• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

Các nhà khoa học đã tìm ra cách tái chế rác thải nhựa polystyrene thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao

Môi trường

Polystyrene (Polystiren/ nhựa PS) được biết đến là một loại nhựa dẻo, tạo thành từ phản ứng trùng hợp stiren. Có rất nhiều vật dụng trong cuộc sống hiện nay có thành phần polystyrene, bao gồm hộp xốp đựng thực phẩm, hộp nhựa, cốc, ly nhựa, đồ chơi trẻ em, xốp đóng gói… Giống với hầu hết các loại nhựa khác, một chiếc cốc polystyrene mất từ 50 đến 500 năm để phân hủy cũng là một trong những mối nguy hại đến môi trường khiến nhiều người đau đầu hiện nay.  

Một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Bách khoa Virginia, Hoa Kỳ mới đây đã tìm ra cách tái chế mới, giúp nâng cao giá trị của nhựa dẻo, đồng thời giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng do rác thải nhựa gây ra.

Guoliang Liu, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết hiện nay có chưa đến 10% polystyrene trên thế giới được tái chế và lý do đến từ việc không có động cơ kinh tế. Để tái chế polystyrene rất tốn kém, không chỉ chi phí vận chuyển cao, máy móc và công nghệ tái chế cũng đòi hỏi một khoản tiền không nhỏ. Chưa kể, việc tái chế chúng chỉ tạo ra nhiều polystyrene hơn.

Liu cùng các đồng nghiệp của ông sau đó đã nghiên cứu ra một phương pháp tái chế mới, mà theo ông nó tiết kiệm năng lượng, đồng thời có thể được áp dụng với nhiều loại nhựa khác nhau.

Cụ thể, họ trộn chung nhôm clorua và polystyrene rồi để hỗn hợp dưới ánh sáng mặt trời. Tia cực tím trong ánh sáng sẽ phá vỡ cấu trúc của polystyrene, tạo ra một chất hóa học mới chỉ trong khoảng 20 giờ. Phản ứng diễn ra ở nhiệt độ và áp suất thường nên đòi hỏi ít năng lượng hơn so với các phương pháp tái chế và chiết suất polystyrene hiện tại. Theo phân tích của nhóm, quy trình này rất dễ áp ​​dụng và có thể mang lại lợi nhuận kinh tế cao.

“Đây chỉ là hóa học cơ bản. Chúng tôi thậm chí không cần đến các điều kiện nghiêm ngặt, chất xúc tác đắt tiền hay phản ứng mới lạ. Tất cả các nguyên liệu cần cho quá trình đều rất sẵn có.”

Liu nói.

Kết quả thu được cuối cùng sẽ là axit benzoic, một chất rắn tinh thể không màu có tác dụng chống khuẩn, thường có mặt trong thành phần của nước hoa, mỹ phẩm, kem đánh răng, nước súc miệng hoặc chất bảo quản thực phẩm.

Dựa vào kết quả trên, nhóm nghiên cứu cũng đang phát triển một danh mục các chất khác có thể thu được bằng cách điều chỉnh phản ứng hóa học xảy ra.

Bên cạnh đó, không chỉ áp dụng được với polystyrene, phản ứng này còn phù hợp cho nhiều loại nhựa khác. Vì vậy, nhóm nghiên cứu hi vọng đây có thể là phương pháp hiệu quả trong việc giải quyết một trong những mối đe dọa lớn của môi trường hiện nay.

Theo: Newscientist
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.