• Về đầu trang
Chloe Li
Chloe Li

Maison Margiela - Đứa con tinh thần của người đàn ông vô hình trong ngành thời trang

Thời trang

Maison Margiela, tiền thân là Maison Martin Margiela, được thành lập vào năm 1988 tại Paris bởi nhà thiết kế người Bỉ, Martin Margiela và Jenny Meirens. Thương hiệu thời trang cao cấp của Pháp nổi tiếng trong giới với những thiết kế mang tính thẩm mỹ phá cấu trúc và mang tinh thần phản thời trang.

Martin từng được New York Times mệnh danh là “người đàn ông vô hình trong ngành thời trang” trong năm 2008. Tất nhiên, thương hiệu cũng bị chi phối bởi sự bí ẩn của nhà sáng lập trong từng hoạt động của hãng, từ các thiết kế đến các show trình diễn mỗi mùa. Điển hình như việc che mặt dàn người mẫu bằng những kiểu tóc rũ rượi trong show diễn mùa Xuân 2009 hay những chiếc mặt nạ balaclavas đính cườm dày đặc trong bộ sưu tập ready-to-wear mùa Thu năm 1995. Đây cũng được xem là một trong những nỗ lực của nhà thiết kế muốn công chúng tập trung vào các tác phẩm hơn là nhân vật đằng sau nó.

Kể từ những ngày đầu xây dựng và phát triển đến nay, sức ảnh hưởng từ tính thẩm mỹ deconstructed (giải cấu trúc) đặc trưng của hãng là một điều vẫn còn tác động mạnh mẽ đến thời trang đương đại ngày nay. Khi tên tuổi của thương hiệu ngày càng được nhiều người biết đến, việc sản xuất các sản phẩm cầu kỳ với số lượng lớn trở nên khó khăn hơn. Do đó, năm 2006, nhà mốt đã cho ra đời bộ sưu tập Maison Martin Margiela Artisanal. Nhóm thiết kế đã phải đi khắp nơi trên thế giới để tìm kiếm những món đồ cổ để làm chất liệu cho bộ sưu tập, từ ren thời Edwardian đến những chiếc quần jean xanh rách hay những thiết kế nguyên bản của Bauhaus. Nổi bật nhất là chiếc áo khoác jacket được làm từ nhiều miếng đệm cổ nhiều màu vải satin và velour. Chúng được liên kết lại với nhau bằng những đường may tinh tế và được nhấn nhá bằng họa tiết in. 7 chiếc áo khoác của thiết kế này đã được tạo ra và mỗi chiếc mất 49 giờ để thực hiện.

Dựa vào trình độ thủ công bậc thầy, sự khan hiếm của nguyên vật liệu và mốc thời gian sản xuất định kỳ 2 năm 1 lần cho bộ sưu tập này đã khiến cho giá trị của các mặt hàng tăng cao và hạn chế được số lượng sản xuất. Cũng vì lý do đó, Artisanal đã có cơ hội được trình diễn trong mùa haute couture của Paris. Tuy nhiên, khi Martin Margiela còn tại vị, ông luôn khẳng định đây không phải là một bộ sưu tập thời trang cao cấp bất chấp thực tế là Chambre Syndicale de la Haute Couture Parisienne đã mời nhà mốt tham gia vào lịch trình hiếm hoi đó. 

Ngoài nét đặc trưng về phom dáng hay chất liệu, Maison Margiela cũng nổi tiếng với tông màu trắng đặc trưng. Nó mang ý nghĩa như một khoảng trống cần được lấp đầy. Chiếc nhãn đầu tiên mang gam màu trắng đơn sắc được may cố định bởi 4 đường may chéo ở 4 góc. 

Năm 1997, hãng đã đánh dấu nhãn hiệu bằng những con số màu đen từ 0 - 23, xếp thành 3 dòng. Mỗi số tượng trưng cho một dòng sản phẩm và được khoanh tròn để chỉ ra bộ trang phục đó thuộc về bộ sưu tập nào. 

