• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

Hiểu rõ sự khác nhau giữa ‘có thể phân hủy sinh học’ (biodegradable) và ‘có thể ủ thành phân trộn’ (compostable)

Môi trường

‘Ủ phân’ và ‘phân hủy sinh học’ đang được coi là những giải pháp xử lý rác thải hiệu quả nhất hiện nay tuy nhiên không phải ai cũng hiểu đúng về bản chất của chúng. Phân biệt chính xác thế nào là có thể ủ thành phân trộn và có thể phân hủy sinh học là một trong những điều đầu tiên phải làm trước khi bắt đầu thực hiện lối sống bền vững.

Phân hủy sinh học (biodegradable) là gì?

Bất cứ loại vật liệu nào có thể bị phân hủy bởi vi sinh vật (nấm, vi khuẩn) đều được gọi là vật liệu phân hủy sinh học. Có thể hiểu phân hủy sinh học là quá trình phân hủy tự nhiên ngoài môi trường của một vật nhờ sự hỗ trợ từ vi sinh vật dưới tác động của nhiệt độ, độ ẩm, … để trở thành các thành phần đơn giản bao gồm sinh khối, CO2 và nước.

Quá trình này có thể có hoặc không có mặt oxy, tuy nhiên sự hiện diện của oxy sẽ thúc đẩy tốc độ phân hủy diễn ra nhanh hơn.

Khoảng thời gian để một vật phân hủy sinh học phụ thuộc vào thành phần cấu tạo của sản phẩm và cách nó được chôn lấp. Quá trình này có thể chỉ mất vài ngày nhưng cũng có thể kéo dài đến hàng trăm năm.

Cụ thể, các chất hữu cơ như rau củ mất từ 5 ngày đến khoảng 1 tháng để phân hủy sinh học hoàn toàn, giấy mất từ 2 đến 5 tháng, vải cotton khoảng 6 tháng, lá cây 1 năm, vải nylon từ 30 – 40 năm, xốp và túi nhựa là hơn 500 năm.

Tuy nhiên, thông thường những loại vật liệu như nhựa, mút xốp, nhôm có thời gian phân hủy tự nhiên quá lâu nên không được xếp vào danh sách có thể phân hủy sinh học.

Việc để người tiêu dùng tự nhận biết đâu là vật liệu có thể phân hủy sinh học là khá khó vì chỉ có một số ít chúng có thể tự phân hủy ngoài tự nhiên, còn lại phần lớn phải cần đến những điều kiện phân hủy cụ thể thông qua quá trình ủ phân trộn.

Có thể ủ phân trộn (compostable) là gì?  

Khác với phân hủy sinh học là khả năng tự phân hủy ngoài môi trường, ‘có thể ủ phân’ dùng để chỉ một vật liệu có khả năng phân hủy sinh học nhưng phải nhờ đến sự can thiệp của con người.

Trong quá trình ủ phân, con người cần cung cấp đủ lượng nước, oxy và chất hữu cơ theo đúng tỉ lệ thì các vi sinh vật mới có thể hoạt động để phân hủy sản phẩm. Quá trình phân hủy này thường mất từ vài tháng đến khoảng 3 năm tùy thuộc vào các yếu tố tác động.

Vì vậy, mặc dù ủ phân trộn là một dạng của phân hủy sinh học nhưng không phải vật liệu phân hủy sinh học nào cũng có thể dùng để ủ phân trộn.

Ủ phân trộn có hai loại chính là ủ phân tại nhà và ủ phân theo quy mô công nghiệp.

  • Ủ phân tại nhà khá đơn giản, bao gồm việc tập hợp các loại rác thải hữu cơ như thức ăn thừa, vỏ trái cây, rau củ, rác thải sân vườn, sau đó ủ và đảo trộn thường xuyên để đẩy nhanh quá trình phân hủy diễn ra.
  • Ủ phân theo quy mô công nghiệp phải trải qua quá trình sàng lọc và phân loại rác thải thành các nhóm chất hữu cơ và vô cơ riêng biệt, nghiền nhỏ chúng bằng máy băm hoặc máy xay, và sau đó là ủ với điều kiện nhiệt độ, độ ẩm và lượng oxy được tối ưu. Vì thế ủ phân công nghiệp sẽ giải quyết được nhiều loại rác thải khó phân hủy hơn ủ phân tại nhà.

Nhựa biodegradable và compostable

Các sản phẩm như ốp điện thoại, hộp đựng đồ ăn take away hay nhiều loại bao bì tái sử dụng khác hiện nay đều có loại ‘phân hủy sinh học’ hoặc ‘có thể ủ làm phân trộn’. Chúng được gọi chung với cái tên ‘nhựa sinh học’ và có nguồn gốc từ tinh bột ngô, cellulose, đậu nành, … Vì thế chỉ cần được ủ đúng cách, chúng sẽ dễ dàng phân hủy thành sinh khối, CO2, nước mà không gây độc hại đến môi trường.

Tuy nhiên bất cứ một sản phẩm nào cũng đều có những hạn chế nhất định và nhựa sinh học không phải ngoại lệ.

  • Ưu điểm của nhựa sinh học:
    • Có nguồn gốc từ thực vật thay vì dầu mỏ.
    • Lượng khí thải carbon sinh ra trong quá trình sản xuất nhựa sinh học thấp hơn gấp nhiều lần so với các sản phẩm nhựa thông thường khác.
  • Nhược điểm:
    • Đa số các sản phẩm nhựa sinh học yêu cầu quá trình phân hủy trong điều kiện công nghiệp. Trong điều kiện ủ tại nhà hoặc phân hủy tự nhiên ngoài bãi rác chúng vẫn cần tiêu tốn khá nhiều thời gian.
    • Nhựa sinh học không phải là giải pháp cho vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa ngoài đại dương do biển không phải là môi trường phân hủy lý tưởng của chúng.
    • Cần được phân loại riêng thay vì để chung với rác thải nhựa thông thường.

Mặc dù vậy, nếu bạn đang băn khoăn về một sản phẩm an toàn với môi trường thì các sản phẩm có thể phân hủy sinh học và có thể ủ phân vẫn là những lựa chọn sáng suốt lúc này.

Hầu hết các sản phẩm biodegradable và compostable đều được dán nhãn rõ ràng, kèm theo hướng dẫn xử lý rác thải đúng cách. Bạn chỉ cần đảm bảo chọn loại sản phẩm có điều kiện xử lý rác phù hợp với khu vực mình sinh sống (chẳng hạn như bạn có dụng cụ và điều kiện ủ tại gia đình hoặc hệ thống xử lý rác thải địa phương) và cam kết làm đúng quy trình xử lý mà nó yêu cầu.

Các sản phẩm phân hủy sinh học nhìn chung là một cải tiến tốt, tuy nhiên chúng vẫn có thể gây hại đến môi trường nếu không được xử lý đúng cách. Vì vậy, trở thành một người tiêu dùng thông minh khi giảm mức tiêu thụ và hạn chế tối đa các sản phẩm dùng một lần vẫn là cách tốt nhất để đối phó với cuộc khủng hoảng ô nhiễm môi trường hiện nay.

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.