• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

Nhựa - từ phát minh để giải cứu tự nhiên bỗng biến thành thảm họa môi trường

Môi trường

Để làm rõ vấn đề, trước tiên hãy cùng nhau trả lời hai câu hỏi: “Nhựa là gì?” “Chúng đến từ đâu?”

Chất dẻo (plastic) hay còn được gọi là nhựa hoặc mủ là các hợp chất cao phân tử, được ứng dụng trong hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống. Từ “plastic” nguyên gốc là “pliable and easy shaped” nghĩa là “dẻo và dễ tạo hình”.

Nhựa được cấu tạo từ các polymer hữu cơ (“Polymer” có nghĩa là “of many part _ gồm nhiều phần”). Hầu hết các polymer này là chuỗi liên kết của các nguyên tử carbon, đôi khi có thêm oxy, lưu huỳnh và nitơ.

Nhựa lần đầu tiên được phát minh vào năm 1862 bởi Alexander Parkers. Loại nhựa này có tên Parkesine. Tuy nhiên nó không được coi trọng do chưa thực sự cần thiết, quá tốn kém để sản xuất và không bền.

Vài năm sau đó, khi sự thịnh vượng của môn bi-a trong giới quý tộc lúc bấy giờ đã khiến cho nhu cầu sử dụng ngà voi ngày càng tăng cao, trung bình phải 2 con voi bị giết mới có đủ ngà để làm ra một bộ bóng bi-a. Chính điều này đã tiếp tay cho nạn săn bắt voi để lấy ngà trái phép. Vì thế một công ty tại New York đã ra giá 10.000 đô cho ai tìm được loại vật liệu khác dùng để làm bóng bi-a thay ngà voi. Và John Wesley Hyatt đã làm được điều này.

Trong quá trình xử lý cellulose từ sợi bông và long não, ông tình cờ phát hiện ra một loại vật liệu có khả năng chế tạo được thành nhiều hình dạng khác nhau, thích hợp để thay thế mai rùa, sừng, lanh hay ngà voi. Vật liệu này có tên Celluloid, được phát minh năm 1986.

Đây thực sự là một khám phá mang tính cách mạng khi lần đầu tiên con người có thể tự tạo ra một loại vật liệu mới phục vụ cho hoạt động sản xuất quy mô lớn mà không bị ràng buộc bởi giới hạn của tự nhiên. Có thể nói nhựa đã thành công trong việc bảo vệ thế giới tự nhiên khỏi sự tàn phá của con người.

Nhưng hành trình của nhựa chỉ mới bắt đầu.

Vào năm 1907, nhà hóa học người Mỹ gốc Bỉ, Leo Baekeland đã phát minh ra Bakelite, loại nhựa tổng hợp đầu tiên có nguồn gốc hoàn toàn từ nguyên liệu thô như dầu, khí đốt, than đá. Loại nhựa này ra đời với mục đích để chế tạo vật liệu cách điện thay thế cho shellac (nhựa cánh kiến do bọ cánh kiến đỏ tiết ra, có tính cách điện) trong ngành công nghiệp sản xuất điện ngày càng mở rộng ở Hoa Kỳ.

Leo Baekeland
Ảnh: Wikipedia

Sự thành công của Hyatt và Baekeland đã dẫn đường cho các công ty hóa chất lớn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các loại nhựa mới. Trong khi mục đích của Hyatt và Baekeland chỉ là để tìm ra những loại vật liệu với đặc tính thay thế cụ thể, thì các công ty lại mải mê chạy đua vì lợi ích cá nhân và lo lắng sẽ chậm chân hơn đối thủ.

Sự xuất hiện phổ biến của loại vật liệu rẻ tiền và dễ gia công này đã giúp con người bắt đầu một cuộc sống dư dả hơn về của cải vật chất.

Cuộc cách mạng của nhựa ngày càng mở rộng trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, khi vật liệu tổng hợp được ưu tiên thay thế cho vật liệu tự nhiên đã quá khan hiếm.

Vào năm 1935, Wallace Carothers đã phát minh ra nylon, có tác dụng như một loại sợi tổng hợp để phục vụ trong chiến tranh, chẳng hạn như làm dù, dây thừng, áo chống đạn, … Ước tính chỉ trong Thế chiến thứ 2, sản lượng nhựa của Hoa Kì đã tăng 300% và còn tiếp tục tăng sau khi chiến tranh kết thúc. Nhựa lúc này đã có mặt ở khắp mọi nơi, hầu hết tất cả các sản phẩm tiêu dùng đều được làm từ nhựa. Nhựa đánh bại gần như hoàn toàn các vật liệu truyền thống khác như thép, thủy tinh hay gỗ.

Con người thời kì này vẫn còn đang đắm chìm trong một viễn cảnh tương lai sung túc với của cải vật chất dồi dào nhờ loại vật liệu rẻ tiền, dễ chế tạo, dễ gia công mang tên Nhựa.

Tuy nhiên sự lạc quan này kéo dài không lâu khi người ta phát hiện ra những mảnh nhựa dưới đại dương lần đầu vào năm 1960. Cùng với lo ngại về vấn đề môi trường qua 2 sự kiện: tác hại của thuốc trừ sâu hóa học được phơi bày vào năm 1962 và thảm họa tràn dầu đại dương vào năm 1969, rác thải nhựa cũng bắt đầu xuất hiện trong danh sách các tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Từ khi đó, nhựa trở thành một từ để mô tả những thứ rẻ tiền, mỏng manh và giả tạo.

Ảnh: Pinterest

Vấn đề rác thải nhựa càng nghiêm trọng hơn nữa vào những năm 1970 – 1980. Số lượng rác thải nhựa dùng một lần quá lớn trong khi nó gần như tồn tại vĩnh viễn ngoài môi trường, cộng thêm những ảnh hưởng xấu từ phụ gia nhựa đến sức khỏe con người đã khiến ngành công nghiệp nhựa phải đưa ra một giải pháp mới để giải quyết đó là tái chế.

Tuy nhiên vì hệ thống tái chế còn quá yếu kém nên hầu hết rác thải nhựa vẫn kết thúc vòng đời ngoài bãi rác hoặc được chôn lấp. Thậm chí đến tận bây giờ, cuộc chiến với rác thải nhựa vẫn còn tiếp diễn, vô cùng khó khăn và chưa thấy hồi kết.

Ảnh: Pinterest

Không thể phủ nhận phát minh ra nhựa là một bước tiến vĩ đại trong lịch sử loài người. Cả quá khứ, hiện tại và tương lai, nhựa đều đóng một vai trò quan trọng và khó có thể thay thế. Nó giúp nâng cao mức sống, giảm sử dụng nguyên liệu hóa thạch, bảo vệ thế giới tự nhiên, mở đường cho việc phát minh ra máy tính, điện thoại và cả tiến bộ của y học hiện đại. Nhưng những hậu quả mà nó để lại còn đáng lo ngại hơn gấp nhiều lần.

Hiện nay, đã có rất nhiều nghiên cứu được thực hiện để tìm ra những loại nhựa mới có khả năng phân hủy sinh học hoặc các loại vật liệu thay thế khác an toàn và bền vững hơn. Tuy nhiên, sẽ không có một giải pháp nào là hoàn hảo. Mỗi loại vật liệu đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Việc nó có thân thiện với môi trường hay không? Có bền vững hay không? tất cả đều phải dựa vào cách con người sử dụng.

Theo: Tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.