 quần thể Sao La còn lại hiện nay, nhưng các quần thể bị cô lập với nhau làm mất đi sự đa dạng di chuyền. Đồng thời các quần thể có kích thước nhỏ cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc chống chọi với những mối đe dọa ngoài tự nhiên.

Khó nuôi nhốt

Từ khi được phát hiện vào năm 1992, người ta đã thử đưa Sao La vào môi trường nuôi nhốt khoảng 20 lần. Tuy nhiên, tất cả đều chết rất nhanh sau đó, ngoại trừ 2 cá thể được thả trở lại môi trường hoang dã.  

Trong khi nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng hoặc đã tuyệt chủng khác (như quạ Hawaii) có thể được phục hồi số lượng bằng những biện pháp hỗ trợ từ con người, Sao La lại là ngoại lệ. Vì không thể nuôi nhốt và thậm chí là không thể bắt gặp để nghiên cứu phục vụ cho chương trình nhân giống, các nhà khoa học cho biết chỉ cần các quần thể Sao La hoang dã biến mất, loài động vật này sẽ vĩnh viễn tuyệt chủng.

Theo: Treehugger
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.