• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Sulli và Joker: Nạn nhân của 'xã hội độc hại' và chân dung những kẻ thủ ác không bao giờ phải ra tòa

Voices

Xem xong Joker 2019 của đạo diễn Todd Phillips, cảm thương cho số phận của Arthur Fleck - một người có bệnh lý trầm cảm, sau đó lại chứng kiến nữ ca sĩ Sulli phải tìm đến cái chết vì áp lực và lời lẽ cay độc của một bộ phận netizen Hàn Quốc, tôi chợt nhận ra một điều.

Hai thảm kịch, một trong phim một ngoài đời thực, đối với Arthur Fleck - nó tạo ra gã tội phạm mang tính biểu tượng nguy hiểm nhất thành phố Gotham, đối với Sulli - nó vĩnh viễn cướp đi một nghệ sĩ tài hoa xinh đẹp, một cô gái vô tội chỉ mới 25 tuổi.

Kẻ thủ ác trong cả hai thảm kịch trên đều là một: "xã hội độc hại"!

Sulli Choi được phát hiện đã qua đời tại nhà riêng vào ngày 14 tháng 10 năm 2019.

Lớn lên trong một xã hội độc hại?

Bạn không thể quyết định được việc mình sinh ra ở đâu và khi nào, Arthur Fleck và Sulli cũng vậy, thoạt nhìn hai nhân vật này có vẻ không hề liên quan gì với nhau, thế nhưng rõ ràng họ đều chung một cảnh ngộ: sinh ra trong một bối cảnh xã hội mà họ không thể tự quyết được bản thân mình.

Arthur Fleck - kẻ mà sau này trở thành Joker, anh ta lớn lên trong thời kỳ đen tối nhất mà nước Mỹ từng trải qua là thời kỳ khủng hoảng vì suy thoái kinh tế thập niên 1970s - 1980s. Đây là thời kỳ mà những nhà nghiên cứu sử học cho rằng "thế hệ lớn lên trong giai đoạn này đã bị tổn thương đến mức không còn khôi phục được nữa.", bởi vì sự thối nát, độc ác, vô cảm của xã hội đã khắc sâu một vết thương không bao giờ lành trong lòng họ.

Sulli và Arthur Fleck, họ cùng lớn lên trong một xã hội độc hại.

Tương tự, khi Sulli bước vào ngành giải trí từ năm lớp 4 (được đào tạo tại học viện diễn xuất MTM Actor Academy, tham gia Love Needs a Miracle của SBS, vai công chúa Sun-hwa) thì có lẽ cuộc đời của cô đã không còn do bản thân mình quyết định nữa. Kể từ lúc này, chúng ta càng có thể nhìn thấy sự tương đồng trong biểu hiện của Sulli và Arthur Fleck, họ đều là những người có mơ ước và đã sống vì đam mê nghệ thuật của mình.

Thế nhưng, càng bước đi xa trên con đường "nghệ thuật vị nhân sinh" ấy (nguyên văn tiếng Pháp: l'art pour la vie), thì họ càng nhận ra thứ nghệ thuật mà họ theo đuổi đã bị bóp méo bởi "xã hội độc hại". Bản thân họ thì trở thành món hàng cho một nhóm lợi ích ở thượng tầng của xã hội, những khán giả vô cảm đang vỗ tay rầm rộ dưới hội trường thì xem họ như là món đồ chơi để tiêu khiển, những kẻ đó nào có thực sự yêu thương người nghệ sĩ như họ?

Điều đáng buồn nhất là, Arthur Fleck lẫn Sulli đều không thể nói lên tiếng nói của mình, tệ hơn nữa, khi họ cố sức để nói ra thì không ai lắng nghe! Tôi vẫn còn nhớ một đoạn thoại trong phim Joker, khi Arthur Fleck đến gặp một nhân viên tư vấn tâm lý, anh ta nói:

Cô không lắng nghe, phải không? Cô hỏi những câu hỏi tương tự mỗi tuần. "Công việc thế nào?" "Anh có bất kỳ suy nghĩ tiêu cực không?" Tất cả những gì tôi có là những suy nghĩ tiêu cực.

Nguyên văn: You don't listen, do you? You just ask the same questions every week. "How's you job?" "Are you having any negative thoughts?" All I have are negative thoughts.

Lời giải bày của Arthur chẳng phải rất giống như những gì mà Sulli từng nói khi rời khỏi nhóm f(x) hay sao?

Em cố gắng bảo vệ bản thân. Em nói rằng bản thân kiệt sức rồi nhưng không một ai lắng nghe em cả. Thực sự thì em cảm thấy vô cùng cô đơn".

Chân dung "những kẻ sát nhân không bao giờ phải ra tòa"

Trải qua thời kỳ khó khăn, Sulli như một tâm hồn nhỏ nhoi đã bị chèn ép và vắt kiệt đến mức trầm cảm để mang về hàng đống tiền cho công ty chủ quản, cũng như Arthur Fleck từng cố gắng luyện tập, cười đến méo cả miệng chỉ để nhận ra mình chỉ là con cờ phục vụ cho bọn bầu show - những kẻ ngồi trước ống kính và luôn mồm phán xét thế giới nhưng "chưa bao giờ rời khỏi studio" để nhìn thấy thế giới cùng quẫn của những con người như anh.

