• Về đầu trang
Roger
Roger

'Cung điện Ký ức' và phương pháp để ghi nhớ mọi thứ như Sherlock Holmes

Sống "deep"

Nếu là một fan hâm mộ của series truyền hình ăn khách từ đài BBC - Sherlock (thủ vai chính bởi Benedict Cumberbatch và Martin Freeman), hẳn bạn sẽ rất nhớ đến chi tiết Holmes sử dụng một kỹ thuật có tên "Cung điện Ký ức" (mind palace) để ghi nhớ những thông tin cần thiết trong đầu.

Bằng việc làm chủ tòa lâu đài tưởng tượng này, Holmes không gặp bất kỳ khó khăn gì trong việc tiếp nhận và gợi nhớ các thông tin, hay chi tiết cần thiết để phục vụ điều tra. Vậy, thực tế, Cung điện Ký ức là gì, và làm sao để một người bình thường có thể sử dụng nó ngoài đời thực?

Theo nhiều truyền thuyết, cha đẻ của kỹ thuật này là nhà thơ Hy Lạp cổ đại Simonides đảo Kea. Sau khi Simonides tham gia một buổi tiệc, ông có đi ra ngoài để gặp gỡ hai chàng trai trẻ. Nhưng ngay bước ra ngoài nơi tổ chức tiệc, cả khu vực bỗng rung chuyển và toàn bộ ngôi nhà phía sau Simonides đổ sụp. Những người tham gia tiệc mà không chạy kịp ra ngoài thì bị mắc kẹt và chết dưới đống đổ nát.

Thi thể của những người này biến dạng đến mức không thể nhận ra được. Lúc này, Simonides đã tự nhớ lại các cá nhân mình đã gặp thông qua nơi mà ông đã nói chuyện với họ trong ngôi nhà. Việc gợi nhắc thông tin dựa vào địa điểm chính là dạng nguyên thủy nhất của method of loci hay chính xác là Cung điện ký ức như ta biết hiện tại.

Mô hình cung điện ký ức của những học giả La Mã cổ đại

Những người Hy Lạp và La Mã cổ đại, như nhà diễn thuyết nổi tiếng Cicero cũng sử dụng Cung điện Ký ức đẻ ghi nhớ những bài diễn thuyết trong một "lâu đài" vô hình hết sức phức tạp của chính ông. Với những bậc thầy trong việc xây dựng Cung điện Ký ức, việc ghi chép toàn bộ những gì mình định nói là quá đỗi tốn thời gian và cách làm trên sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Kỹ thuật ghi nhớ này cũng đặc biệt được ưa chuộng dưới thời Trung cổ, khi các nhà tu và học giả sử dụng nó để nhớ các văn kiện tôn giáo.

Với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật, đặc biệt trong ngành in, việc ghi nhớ những văn bản cả ngàn ký tự đã không còn cần thiết. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ 20, kỹ thuật Cung điện Ký ức lại lần nữa được nhắc đến, thông qua việc phổ biến hóa những cuộc thi trí nhớ mà trong đó những người chơi sẽ đọ sức với nhau trong việc ghi nhớ càng nhiều thông tin trong thời gian càng ngắn càng tốt.

Simon Reinhard

Ví dụ, vào giải mở rộng tại Đức năm 2011, một thí sinh có tên Simon Reinhard đã nhớ chính xác thứ tự một bộ bài chỉ trong 21.19 giây. Và vài năm sau, ở giải mở rộng Thụy Điển, Reinhard lại lần nữa tự phá kỷ lục của mình khi ghi nhớ được thứ tự của 370 lá bài trong thời gian tương đương.

Dù rất nhiều lần được đề cập đến trong bản truyền hình của đài BBC, Sherlock trong tiểu thuyết gốc sáng tác bởi Arthur Conan Doyle lại chưa bao giờ dùng đến Cung điện Ký ức. Từ chính xác để mô tả hệ thống siêu phàm của Holmes trong truyện được biết đến với tên gọi "gác xép não bộ" (brain attic).

"Tôi cho là não con người ban đầu như một căn gác xép trống vậy, và bạn phải làm đầy nó bằng những nội thất mà mình đã chọn"

Holmes nói với John trong vụ án đầu tiên Chiếc nhẫn tình cờ (A Study in Scarlet).

Holmes chỉ chọn những ký ức cần thiết cho công việc của mình để sắp xếp vào "gác xép não bộ" của mình, và những ký ức không cần thiết - như Trái Đất thực tế quay quanh Mặt trời thì anh lại ném nó đi. Trong đó, Watson và nhiều người trong chúng ta lại chất đầy căn gác xép với "tả pí lù" các loại ký ức, cả hữu dụng và vô dụng. Chính vì thế, khi muốn tìm lại một thông tin cần thiết trong quá khứ, ta luôn gặp khó khăn để gợi nhắc lại nó.

