• Về đầu trang
Chloe Li
Chloe Li

Khám phá các thiết kế hợp nhất giữa thiên nhiên, công nghệ và thời trang của Iris van Herpen

Thời trang

Sau khi theo học ngành thiết kế thời trang tại Học viện Nghệ Thuật Artez Arnhem và thực tập tại Alexander McQueen ở London và Claudy Jongstra ở Amsterdam, Iris van Herpen đã bắt đầu xây dựng thương hiệu mang tên mình vào năm 2007.

Năm 2008, thương hiệu trình diễn bộ sưu tập đầu tiên ở Amsterdam Fashion Week với tên gọi “Chemical Crows” lấy cảm hứng từ những quan sát của Iris về một nhóm quạ sống xung quanh studio của cô. Quạ được biết đến với trí thông minh và khả năng thích ứng với các vật thể lấp lánh. Đặc biệt, theo quan niệm truyền thống, nó là biểu tượng gắn liền với sự bí mật. Iris cũng bị hấp dẫn bởi ma thuật đen và thuật giả kim. Cô chia sẻ niềm đam mê điều khiển và biến đổi vật liệu với các nhà giả kim, từ đó, nảy sinh ý tưởng muốn biến quạ thành vàng. Cô đã biến những khung sườn ô màu vàng kim thành những hình thù kì dị với hình rẻ quạt để tượng trưng cho những con quạ. Đồng thời, cô cũng sử dụng hàng nghìn thước sợi công nghiệp để tạo ra kết cấu nhiều lớp như bộ lông vũ đang chuyển động. Chemical Crows là bộ sưu tập lớn đầu tiên của thương hiệu được làm thủ công hoàn toàn. Một số các tác phẩm hiện còn được trưng bày tại Bảo tàng Groninger của Hà Lan. 

Ngay từ những ngày đầu, các thiết kế haute couture của thương hiệu Iris van Herpen vượt qua ranh giới và hợp nhất các công nghệ đa lĩnh vực với kĩ thuật thủ công phức tạp. Những sáng tạo của thương hiệu kết hợp các kĩ thuật mang tính tiên phong cùng các chất liệu độc đáo. 

Từ khi trở thành thành viên của Fédération de la Haute Couture vào năm 2011, thương hiệu luôn trình diễn các bộ sưu tập của mình theo định kì hai năm một lần tại Paris Haute Couture Week. Tham vọng của nhà mốt là thúc đẩy tính bền vững và phát triển chất liệu được tạo ra thông qua cách tiếp cận liên ngành đối với nghệ thuật và thời trang. Mỗi bộ sưu tập là một nhiệm vụ mới, vượt ra khỏi định nghĩa ngày nay về hàng may mặc, khám phá những hình thức thể hiện mới cho phong cách thời trang ý nghĩa, đa dạng và có ý thức hơn.

Thông qua những màn hợp tác cộng sinh với các nghệ sĩ từ tất cả các lĩnh vực như biên đạo múa Damien Jalet, nhạc sĩ Björk, nghệ sĩ động học Anthony Howe, kiến trúc sư Philip Beesley, nghệ sĩ máy tính Neri Oxman,... thương hiệu thách thức tương lai của thời trang bằng cách suy ngẫm lại những cách thức không tưởng trước đây của Haute Couture. 

“Có rất nhiều điều ẩn chứa trong lĩnh vực thời trang chưa được khám phá và có rất nhiều sức mạnh trong sự hợp tác.” - Iris nói với Dezeen.

