• Về đầu trang
Thu Nga
Thu Nga

Lốp xe phế thải - chiếc bẫy nguy hiểm đối với loài cua ẩn sĩ

Môi trường

Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 30 triệu tấn lốp xe bị vứt bỏ. Phần lớn trong số này được tái chế thành đồ dùng hoặc đốt cháy làm nhiên liệu, nhưng vẫn còn hàng triệu lốp xe bị đưa vào các bãi chôn lấp hoặc bị vứt bỏ bất hợp pháp. Do sự vô ý thức của một số người, nhiều lốp xe phế thải không sử dụng đã bị vứt vào các đại dương trên thế giới, nơi chúng có thể gây hại nghiêm trọng cho hệ sinh thái biển.

Nghiên cứu mới cho thấy tác hại vô cùng lớn từ những chiếc lốp xe bỏ đi đối với hệ sinh thái biển

Nghiên cứu mới cho thấy lốp xe có thể gây nguy hiểm cho các sinh vật biển do hình dạng của chúng. Khi lốp xe trôi vào các đại dương trên thế giới, hình dạng bánh donut rỗng ruột của chúng có thể biến chúng thành nấm mộ của động vật giáp xác, đặc biệt là loài cua ẩn sĩ.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Royal Society Open Science, chỉ ra rằng những con cua ẩn sĩ (hay còn gọi là cua ký cư, ốc mượn hồn, ốc bù chằn, nổi tiếng với tập tính sống trong những chiếc vỏ ốc bỏ đi), rất thích chui vào những chiếc lốp xe phế thải để tìm nơi trú ẩn hoặc một bữa ăn.

Những chú cua xấu số bị nhốt vĩnh viễn bên trong lốp xe, và cuối cùng chết đói. Chỉ trong một năm, các nhà nghiên cứu đã đếm được hơn 1.200 con cua ẩn sĩ bị giam cầm bên trong một bộ sáu chiếc lốp dưới đáy biển.

Atsushi Sogabe, một nhà sinh thái học tại Đại học Hirosaki ở Nhật Bản và là tác giả chính của nghiên cứu trên, viết qua email rằng: Nguồn cảm hứng để ông thực hiện nghiên cứu này đến một cách tình cờ vào năm 2012.

Trong một lần lặn xuống biển để nghiên cứu cá ống ở vịnh Mutsu, ông đã tìm thấy một chiếc lốp chứa đầy vỏ ốc của những con cua ẩn sĩ đã chết. Sogabe nghi ngờ rằng hình dạng của chiếc lốp xe đã tạo ra một vấn đề sinh thái tương tự như "ghost fishing" (ghost fishing: những ngư cụ trôi dạt như lưới đánh cá hoặc bẫy cua vẫn tiếp tục bắt giữ sinh vật biển một cách vô tình). 

Vỏ ốc rỗng và vỏ ốc chứa xác cua ẩn sĩ tìm thấy trong một chiếc lốp xe dưới đáy biển

Để điều tra xem liệu những con cua ẩn sĩ có thể tìm được đường thoát khỏi lốp xe hay không, Sogabe và các cộng sự của mình đã thiết lập một thí nghiệm đôi. Ở thí nghiệm đầu tiên, ông và các đồng nghiệp đã cố định sáu chiếc lốp xe ô tô chở khách bằng những chiếc móc ở độ sâu 25 feet (khoảng 7,6 mét) so với mặt nước. 

Các nhà nghiên cứu giữ nguyên hiện trạng trong khoảng một năm rưỡi để mô phỏng những chiếc lốp xe trong thực tế, (trong thời gian này, các nhà nghiên cứu đảm bảo định kỳ giải cứu bất kỳ sinh vật biển nào vô tình bị nhốt bên trong lốp xe). Sau đó, trong năm tiếp theo, mỗi tháng Sogabe và các đồng nghiệp bơi xuống khu vực tiến hành thí nghiệm và đếm những con cua ẩn sĩ mà họ bắt được. 