Cung điện Ký ức được Sherlock dùng triệt để trong các tập phim của series Sherlock, đặc biệt trong tập phim His Last Vow (tập cuối mùa 3). Đó là sau khi Holmes bị bắn, anh đã tự đi vào cung điện trong đầu anh để tự cứu lấy chính mình. Người xem có thể thấy anh đi xuống những chiếc cầu thang bay bổng, và rồi đi vào một căn phòng như nhà xác, tại đó có Molly Hooper, trợ lý pháp y.

Hooper, một hình bóng do chính ký ức anh tạo ra nói "Anh chắc chắn không thoát chết được đâu, nên hãy tập trung vào. Rất thông minh khi tự xây cho mình một Cung điện Ký ức, nhưng anh chỉ còn 3 giây tỉnh táo để sử dụng nó thôi". Holmes sau đó đã tự tìm ra câu trả lời cho riêng mình khi quanh quẩn trong "cung điện" này nhưng thực tế, phạm vi sử dụng của anh đã xa hơn mức thông thường. Đó là khi Holmes tìm ra cái mình cần không chỉ dựa vào địa điểm của Cung điện, mà còn qua các hoạt động tâm lý xảy ra trong đó, được tạo ra bởi tiềm thức của anh.

Toàn bộ phân cảnh về Cung điện Ký ức trong tập phim His Last Vow (Sherlock)

Nhưng tất nhiên, một cung điện ký ức thực tế không cần phải quá sức phức tạp như cái của Holmes trong phim. Ngay cả những người bình thường, vốn không có đầu óc siêu phàm như chàng thám tử này cũng có thể tự xây cho mình một Cung điện Ký ức theo các chỉ dẫn hết sức đơn giản như sau:

Ban đầu, bạn có thể tự "vẽ" ngôi nhà mình đang ở, hay một ngôi nhà mà bạn thích trong đầu, miễn sao bạn cảm thấy nó gần gũi và quen thuộc. Sau đó, hãy thêm vào các chi tiết như:

  1. Cửa
  2. Các nội thất lớn
  3. Đồ trang trí
  4. Bàn ghế, giường tủ
  5. Những đồ vật đặc trưng của tuổi thơ bạn
  6. Những đồ vật mà bạn thích nó có trong Cung điện của mình

Bất cứ đồ vật nào bạn đặt vào trong cung điện này đều có thể là địa chỉ cho các ký ức bạn sẽ thêm vào sau này, nên hãy nhớ chúng thật kỹ. Sau đó, hãy đi dạo trong tâm tưởng của mình vài lần để nắm rõ vị trí và lối ra vào trong Cung điện. Đặc biệt, bạn phải nhớ thật kỹ đường đi, điểm đầu và điểm kết trong đó, để không mất thời gian khi muốn lần lại các ký ức đã qua.

Bạn đã xong bước trên chưa? Bây giờ, hãy bắt đầu nghĩ đến vài thứ mà bạn phải ghi nhớ nhé

  1. Những câu hỏi trong bài kiểm tra sắp tới.
  2. Số tài khoản ngân hàng.
  3. Mật khẩu, hay mã PIN bí mật.
  4. Các bước trong công thức nấu ăn.
  5. Danh sách đi mua sắm.

Bây giờ, lần lượt đặt chúng vào những vật thể trong phòng trước đó. Nếu muốn gợi nhắc lại nhanh hơn, hãy tạo ra các mối liên kết chặt giữa thông tin được ghi chú và những đồ vật kể trên, như là mùi hương, màu sắc, hình dáng. Ví dụ, trình tự các công thức nấu ăn có thể được "gắn" vào bộ con lắc Newton, do tính trình tự và ảnh hưởng qua lại giữa các bước.

Khi đã hoàn thiện căn phòng đầu tiên, hãy lần lượt tạo thêm cả những căn phòng khác trong cung điện mơ ước của bạn. Những căn phòng mới nên được hình dung với cách thức bài trí khác, đặc biệt hơn, để sao cho việc gợi nhắc những ký ức khác trở nên dễ dàng và nhanh chóng.

Tùy vào trí tưởng tượng và mức độ phức tạp của thông tin, bạn có thể xây dựng một cung điện phức tạp tương ứng

Xong tất cả các bước này, bạn đã gần như hoàn tất việc xây dựng một Cung điện Ký ức của riêng mình. Như vậy, cứ mỗi khi nào bạn phải dùng đến một thông tin gì, hãy từ từ, đi vào các căn phòng ký ức, tìm lại những món đồ có ẩn chứa thông tin mà bạn cần.

Tất nhiên, với mỗi người khác nhau, với cách thức hoạt động trong não bộ khác nhau, một công thức chung sẽ khó có thể làm hài lòng tất cả. Nhưng mong rằng, trên đây sẽ là những bước đầu tiên để bạn tiến đến làm chủ toàn bộ ký ức trong đầu mình và phát huy tối đa năng lực não bộ của bản thân.

Theo: Medium, SmithsonianMag
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.