Đơn cử như bộ sưu tập “Escapism” nói về những cơn nghiện điện tử, kĩ thuật số khiến chúng ta dần sống xa rời thực tế, kết hợp với một nguồn cảm hứng quan trọng khác là các tác phẩm điêu khắc baroque hoa mỹ của nghệ sĩ Kris Kuksi. Tất cả đều được truyền tải qua các thiết kế sử dụng chất liệu thử nghiệm. Iris đã tạo hình cho những tấm acrylic trong suốt màu đen thành những món quần áo mang phong cách chiết trung, được trang trí bằng hình cầu hoặc hình cánh, nhà thiết kế đã làm việc lại với kiến trúc sư Daniel Widrig, sử dụng kĩ thuật in 3D rapid prototyping để tạo ra các cấu trúc liền mạch mà không cần đến kim chỉ. Đối với một số bộ phận của trang phục có cấu trúc như san hô, Iris đã áp dụng nhiều kĩ thuật khác nhau để tạo ra kết cấu “plissé” (kết cấu nhăn hoặc gấp) thủ công.

Xưởng may được đặt tại Amsterdam, Hà Lan, nơi các kĩ thuật mới liên tục được phát minh và trau dồi. Mỗi công trình sáng tạo của thương hiệu đều xoay quanh 4 trụ cột chính, bao gồm thiên nhiên, kiến trúc, nghệ thuật và khiêu vũ. Các nguồn cảm hứng bắt nguồn từ thiết kế mô phỏng sinh học hoặc tế bào thần kinh não cho đến khí hậu và sóng âm. Các “đối tượng” được tôn vinh có thể đến từ một chuyến bay hay được tìm thấy trong những cây nấm, thậm chí là các rãnh sâu dưới đáy biển. Không ngừng thúc đẩy sự tiến bộ từ các bộ sưu tập trước, các thiết kế đại diện cho sự tìm kiếm những điều chưa biết và mang mục đích hình dung hóa những nguồn cảm hứng khó nhận thấy đằng sau chúng. 

“Thời trang là một công cụ để thay đổi, đặc biệt là cảm xúc của chúng ta. Thông qua thiết kế mô phỏng sinh học (biomimicry), tôi xem xét các sức mạnh đằng sau các hình thức trong tự nhiên, những hình thái và chu kì tự nhiên là những hướng dẫn giúp tôi khám phá các dạng nữ tính mới để đạt được phong cách thời trang có ý thức và bền vững hơn cho tương lai.” - Iris van Herpen nói. 

Lấy bộ sưu tập “Voltage” làm ví dụ. Iris đã khám phá nguồn điện năng trong cơ thể với các tác phẩm của nhà thực nghiệm người New Zealand, Carlos Van Camp, người đã biên đạo các động tác chuyển động của người biểu diễn với các thiết bị điện áp cực cao (cuộn dây tesla). Iris đã sử dụng cutting-edge technology (công nghệ cắt cạnh) để tạo ra những tác phẩm vừa đẹp vừa nguy hiểm. Các thiết kế của cô khắc họa các chuyển động không thể đoán trước được và sức mạnh biến đổi của điện. Nhà thiết kế đã hợp tác với kiến trúc sư người Canada, Philip Beesley với các vật liệu mới, cả hai đều cảm thấy hứng thú với cách mà hóa học và điện năng có thể khiến cấu trúc thay đổi hình thức. Bộ đôi đã phát triển một số loại vải 3D phản ứng với chuyển động của cơ thể người mặc qua sự rung động. 

Nghệ thuật thời trang cao cấp của Iris van Herpen đại diện cho thời trang chậm (slow fashion), sử dụng các phương pháp tiếp cận hiện đại và mở đường cho các thiết kế đa lĩnh vực mở rộng trí tưởng tượng của nhân loại. Cho dù tạo hình trang phục bằng kĩ thuật dệt điện từ (electromagnetic weaving) hay điêu khắc 3D từ chất liệu da trong suốt, nhà mốt luôn thách thức các quan niệm truyền thống về nghề thủ công để tạo ra những sản phẩm may mặc thanh lịch hướng đến tương lai và nét nữ tính tinh tế.

Theo: Vogue, aeworld, euronews, fastcompany, artsandculture, dezeen, systemmagazine
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.