• Về đầu trang
Coffeecat
Coffeecat

Những bí mật về washi - loại giấy mỏng như da người, là báu vật văn hóa của nước Nhật

Nghệ thuật

1,300 năm lịch sử và là một Di sản Văn hóa Phi Vật thể được công nhận bởi UNESCO nhưng trong hai thập kỷ vừa qua, ngành làm giấy washi không còn phổ biến như trước và giá trị của chúng trên thị trường đã giảm xuống hơn 50%.

Tuy vậy, tại xưởng Hidaka Washi thuộc vùng đảo Shikoku, ông Hiroyoshi Chinzei - thuộc thế hệ thứ tư trong một gia đình làm giấy truyền thống - vẫn đang miệt mài tạo ra một loại giấy washi đặc biệt. Có lẽ những tấm washi này của ông cũng sẽ giúp chúng nhận được nhiều sự quan tâm hơn bởi người dân trong nước và cộng đồng quốc tế.

Sản phẩm của Chinzei là loại giấy mỏng nhất thế giới, được sử dụng nhằm lưu trữ những tư liệu lịch sử tại các viện bảo tàng và thư viện - trong đó có cả Viện bảo tàng Louvre tại Pháp, Viện bảo tàng Anh tại Luân Đôn, và Thư viện Quốc hội tại Washington.

giay washi nhat ban 9

Loại giấy tengu-joshi mỏng đến nỗi có thể nhìn xuyên thấu qua.

Nghệ nhân 50 tuổi này chia sẻ: "Giấy washi linh hoạt và bền hơn giấy của phương Tây nhiều," vì giấy Tây khi cũ đi sẽ bị rã ra thành vụn nhỏ.

Giấy washi truyền thống được làm thủ công từ loài cây tên kōzo (dâu tằm), với những thớ gỗ dài và dày dặn hơn những nguyên liệu làm giấy Tây như gỗ và cotton.

Những quyển sách cổ của Nhật có từ thế kỷ thứ 7 hoặc 8 đến nay vẫn còn tốt... chính là nhờ những thớ gỗ cứng cáp của cây kōzo.

Quy trình làm nên loại giấy washi siêu mỏng này bắt đầu bằng việc thu mua cây dâu tằm từ nông trại, sau đó đun trong nồi hơi, tước vỏ, buộc thành từng bó, sấy khô và tạo sợi.

giay washi nhat ban 4

Những bó kōzo được phơi khô.

giay washi nhat ban 5

Chúng sẽ được luộc qua nước sôi cho đến khi mềm ra.

Tiếp theo, những thớ gỗ sẽ được đập ra và trộn với keo hồ và nước, sau đó được trải lên một tấm ván gỗ.

giay washi nhat ban 6

Người thợ sử dụng những khúc tre để trộn những thớ gỗ với keo hồ.

giay washi nhat ban 7

Họ dùng tay kéo sợi để làm tăng độ dai cho giấy. Những tạp chất cũng sẽ được loại bỏ bằng tay.

Tấm ván này sẽ được nhúng vào nước liên tục và được rung lắc nhằm trải đều phần dung dịch bên trên và tạo ra một mảnh giấy. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng kỹ thuật này cần nhiều năm rèn giũa mới có thể thành thục.

Đó là kỹ thuật truyền thống và hoàn toàn thủ công, nhưng ngày nay nhờ sự trở giúp của máy móc, quy trình này đã gọn nhẹ và đơn giản hơn khá nhiều.

giay washi nhat ban 8

Nhờ máy móc tân tiến mà quy trình làm giấy washi trở nên thuận tiện hơn. Những sợi dâu tằm được đưa vào máy để ép thành giấy.

Vì giấy washi rất khó bị hư hại, chúng có thể được ép vào từng tờ giấy trong những tư liệu cổ hoặc chỉ đơn giản là kẹp giữa những đôi giấy. Việc này sẽ giúp bảo quản những tư liệu cổ tốt hơn.

Đối với tư liệu, điều quan trọng nhất là độ trong suốt của tấm washi để có thể đọc được chữ. Chính vì vậy chúng phải càng mỏng càng tốt.

giay washi nhat ban 10

Mảnh giấy washi có thể nhìn được xuyên thấu.

Loại washi mà Chinzei tạo ra, mang tên "tengu-jōshi", dày chỉ 0.02 milimét và mỗi mét vuông chỉ nặng 1.6 gam.

Khi so với loại giấy in ấn mà chúng ta hay dùng thì bạn sẽ thấy sự khác biệt ngay. Giấy thông thường dày khoảng 0.09 milimét, mỗi mét vuông nặng đến 70 gram.

giay washi nhat ban 2

Loại giấy này nhìn như mắt lưới và có thành phần chính là thớ gỗ... Nó mỏng như da người vậy.

Nghề làm giấy truyền thống tại Nhật Bản nở rộ vào thời Edo (1603-1868) nhưng suy yếu dần từ khi việc làm giấy được máy móc, tự động hóa.

Ngày này, với Nhật Bản ngày càng Âu hóa, thị trường giấy washi lại càng bị thu hẹp.

Chinzei chia sẻ:

Chúng tôi không còn sử dụng phòng tatami và không còn chỗ để treo những cuộn tranh nữa.

Washi dùng cho những mục đích đó giờ đây không còn nữa.

Theo thống kê của Bộ Công thương, tổng giá trị của giấy washi thủ công đã giảm từ 4.15 tỷ yên (khoảng 890 tỷ đồng) năm 1998 xuống còn 1.78 tỷ yên (khoảng 380 tỷ đồng) năm 2016.

Thêm vào đó, giá trị của washi dùng cho giấy thư pháp và màn cửa shōji giảm từ 25.1 tỷ yên (khoảng 5,400 tỷ đồng) xuống còn 5.86 tỷ yên (khoảng 1,300 tỷ đồng).

giay washi nhat ban 3

Giấy washi dùng để trang trí.

Thực chất thì Chinzei đã không định tiếp nối sự nghiệp của gia đình mà đã đến Seattle để học về tài chính.

Nhưng tôi đã quay lại... vì tôi cảm thấy mình có trách nhiệm truyền lửa cho thế hệ sau.

Lượng washi dùng để phục hồi tư liệu vẫn chưa nhiều, nhưng hiện tại chúng đã được đưa đến hơn 40 quốc gia. Chinzei mong rằng sẽ có nhiều người quan tâm hơn đến washi.

Tôi nghĩ rằng washi rất có tiềm năng, không những trong việc phục hồi những tư liệu văn hóa cổ mà còn trong lĩnh vực hội họa nữa.

Theo: The Japan Times, Great Big Story
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.