• Về đầu trang
Chloe Li
Chloe Li

Kenzo Takada - Nhà thiết kế mang thời trang Nhật Bản đến với thế giới

Thời trang

Vào ngày 4/10/2020, thương hiệu Kenzo đã tuyên bố trên Instagram rằng, 

“Kenzo vô cùng đau buồn khi biết được sự ra đi của người sáng lập của chúng tôi...trong nửa thế kỉ, ông Takada đã là một nhân cách tiêu biểu trong ngành thời trang - người luôn truyền sự sáng tạo và màu sắc cho thế giới.”

Vậy là thế giới thời trang đã mất đi một trong những nhân vật mang tính biểu tượng, Kenzo Takada, qua đời ở tuổi 81 vì COVID-19. Ông được xem là nhà thiết kế Nhật Bản đầu tiên chinh phục các Tuần lễ thời trang Paris với những thiết kế ready-to-wear ấn tượng, lấy cảm hứng từ Châu Á.

Kenzo Takada sinh năm 1939 tại Himeiji, Nhật Bản. Năm 18 tuổi, theo nguyện vọng của cha mẹ, ông theo học chuyên ngành Văn học của University of Kobe. Không hài lòng và cảm thấy nhàm chán với ngành học, ông đã làm trái với mong muốn của nhị vị phụ huynh và ghi danh tại Bunka Fashion College vào năm 1958 - nơi mà ông là một trong những nam sinh đầu tiên được nhận vào học. Trong thời gian học tại Bunka, Takada giành được giải thưởng Soen Award danh giá vào năm 1961 và có cơ hội được làm việc tại cửa hàng bách hóa Sanai, nơi ông cho ra mắt đến 40 bộ trang phục nữ mỗi tháng. 

Ảnh chụp lớp tốt nghiệp của Takada tại Bunka, Kenzo Takada (góc ngoài cùng bên phải) và giáo sư Chie Koike ở vị trí trung tâm.

Chuyển đến Paris vào năm 1964, chàng trai 25 tuổi đã bắt đầu cuộc hành trình thời trang của mình. Paris là một nguồn cảm hứng bất tận của ông, đặc biệt là nhà thiết kế nổi tiếng Yves Saint Laurent. Vào đầu những năm 1970, khi Paris đã mất đi một chút ánh sáng của nó, chính những nhà sáng tạo và nghệ sĩ bên ngoài đất Pháp, bao gồm cả Takada đã mang đến một nguồn năng lượng mới cho thành phố này. Trong vài năm kế tiếp, ông đã làm việc với tư cách là nhà thiết kế tự do và stylist cho nhiều cửa hàng bách hóa nổi tiếng khác nhau, như tập đoàn Pisanti Textile và Relations Textiles.

Kenzo Takada thời còn trẻ

Đến năm 1970, Takada mở cửa hàng đầu tiên của mình có tên là “Jungle Jap” với những bức tường được sơn thành khu rừng nhiệt đới của Henri Rousseau. Cửa hàng nằm tại Galerie Vivienne, cách xa những nhà mốt cao cấp, những bộ quần áo của Kenzo thể hiện tinh thần vui tươi của một thế giới đa văn hóa. Chính yếu tố này đã khiến các sản phẩm may mặc của Kenzo trở nên khác biệt so với phần còn lại của Paris. 

Kenzo Takada tại cửa hàng Jungle Jap vào những năm đầu sự nghiệp

Ngôn ngữ thiết kế của Kenzo Takada được thể hiện rõ nét trong bộ sưu tập đầu tiên với sự kết hợp truyền thống Nhật Bản và phong cách Paris hiện đại. Ông đã trình làng bộ sưu tập đầu tiên của mình vào mùa Xuân năm 1970 với những bộ trang phục được lấy cảm hứng từ quốc phục Kimono tinh tế của Nhật. 

“Tôi muốn pha trộn hai thứ mà tôi yêu - rừng rậm và Nhật Bản” - Ông giải thích về tên thương hiệu của mình.

Với ngân sách eo hẹp và hầu như không có mối quan hệ đối tác nào với nhà máy hay các nhà buôn vải, Takada đã mua những tấm vải cotton 200$ để tạo nên bộ sưu tập của mình. Mỗi bộ quần áo đều được Takada và đội ngũ của ông may bằng tay.

“Tôi không có tiền, vì vậy tôi đã đi mua vải tại Marché St Pierre ở Paris và sử dụng hàng dệt từ Nhật Bản và chúng tôi may chúng lại với nhau” - Ông kể.

Mặc dù gặp khó khăn về tài chính nhưng nó vẫn đủ để tạo dựng nên một tinh thần trẻ trung cùng tư duy đa văn hóa của Takada. Sự pha trộn giữa các bản in, sự hài hòa của những gam màu rực rỡ, những đường cắt khác lạ và các thiết kế mang gu thẩm mỹ tự do của ông đã thành công khiến buổi trình diễn nổi bật giữa chủ nghĩa truyền thống trong thời trang cao cấp của Pháp. Đồng thời, cũng khiến ông trở thành bậc thầy trong việc pha trộn màu sắc và các bản in.

“Các họa tiết hoa đã luôn được sử dụng rộng rãi trong kimono và vải dệt, và cũng luôn có sự hiện diện mạnh mẽ của thiên nhiên trong nghệ thuật Nhật Bản.” - Ông nói. 

Nếu các họa tiết táo bạo là một trong những yếu tố thành công ban đầu của Takada thì việc sử dụng cotton, một loại vải hiếm khi được dùng trong thời trang cao cấp lúc bấy giờ, lại cho phép Takada chơi đùa với những tỉ lệ và phom dáng lớn hơn. Những bộ quần áo với tay phồng, quần dài chiết ly và kimono hoa đã nhanh chóng khiến thị trường phản ứng ngay lập tức. Khi các thiết kế của ông được lên trang bìa của Tạp chí Elle, nhu cầu đã dần tăng cao. Năm 1971, các thiết kế của ông còn xuất hiện trên tạp chí Vogue Mỹ.

Thương hiệu sau đó được đổi tên thành Kenzo sau một buổi trình diễn thời trang ở New York vào năm 1976. Từ đó, tên tuổi của ông tiếp tục bay cao và Kenzo được xem là thương hiệu bán chạy số 1 trên toàn thế giới vào cuối những năm 1970. Ông lấn sân sang mảng thời trang nam bằng bộ sưu tập menswear đầu tiên vào năm 1983. Theo sau đó là dòng nước hoa được ra mắt vào năm 1988 và vào năm 1993, thương hiệu đã được gã khổng lồ LVMH đã mua lại. 

“Tôi quyết định bán công ty vì nhiều lý do khác nhau….Nó đã bị thương mại hóa. Thời trang đang thay đổi cùng với tốc độ của nó.” - Kenzo Takada chia sẻ. 

Kenzo Takada tuyên bố giải nghệ vào năm 1999 và để lại các trợ lí phụ trách thương hiệu của mình. Năm 2005, Kenzo chuyển sang thiết kế nội thất khi tung ra thương hiệu Gokan Kobo. Lần ra mắt cuối cùng của ông trước khi qua đời vào tháng 10 là thương hiệu phong cách sống K-3, đồng sáng lập với Jonathan Bouchet Manheim và Engelbert Honorat. Cũng như thời trang, các tác phẩm hội tụ những đặc trưng nghệ thuật phương Tây và Nhật Bản.

Theo: Vogue, Financial Times, Something Curated, maftmag, pen-online
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.