Mặc dù không sử dụng hết cả bảng số, nhưng mỗi con số được dùng lại mang ý nghĩa riêng biệt, như sau:

  • 0 “Artisanal”: dòng này bao gồm các bộ sưu tập dành cho cả nam và nữ. Các sản phẩm thuộc dòng Artisanal là những tác phẩm tiêu biểu nhất thuộc thời kỳ giải cấu trúc của Martin Margiela. 
  • 1: đại diện cho các bộ sưu tập dành cho phái nữ. Trong dòng này, hãng thể hiện tình yêu của mình với các thiết kế mang tính tiên phong và chủ nghĩa khái niệm. 
  • 3: con số đại diện cho dòng nước hoa cao cấp, được sản xuất lần đầu tiên vào năm 2010 với sự hợp tác với L'Oreal's Luxury Products Division.
  • 4: dòng sản phẩm may mặc cơ bản dành cho nữ, tập trung vào thị hiếu hơn là chú trọng vào phương thức tiếp cận trong thiết kế. Dòng này được giới thiệu lần đầu tiên trong bộ sưu tập Xuân Hè 2004.
  • 6: hay còn được biết với cái tên MM6, một dòng bao gồm các bộ sưu tập dành cho phái nữ trên phạm vi mở rộng, hướng đến nhiều đối tượng hơn. 
  • 8: dòng sản phẩm kính mắt được giới thiệu lần đầu tiên trong bộ sưu tập Xuân Hè 2008 của Maison Margiela.
  • 10: tương tự với dòng 1, dòng 10 bao gồm các trang phục nam.
  • 11: dòng phụ kiện kết hợp giữa nam và nữ. Các phụ kiện được thiết kế theo hướng phi giới tính, từ túi xách, thắt lưng và các sản phẩm bằng da cùng một loạt đồ trang sức chọn lọc, được giới thiệu lần đầu tiên vào tháng 1 năm 2005. 
  • 12: dòng trang sức được ra mắt lần đầu vào năm 2008 trong màn hợp tác với Damiani Group.
  • 13: catalogue và các vật dụng khác
  • 14: dòng sản phẩm may mặc cơ bản dành cho nam giới và cũng được giới thiệu lần đầu trong mùa Xuân Hè 2004.
  • 22: dòng sản phẩm giày dép. Dòng này cụ thể hóa các sản phẩm giày dép theo mùa tương ứng với dòng 1 và 10. Lần phát hành đầu tiên của dòng giày dép nữ là vào năm 1998. Đối với giày dép nam, mốc thời gian phát hành là 2008.

Năm 2008, một nguồn tin tiết lộ rằng những nhà sáng lập đang tìm kiếm một giám đốc sáng tạo mới. Renzo Rosso, cổ đông lớn nhất của Margiela và là chủ tịch tập đoàn OTB, đã tuyên bố công khai rằng,

“Martin đã không ở đây trong một thời gian dài. Anh ấy ở đây nhưng cũng không ở đây.” - ông nói về nhà thiết kế người Bỉ.

Đến năm 2009, một thông cáo báo chí chính thức được công bố rằng Margiela đã rời thương hiệu cùng tên của mình và sẽ không có giám đốc sáng tạo thay thế nào được bổ nhiệm ngay lập tức khi ông ra đi. Thay vào đó, các bộ sưu tập theo mùa sẽ được đội ngũ thiết kế đảm nhiệm. Mặc dù tin đồn lan truyền rằng Raf Simons và Haider Ackermann sẽ tiếp quản nhà mốt nhưng cả hai cũng đều từ chối vị trí này. Mãi đến năm 2014, thương hiệu mới bổ nhiệm John Galliano, người đã từng tiếp quản thương hiệu Givenchy và Dior, làm giám đốc sáng tạo. Từ khi tiếp quản thương hiệu, ông không những hòa trộn DNA của mình vào các bộ sưu tập của nhà mốt mà còn giữ vững những yếu tố trụ cột như việc tái sử dụng các bộ quần áo cũ mà ông tìm được ở khu chợ đồ cổ điển.  

Nhiều năm sau, trong một lá thư viết tay được gửi đến Belgian Fashion Awards, nhà thiết kế Martin Margiela đã viết rằng,

“Tôi cảm thấy rằng mình không thể thích nghi được nữa với áp lực ngày càng tăng trên toàn cầu và nhu cầu thương mại phát triển quá mức. Tôi cũng lấy làm tiếc về việc truyền thông quá nhiều trên mạng xã hội, nó phá hủy cảm giác hồi hộp và chờ đợi cùng mọi hiệu ứng của sự ngạc nhiên, vốn là một điều rất cơ bản đối với tôi.”

Sau khi rời nhà mốt, Martin sống một cuộc đời ẩn dật suốt 12 năm và không có ý định quay lại thế giới thời trang hào nhoáng. Mãi đến năm 2021, cuối cùng ông cũng trở lại với công chúng nhưng với tư cách là một người nghệ sĩ chứ không phải là một huyền thoại thời trang mà nhiều người từng biết. 

Theo: Coggles, Love to Know, Nssmag, Vogue, Famous Fashion Designers, Zeit Geist, An Other
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.