• Về đầu trang
Caroline
Caroline

Những sự thật thú vị về tuyết mà có lẽ bạn chưa từng nghe qua

Thiên nhiên

Ở một quốc gia nhiệt đới như Việt Nam thì việc nhìn thấy tuyết rơi là điều không tưởng và hầu như chỉ rất ít một số địa phương ở biên giới phía Bắc mới xuất hiện hiện tượng này.

Chắc hẳn sẽ có người nhiều ao ước được một lần trải nghiệm ngắm tuyết rơi hay chơi đùa trong tuyết. Vậy có bao giờ bạn thử tìm hiểu về tuyết chưa. Dưới đây là 7 sự thật được chứng minh bởi khoa học mà bạn có thể chưa từng nghe qua.

1. Tuyết không mang màu trắng.

Sự thật nghe có vẻ bất hợp lý này được giải thích rất thuyết phục dưới cái nhìn của khoa học.

Tuyết là kết quả của nước đóng băng nên chúng không có màu mà trong suốt như nước tinh khiết.

Sở dĩ chúng ta thấy tuyết có màu trắng là bởi chúng tán xạ ánh sáng theo rất nhiều hướng và khuếch tán toàn bộ phổ màu. Khi nhiều bông tuyết kết hợp với nhau tạo thành những mảng tuyết lớn, quá trình tán xạ ánh sáng này sẽ khiến tuyết có màu trắng như chúng ta vẫn thường thấy.

Bên cạnh đó, đôi khi bụi hay chất gây ô nhiễm có trong không khí cũng khiến tuyết bị xỉn màu.Ví dụ trong lịch sử đã từng ghi nhận ở Thụy Sĩ, tuyết đen rơi vào năm 1969 và năm 1955, tuyết xanh đã rơi xuống California.

2. Hình dạng của bông tuyết phụ thuộc vào nhiệt độ

Một trong những yếu tố quyết định hình dạng của bông tuyết chính là nhiệt độ môi trường xung quanh nó. Các nghiên cứu về bông tuyết cho thấy các tinh thể băng dài như kim được tạo ra ở nhiệt độ -2°C, trong khi ở -5°C nó sẽ có dạng như những tấm phẳng. Tương tự, mức nhiệt độ khác nhau sẽ tạo ra hình dạng bông tuyết khác nhau, chủ yếu thay đổi ở các cánh tay hoặc cấu trúc đuôi của bông tuyết.

Nhà khoa học Andy Brunning đã nghiên cứu và công bố cuốn danh mục chi tiết về hình dạng của các bông tuyết. Theo đó, có tổng cộng 35 kiểu bông tuyết cơ bản, chúng sẽ kết hợp với nhau và tạo ra vô số hình dạng bông tuyết khác nữa.

3. Bông tuyết có thể phát triển lớn dần

Không phải là một cơ thể sống nhưng bông tuyết có khả năng lớn dần, phát triển từ trong tâm ra ngoài.

Về mặt lý thuyết, bông tuyết có thể phát triển đến rất lớn nếu không bị các điều kiện tự nhiên bên ngoài ngăn cản như gió. Trong thực tế, đã có nhiều ghi nhận cho thấy bông tuyết phát triển đến 38 cm thay vì bị lầm tưởng chỉ là những tinh thể li ti.

4. Tuyết ảnh hưởng đến quá trình truyền âm thanh

Tuyết khi rơi từ trên cao xuống sẽ hấp thụ sóng âm thanh, nên nếu một cơn mưa tuyết dày diễn ra, nó sẽ tạo thành một bức tường cách âm và hạn chế âm thanh truyền đi tại khu vực đó.

Ngược lại, khi tuyết đáp xuống mặt đất, tan chảy và đóng băng thì lại phản xạ âm thanh khiến âm thanh được truyền đi xa hơn.

5. Sao Hỏa cũng có tuyết rơi

Tàu vũ trụ Mars Express chụp hình ảnh tuyết rơi phủ kín miệng núi lửa Korolev rộng 80km ở cực bắc của sao Hỏa vào 20/12/2018 . Ảnh: ESA.

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) cho biết ở Sao Hỏa cũng có những đám mây và có lớp băng dày bên dưới bề mặt.

Những cơn bão tuyết thường xuất hiện đột ngột vào mùa hè trên Sao Hỏa. Bên cạnh đó, các tàu thăm dò cũng tìm thấy những đám mây tuyết chứa carbon dioxide ở cực nam của hành tinh này.

6. Tuyết có thể giữ ấm cho cơ thể

Trong một bông tuyết có từ 90% đến 95% không khí bị giữ lại, điều này khiến nó trở thành một chất cách nhiệt tuyệt vời.

Đây là nguyên do tại sao nhiều loài động vật thường đào sâu vào tuyết và nằm gọn bên trong đó để ngủ suốt mùa đông.

Igloo hay những ngôi nhà làm bằng băng tuyết cũng được con người sử dụng từ hàng ngàn năm qua, bên trong những ngôi nhà băng tuyết này có thể ấm hơn đến 100 độ so với bên ngoài.

7. Tốc độ rơi của tuyết có thể rất chậm hoặc ngược lại

Bởi vì chứa đến 95% không khí nên tuyết rơi rất chậm với tốc độ 0,9 km/h. Tuy nhiên, tùy thuộc vào môi trường xung quanh, những bông tuyết có thể rơi với tốc độ đến 14km/giờ.

Theo: khoahoc.tv
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.