Kết quả cho thấy, trong 12 tháng, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy tổng cộng 1.278 con cua ẩn sĩ mắc kẹt bên trong lốp xe, cao nhất là vào tháng 3 với 246 con. Nếu các nhà nghiên cứu không can thiệp, có lẽ những con vật này sẽ bỏ mạng.

Thí nghiệm thứ hai được thực hiện trong phòng thí nghiệm và được thiết kế để kiểm tra khả năng thoát ra khỏi lốp xe ô tô của những con cua ẩn sĩ trong điều kiện có kiểm soát. Các nhà nghiên cứu thả một chiếc lốp xe vào bên trong một bể cá lớn, sau đó thả từng nhóm mười con cua ẩn sĩ vào trong hoặc ngoài lốp xe và cho chúng 18 giờ để tự do hành động. Trong số 120 cá thể cua ẩn sĩ thuộc hai loài khác nhau, 19 con đã tìm cách bò vào bên trong lốp xe và không con nào thoát ra được.

Sau hai thí nghiệm nói trên, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng cua ẩn sĩ gặp rắc rối với những chiếc lốp xe phế thải dưới đáy biển. Hơn thế nữa, những chiếc lốp xe có khả năng gây hại cho nhiều hệ sinh thái đại dương.

Nghiên cứu trước đây cũng cho thấy những con cua ẩn cư rất dễ bị cám dỗ bởi những rác thải trông có vẻ an toàn và ấm cúng. Theo một nghiên cứu năm 2020 trên tạp chí Journal of Hazardous Materials, trong một năm, hơn nửa triệu con cua ẩn sĩ bị mắc kẹt trong các rác thải nhựa trôi dạt trên các bãi biển. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng mùi hôi thối của xác cua phân hủy, tỏa ra từ bên trong những ngôi mộ bằng nhựa này có thể thu hút thêm nhiều nạn nhân hơn.

Những con cua ẩn sĩ bị thu hút bởi mùi xác chết của chính đồng loại. Bởi vì chúng có thể tìm thấy những chiếc vỏ "secondhand" vẫn còn tốt, từ những con cua đã chết. Vì vậy, một khi những con cua chết đói bên trong chai nhựa hoặc lốp xe cao su, mùi xác cua phân hủy sẽ thu hút thêm nhiều con cua khác tìm đến. Những con cua mới đến sẽ bị mắc kẹt và chết đi. Xác chúng sẽ phân hủy, thu hút những nạn nhân mới, trở thành một vòng luẩn quẩn không lối thoát.

Hơn thế nữa, lốp xe rất bền và khó hỏng, về mặt lý thuyết, chúng có thể tiếp tục làm điều này trong nhiều thập kỷ, biến khu vực đó trở thành nghĩa địa khổng lồ của loài cua ẩn sĩ.

Kết

Hiện tại chưa có bằng chứng nào cho thấy bất kỳ loài nào trong số hơn 800 loài cua ẩn cư đã biết đang gặp rắc rối vì lốp xe. Tuy nhiên, nếu số lượng của loài cua ẩn sĩ bị sụt giảm ở những nơi mà lốp xe và các dạng ô nhiễm nhựa đặc biệt phổ biến, điều này có thể sẽ gây ra hậu quả tiêu cực cho các hệ sinh thái tại địa phương. 

Cua sống ẩn dật là loài ăn xác thối cần thiết để giữ gìn sự cân bằng của các hệ sinh thái biển. Nhiều loài cua ẩn cư nhỏ hơn, có quan hệ họ hàng gần với tôm hùm hơn cua, cũng rất quan trọng vì chúng là nguồn thức ăn cho nhiều loài sinh vật biển.

Sogabe nói: “Các vấn đề môi trường được xác định trong nghiên cứu này có thể không so sánh được với sự nóng lên toàn cầu và ô nhiễm đại dương do vi nhựa gây ra. Tuy nhiên, đây là một ví dụ điển hình cho thấy hành vi bình thường của chúng ta có thể có tác động tiêu cực đến động vật hoang dã theo những cách không mong muốn như thế nào”.


Theo: Smithsonian Magazine
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.