• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

Thuế băng vệ sinh: Tội ác tinh vi và sự bất công cay đắng với phụ nữ

Chị em

Thuế băng vệ sinh (tampon tax) là một chủ đề nóng ở nhiều quốc gia bởi vì mức thuế của nó rất cao. Thậm chí ở một số nước, trong khi bao cao su được miễn thuế hoàn toàn thì băng vệ sinh vẫn nằm trong nhóm bị đánh thuế, thậm chí là mức thuế cao gấp 2 đến 3 lần so với các nhu yếu phẩm khác.

Rất nhiều chiến dịch được thực hiện. Rất nhiều dự luật bị bác bỏ. Đàn ông vẫn không ngừng đá quả bóng trách nhiệm cho nhau, còn phụ nữ vẫn đang đấu tranh cho quyền lợi vốn dĩ thuộc về họ.

(Ảnh: Synmedia)

“Tôi nghĩ chắc do người làm luật chỉ toàn đàn ông” – Tổng thống Barack Obama

Ở Mỹ, mỗi bang sẽ có danh mục riêng về những sản phẩm thiết yếu được miễn thuế, ví dụ như son dưỡng môi, dầu gội đầu, giấy ăn, bao cao su. Còn băng vệ sinh và các sản phẩm tương tự dành cho phụ nữ vẫn phải chịu mức thuế từ 4% đến 7% tùy từng bang. Chỉ có 5 bang gồm Maryland, Massachusetts, Minnesota, New Jersey và Pennsylvania miễn thuế hoàn toàn. Con số này quả thực quá ít ỏi so với 35 bang vẫn đang vô tư nhón tay vào ví phụ nữ và rút về mỗi năm khoảng 150 triệu USD (hơn 3.480 tỷ VND).

Đối với người nghèo, đây chẳng khác nào một tội ác bởi vì phụ nữ buộc phải cân nhắc nên ưu tiên thực phẩm, nhu yếu phẩm cho gia đình hay nên vung tiền mua băng vệ sinh cho bản thân. Khi phụ nữ không có đủ khả năng tài chính để mua băng vệ sinh (chỉ tính riêng những ngày “đèn đỏ”), nó sẽ cản trở công việc và sinh hoạt hàng ngày của của họ, nguy hiểm hơn là gây nhiễm trùng vùng kín.

Vậy ai là thủ phạm đã gây ra tội ác này? Trong một buổi phỏng vấn cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, nữ phóng viên đưa ra thắc mắc vì sao băng vệ sinh bị đánh thuế cao ngang ngửa các mặt hàng xa xỉ, Obama đã trả lời: “Tôi nghĩ chắc do người làm luật chỉ toàn đàn ông”.

Đây có lẽ là câu trả lời ngắn gọn hợp lý và thuyết phục nhất giải thích vì sao ở Mỹ và nhiều quốc gia khác, băng vệ sinh chịu mức thuế trên trời, còn bao cao su nghiễm nhiên được miễn thuế.

"New Jersey đã ngừng đánh thuế 'bà dì' nhưng 35 'gã' còn lại thì chưa" (Ảnh: Fortune)

Gần 2 thập kỷ đấu tranh của phụ nữ nước Úc

Cuộc đấu tranh miễn thuế hoặc giảm thuế băng vệ sinh vẫn đang diễn ra ở nhiều nước. Chắc chắn đó không phải là cuộc chiến một sớm một chiều và nó có thể kéo dài gần 20 năm như ở nước Úc.

Năm 2000, chính phủ Úc quyết định miễn thuế Hàng hóa và Dịch vụ 10% cho một số sản phẩm như kem chống nắng, bao cao su, chất bôi trơn, v.v… Tuy nhiên, băng vệ sinh và các sản phẩm cho kỳ nguyệt san không nằm trong danh mục này. Theo lời giải thích của cựu Bộ trưởng Y tế Michael Wooldridge, bao cao su được miễn thuế vì nó bảo vệ người sử dụng khỏi một số loại bệnh khi quan hệ tình dục, còn kinh nguyệt của phụ nữ không phải là một loại bệnh nên chẳng có lý do nào chính phủ lại miễn thuế băng vệ sinh – mặt hàng không nằm trong nhóm sản phẩm ngừa bệnh.

Trong suốt gần 2 thập kỷ, hàng loạt chiến dịch kêu gọi miễn thuế các sản phẩm dành cho kỳ nguyệt san được thực hiện ở xứ sở chuột túi. Trong đó có hai cuộc vận động online thu được hơn 180.000 chữ ký là Axe The Tampon Tax (Hãy miễn thuế băng vệ sinh) và Stop taxing my period! (Đừng đánh thuế “mùa dâu” của tôi!).