Kiệt sức, cả về thể chất lẫn tinh thần, Sulli còn lại gì? Những fan cứng luôn yêu thương cô chăng? Rất tiếc, người hâm mộ chân thật quá ít, tiếng nói của họ quá nhỏ bé so với số đông những kẻ xấu xa, luôn ganh tị, thích chì chiết, xúc phạm, phán xét người khác khi đang giấu mặt phía sau màn hình để có thể cảm thấy mình quyền lực. Những kẻ này, chính họ từng tung hô Sulli khi tận hưởng thành quả nghệ thuật trong thời kỳ hoàng kim của Sulli, nhưng cũng chính họ không tiếc lời phỉ báng khi cô không sống theo cách mà họ mong muốn.

Tương tự như thế, Arthur Fleck cũng từng sùng bái người dẫn chương trình Franklin Murray, người từng là động lực, từng truyền cảm hứng để anh tiếp tục sự nghiệp hài kịch sĩ. Trong mắt Arthur, Franklin Murray từng là biểu tượng của hy vọng, cho đến khi hắn lộ mặt là một kẻ muốn thao túng hình tượng của anh, những gì hắn quan tâm chỉ là tiếng cười của khán giả, là số lượt xem của chương trình talkshow. Cả Sulli và Arthur Fleck, cái mà cuối cùng họ nhận được chính là gáo nước lạnh từ những kẻ mà họ từng tin tưởng.

Càng bị vùi dập, Sulli càng mong muốn được sống với bản thân mình, cô đi tìm kiếm tình yêu để khuây khỏa thì lại tiếp tục bị công kích khi yêu người đàn ông hơn tuổi. Cô muốn bùng nổ, muốn xốc nổi để cảm thấy là chính mình hơn thì cũng tiếp tục bị sát phạt bởi lề thói phong kiến xưa cũ mà bọn antifan lấy ra để áp đặt lên cô, phán xét về ngoại hình, trang phục và phong cách cá nhân của cô.

Thế nhưng, chúng quên rằng, cô đang là một con người bị tổn thương. Sulli không chỉ có triệu chứng sợ xã hội (social anxiety disorder) và rối loạn hoảng sợ (panic disorder) mà còn mang trong mình triệu chứng của căn bệnh trầm cảm thời kỳ cuối: "trầm cảm cười" (smiling depression).

Người bị "trầm cảm cười" thường cố gắng che giấu sự đau khổ của mình, đôi lúc gắng gượng tỏ ra vui vẻ, như là họ rất bình thường trong mắt người khác. Thực ra, lúc đó họ đã bị chèn ép đến mức phải cố gắng giả tạo niềm vui, tự lừa mình rằng bản thân không bị tổn thương. Đó là điều đau khổ nhất mà một người trầm cảm phải trải qua, đến khóc cũng không dám khóc. Chi tiết này khiến tôi nhớ đến câu nói đau đớn nhất mà nhân vật Arthur Fleck từng viết trong cuốn sổ tay của anh ta:

Điều tồi tệ nhất của việc mắc bệnh tâm thần là mọi người lại muốn bạn cư xử như thể bạn không bị.

Nguyên văn: The worst part of having a mental illness is people expect you to behave as if you don't.

Sulli và Arthur Fleck, họ đều bị cái xã hội độc hại mà những kẻ nắm giữ quyền lực mềm chi phối số phận con người. Trong trường hợp của Arthur Fleck, đó là những chính trị gia, là giới thượng lưu vô tâm lãnh đạm, chúng dùng ngòi bút viết ra những chính sách có lợi cho thượng tầng xã hội, bất chấp tính mạng của dân đen.

Đối với Sulli, kẻ bức cô đến cái chết là netizen, những kẻ dùng quyền lực của bàn phím để gõ ra những câu đổi trắng thay đen như đâm dao vào tim người khác, là những kẻ đứng đầu ngành giải trí chỉ muốn vơ đầy túi tiền. Những kẻ này, chúng vừa là hung thủ, vừa là quan tòa, chúng sẽ không bao giờ bị mang ra trước vành móng ngựa.

Chân dung những kẻ thủ ác không bao giờ phải ra tòa!

Ở cuối phim Joker 2019, Arthur Fleck cũng có ý định tự sát, anh từng ghi chú trong cuốn sổ là:

Tôi hy vọng cái chết của mình sẽ khiến cuộc đời tôi trở nên ý nghĩa hơn.

Nguyên văn: "I HOPE MY DEATH MAKES MORE CENTS THAN MY LIFE."

Tuy nhiên, Arthur cuối cùng lại nhận ra rằng anh có thể không chết, ngược lại anh nắm giữ quyền năng thay đổi vận mệnh của mình và cải tạo xã hội theo một hướng khác, với một trật tự do anh nắm giữ. Thế nhưng, điều đó xảy ra vì nó là...phim, cái chết của Arthur Fleck trở thành sự bắt đầu của Joker chỉ có thể xảy ra trên trang truyện, thước phim, khung hình. Còn trong đời thật, số phận đã định của Sulli chỉ còn để lại trong lòng các fan chân chính sự phẫn nộ và tiếc thương vô hạn.

Theo: Tổng Hợp

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.