• Về đầu trang
Milu
Milu

Xúc động câu chuyện ngôi làng tại Ấn Độ trồng 111 cây xanh mỗi khi một bé gái ra đời

Chị em

Tại một đất nước mà sự phân biệt giới tính vẫn còn hiện hữu sâu sắc thì ngôi làng Piplantri ở Rajasthan, Ấn Độ lại cho thấy một cách sống vô cùng mới mẻ và hiện đại. Phong tục tuyệt vời này có từ khi Kiran – con gái của cựu trưởng làng Shyam Sundar Paliwal qua đời từ khi còn rất nhỏ. Cái chết của cô con gái đã tác động rất lớn đến suy nghĩ và cách sống của ông. Vị trưởng làng đáng kính đã thề rằng sẽ cùng với dân làng đảm bảo và trân trọng cuộc sống của mỗi bé gái.

Vì lẽ đó, từ năm 2006, Paliwal đã thực hiện sáng kiến trồng 111 cây để chào mừng sự ra đời của mỗi bé gái được sinh ra trong làng. Dân làng trồng cây trên những bãi chăn thả Piplantri và mỗi cái cây đều được cộng đồng bảo vệ, nuôi dưỡng cho đến khi lớn lên.

Theo lệ làng, tất cả người dân Piplantri sẽ quyên góp 21000 Rupee (hơn 7 triệu VND) và gia đình của đứa bé sơ sinh sẽ ủng hộ 10000 Rupee (tương đương 3,5 triệu đồng), dành 31.000 Rupee (khoảng $ 465 USD) này gửi tiết kiệm để nuôi đứa trẻ trong 20 năm. Bố mẹ đứa trẻ phải ký bản tuyên thệ pháp lý, trong đó cam kết rằng con gái của họ sẽ được học hành tử tế, không được kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi và họ phải chăm sóc những cây đã trồng. Những quy định trên nhằm giúp bảo vệ quyền của các bé gái mới sinh, và thúc đẩy sự bền vững và phát triển trong làng.

Khoảng 60 bé gái được sinh ra ở Piplantri mỗi năm. Tuy nhiên, một nửa trong số đó chỉ được cha mẹ chấp thuận một cách miễn cưỡng vì con gái được xem là “ít giá trị”. Do đó, chương trình trồng cây được xem như một cách hữu hiệu để chống lại văn hóa nam quyền độc đoán cũng như khuyến khích các gia đình tổ chức lễ kỉ niệm cho cô con gái của họ. Theo một báo cáo được công bố vào năm 2011, 12 triệu thai nhi nữ đã bị phá bỏ trong một thập kỉ qua.

Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng này, ví dụ như kiểm tra giới tính là chuyện bất hợp pháp ở đất nước này. Ngoài ra, một chương trình giáo dục có tên là “Bet Bet Bacho, Beti Padho” (tạm dịch: Cứu con gái của chúng tôi, Giáo dục con gái của chúng tôi) đã bắt đầu thực hiện nhằm nhắm vào các quận có sự xuất hiện của vấn nạn phân biệt giới tính.

Kế hoạch trồng cây ở Piplantri đã bắt đầu tiến xa hơn về độ hiệu quả, nó không chỉ khuyến khích các bậc cha mẹ giữ lại đứa con gái của mình, để tạo nên kỉ niệm mà còn có mặt tích cực về kinh tế. 10 năm sau đợt trồng cây đầu tiên, Piplantri trở nên nổi tiếng vì chủ nghĩa nữ quyền. Nhờ khu rừng che chở, dân làng có điều kiện tạo thêm doanh thu vì trồng các loại cây thu hoạch như xoài, neem (một loại thực vật trị mụn cực tốt), cây gỗ sheesham,… và đặc biệt là lô hội.

Dân làng trồng lô hội quanh các cây trồng cho bé gái do chúng là loại thuốc trừ sâu tự nhiên. Chính nó trở thành một hình thức thu nhập khi dân làng bắt đầu chế biến và bán lô hội. Các loại cây trồng khác nhau đã cung cấp sinh kế cho cộng đồng cư dân hơn 8000 người ở Piplantri. Ngôi làng nhỏ với tư tưởng tiến bộ không chỉ trồng cây để bảo vệ quyền lợi của các bé gái mà còn giúp cho Trái Đất ngày càng xanh hơn và đảm bảo cuộc sống ấm no cho dân làng mình.

Theo: tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.