• Về đầu trang
Chloe Li
Chloe Li

John Galliano - Nhà thiết kế tài năng với sự nghiệp chìm nổi trong ngành thời trang

Thời trang

John Galliano, tên gọi đầy đủ là John Charles Galliano, sinh năm 1960. Ông là nhà thiết kế thời trang người Anh nổi tiếng với các bộ sưu tập ready-to-wear lẫn haute couture cho các nhà mốt như Christian Dior, Givenchy và Maison Margiela.

John được sinh ra ở Gibraltar và khi ông lên 6, cả gia đình chuyển đến phía Nam London sinh sống. Năm 16 tuổi, ông rời ngôi trường dành cho nam sinh, Wilson’s Grammar School, nơi ông từng là một sinh viên không có gì nổi bật để theo học ngành thiết kế dệt may tại East London University. Năm 1980, ông tiếp tục nhập học trường St. Martin’s School of Art ở London, nơi ông say mê với các trang phục của lịch sử. Bộ sưu tập tốt nghiệp năm 1984 của ông mang tên Les Incroyables, lấy cảm hứng từ cuộc Cách mạng Pháp, đã được Browns London mua ngay trên sàn catwalk của trường đại học. Bộ sưu tập này đã đưa John trở thành ngôi sao chỉ trong một đêm và tạo nên một làn sóng mới của các nhà thiết kế London lên bản đồ thời trang thế giới.

Sau khi tốt nghiệp hạng nhất, John đã sớm thành lập thương hiệu của riêng mình và nhận được sự hỗ trợ của nhiều nhà tài trợ tài chính khác nhau. Các bộ sưu tập của ông vừa kịch tính vừa phức tạp, nhưng chỉ trong vài năm, tầm nhìn của ông đã bị bóp chết do thiếu năng lực kinh doanh dẫn đến việc phá sản vào năm 1990. Galliano vật lộn với vấn đề tài chính trong nhiều năm. Điều này khiến ông sản xuất các bộ sưu tập không liên tục. Mãi cho đến khi ông gặp và nhận được sự ủng hộ của tổng biên tập Vogue Mỹ Anna Wintour và giám đốc sáng tạo của Vogue Mỹ, Andre Leon Talley. Mối quan hệ này đã giúp ông kết nối với người “bảo trợ” thời trang Bồ Đào Nha, Saõ Schlumberger. Để lấy lại chỗ đứng của mình, Schlumberger đã cho John mượn căn nhà của cô để làm một buổi trình diễn thời trang và một số người mẫu hàng đầu làm việc miễn phí. Anh ấy đã thiết kế toàn bộ bộ sưu tập từ một cuộn vải. Sự yêu mến của Schlumberger đã đưa John đến với một số nhà tài chính mới. Do đó, John Galliano đã được bổ nhiệm làm nhà thiết kế chính của Givenchy vào năm 1995, trở thành nhà thiết kế người Anh đầu tiên đứng đầu một hãng thời trang cao cấp của Pháp. Sau hai năm làm việc, ông chuyển đến nhà mốt Christian Dior.

John Galliano đã tạo nên một số bộ sưu tập kinh điển giúp khẳng định tên tuổi của ông trong ngành thời trang, bao gồm Blanche Dubois Xuân Hè năm 1988 (lấy cảm hứng từ bộ phim A Streetcar Names Desire năm 1951), Napoleon and Josephine năm 1992 (lấy cảm hứng từ câu chuyện tình yêu của những nhân vật lịch sử nổi tiếng này) và Princess Lucretia năm 1994 (lấy cảm hứng từ vị công chúa nước Nga). 

Có thể thấy rằng, ngôn ngữ thiết kế của John xoay quanh các nguồn cảm hứng từ thời trang, phim ảnh, nghệ thuật và văn hóa đại chúng, kết hợp với tính chiết trung giúp hiện đại hóa những yếu tố “vay mượn” của mình ở các mức độ khác nhau. Nguồn cảm hứng từ kinh nghiệm du lịch cũng như từ các nghiên cứu kĩ lưỡng trong thư viện, bảo tàng, triển lãm và các kho lưu trữ, John Galliano không chỉ đem đến những thiết kế kì lạ mang nhiều yếu tố cổ điển mà còn cả kĩ thuật xây dựng, đặc biệt là kiểu cắt bias-cut tôn dáng được phổ biến bởi Madeleine Vionnet vào những năm 1920, được tìm thấy ở chiếc váy dạ hội có đường cắt lệch trong bộ sưu tập Princess Lucretia. Cách tiếp cận của John được các nhà phê bình mô tả như chủ nghĩa thoát ly lãng mạn và pastiche thời hậu hiện đại. Như bộ sưu tập haute couture đầu tiên của Galliano cho Dior trong mùa Xuân Hè năm 1997 trùng với lễ kỉ niệm 50 năm của Dior. Trong cùng một bộ sưu tập, John đã pha lẫn các kiểu váy và mũ bằng chất liệu da màu trắng mang đến vẻ ngoài ngây thơ đơn thuần cùng các chiếc váy lấy cảm hứng từ Trung Quốc những năm 1920 đầy quyến rũ.

Kể từ khoảng những năm 2000, ngoài việc tham khảo các nguồn tài liệu đa văn hóa, ông đã đặt trọng tâm vào “low” và “high” fashion. Ông trở lại và “làm bẩn” sự sang trọng truyền thống với màn kết hợp hỗn loạn của punk và grunge, văn hóa đường phố những năm 1980-1990, chủ nghĩa infantilism và sự sành điệu của rock’n’roll.  

Giữa năm 2011 và 2012, John phải đối mặt với một cuộc tranh cãi khi Dior tiết lộ rằng ông đã bị đình chỉ khi bị bắt sau một cuộc biểu tình bài Do Thái tại một quán bar ở Paris. Tin tức đã lan truyền trên các phương tiện truyền thông trước Paris Fashion Week và John đã đệ đơn kiện những người đã buộc tội ông theo chủ nghĩa bài Do Thái. Bất chấp vụ bê bối, Dior vẫn quyết định hỗ trợ tài chính cho thương hiệu của ông. Không lâu sau đó, vụ bê bối đã kết thúc theo chiều hướng tốt hơn đối với John. Năm 2013, John quay trở lại làng thời trang bằng việc nhận lời mời từ Oscar de la Renta. Trong một cuộc phỏng vấn qua video, John nói rằng ông hài lòng với thực tế là ông có thể sáng tạo một lần nữa và sửa chữa sai lầm của mình. John hy vọng sẽ được tha thứ và có cơ hội chứng tỏ bản thân một lần nữa.

Theo: Biography, Britannica, BoF, Lovetoknow, Vogue, CRFashionbook, famousfashiondesigners
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.