Tại cuộc họp tháng 10/2018, chính phủ Úc nhất trí miễn thuế băng vệ sinh và các sản phẩm tương tự dành cho phụ nữ, đồng nghĩa họ cũng chấp nhận tổng thu nhập quốc gia mỗi năm giảm 35 triệu USD (hơn 812 tỷ VND). Chính sách này có hiệu lực bắt đầu từ tháng 1/2019.

Cuộc vận động ở Úc (Ảnh: Australia Greens)

Chiến dịch lách luật thông minh “The Tampon Book” ở Đức

Ngay ngày đầu tiên ra mắt, cuốn sách The Tampon Book: A Book Against Tax Discrimination (Cuốn sách Tampon: Cuốn sách phản đối thuế băng vệ sinh) lập tức cháy hàng. Hai tuần tiếp theo, cuốn sách vẫn duy trì vị trí bán chạy và được đông đảo phủ nữ ủng hộ, bao gồm cả những influencer nổi tiếng trên mạng xã hội ở Đức. 

Cuốn sách này có gì hay mà nhiều người đổ xô đi mua đến vậy?

Theo quy định của pháp luật về thuế ở Đức, mức thuế 7% được áp dụng cho nhu yếu phẩm hàng ngày và 19% cho xa xỉ phẩm. Trong danh sách các sản phẩm bị đánh thuế, trứng cá hồi, nấm truffle, tranh sơn dầu chỉ chịu mức thuế 7%, trong khi đó băng vệ sinh bị đánh thuế 19%. Hóa ra “mùa dâu” của phụ nữ còn xa xỉ hơn cả loại nấm đắt nhất thế giới là nấm truffle cơ đấy!

Cuốn sách "The Tampon Book" (Ảnh: Anacurbelo)

Để chỉ ra sự bất đồng này, The Female Company - công ty sản xuất tampon tại Đức - đã phát hành The Tampon Book - một cuốn sách 46 trang về các chủ đề liên quan đến “bà dì”, khi đàn ông tới tháng, cũng như thuế băng vệ sinh ở Đức. Cuốn sách đồng thời đính kèm 15 chiếc tampon. Như vậy khi chị em mua The Tampon Book, họ vừa được trang bị kiến thức vừa chỉ phải mua băng vệ sinh với mức thuế 7%.

Chiến dịch lách luật rất khôn ngoan của The Female Company không chỉ góp phần tăng doanh số của hãng mà còn đạt được giải thưởng Grand Prix cho hạng mục PR tại Liên hoan quảng cáo Cannes. Quan trọng hơn cả, The Tampon Book tiếp tục thổi bùng ngọn lửa phản đối thuế băng vệ sinh cao vô lý và thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp Đức. Kết quả là vào tháng 10/2019, chỉnh phủ Đức đưa ra kế hoạch giảm thuế băng vệ sinh từ 19% xuống còn 7%, bắt đầu áp dụng từ năm 2020. Đây rõ ràng là một tin vui dành cho phụ nữ Đức sau một thời gian dài đấu tranh.

"Bà dì" cần bạn. Đừng đánh thuế băng vệ sinh (Ảnh: Mirror)

Câu chuyện ở những quốc gia khác:

  • Năm 2016, thống đốc bang California Jerry Brown bác bỏ dự luật “hủy bỏ thuế băng vệ sinh” với lý do ngân sách bang sẽ thất thu 20 triệu USD (hơn 464 tỷ VND). Quyết định này của ông lập tức hứng chịu vô vàn gạch đá từ các nghị sĩ và dân chúng.
  • Kenya (Đông Phi) là quốc gia đầu tiên bãi bỏ thuế đánh vào các sản phẩm dành cho kỳ nguyệt san của phụ nữ từ năm 2004.
  • 4 “đại gia” theo chân Kenya gồm có Malaysia, Ấn Độ, Canada và Úc.
  • Scotland là quốc gia đầu tiên thực hiện chương trình phát băng vệ sinh miễn phí cho học sinh, sinh viên, với con số ước tính là hơn 395.000 người.
  • Theo một khảo sát ở Anh dành cho nữ giới trong độ tuổi từ 14 đến 21, cứ 10 thì có 1 người không đủ khả năng chi trả cho băng vệ sinh. Nếu Anh muốn miễn thuế mặt hàng này theo nguyện vọng của dân chúng, họ buộc phải đàm phán với Nghị viện châu Âu. Dự luật của Anh đã được thông qua vào tháng 10/2018, tuy nhiên nó sẽ có hiệu lực sớm nhất là vào năm 2022 do sự ảnh hưởng của quá trình Brexit.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.