• Về đầu trang
Chloe Li
Chloe Li

Ngược dòng lịch sử để tìm hiểu sự phát triển của thương hiệu Jean Paul Gaultier dưới thời L'Enfant Terrible

Thời trang

Sau hơn 50 năm hoạt động trong lĩnh vực thời trang, nhà thiết kế huyền thoại đất Pháp, Jean Paul Gaultier đã tuyên bố nghỉ hưu trên Instagram vào ngày 17/1/2020. Bài post của ông còn cho biết rằng show diễn couture tại Paris Fashion Week sẽ là show diễn cuối cùng của ông ấy. Tuy nhiên,việc ông rời bỏ không đồng nghĩa với việc thương hiệu cùng tên của ông cũng đi vào hồi kết. Thay vào đó, nó vẫn tiếp tục phát triển và kế thừa những di sản mà Jean đã xây dựng suốt quãng thời gian dài qua. 

“Tôi đã mở tất cả các ngăn kéo tủ của mình và lấy lại tất cả các bộ sưu tập cũ. Tôi đã luôn dùng kho lưu trữ như một chất liệu thiết kế. Tạm biệt, thương hiệu mới và xin chào người bạn cũ. Những gì tôi đã làm vào lúc ban đầu với nguồn lực bằng 0, ngày hôm nay tôi làm với tài sản thừa kế của chính mình để truyền sức sống cho những sáng tạo mới.” - ông viết trong tờ ghi chú tạm biệt của mình. 

Quay ngược về thời điểm bắt đầu vào năm 1976, ông thành lập thương hiệu cùng với Francis Menuge, người cộng sự và cũng là tình yêu duy nhất của ông. Cũng trong năm này, nhà thiết kế phát hành bộ sưu tập đầu tiên đánh dấu màn ra mắt đầu tiên và vô cùng rực rỡ trong ngành thời trang. Bộ sưu tập gồm những bộ trang phục thủy thủ, váy cho nam và phô diễn kỹ thuật may đo sắc sảo.

Trong thời gian đầu xây dựng và phát triển, thương hiệu được chú ý và tài trợ bởi tập đoàn Kashiyama của Nhật Bản. Sau đó, Jean thành lập doanh nghiệp riêng của mình vào năm 1982 và tạo nên chuỗi thành công liên tiếp đến đầu những năm 2000. Thương hiệu càng nổi tiếng hơn khi cho ra mắt bộ sưu tập Xuân Hè năm 1980 mang tên “James Bond”. Bộ sưu tập bao gồm những chiếc váy mini, quần short da được diện bởi các người mẫu nam - một quyết định xóa mờ lằn ranh giới tính gây sốc cho khán giả bởi vì không nhà thiết kế nào dám làm như vậy ở thời điểm đó. Sự kiện này cũng đánh dấu cho biệt danh L'Enfant terrible (tạm dịch: bad boy) mà làng thời trang đã dành cho Jean Paul Gaultier. 

Năm 1990, thương hiệu tiếp tục gây chú ý với các thiết kế áo lót hình nón kinh điển được diện bởi Madonna. Những thiết kế của Jean Paul Gaultier dành cho “Nữ hoàng nhạc Pop” được lấy cảm hứng từ tình yêu của ông với “Nữ hoàng nhạc Punk” của Paris là Edwige Belmore, kết hợp với các họa tiết kẻ sọc tượng trưng cho sự nam tính vào những năm 80 và chiếc áo ngực hình nón huyền thoại mà ông đã tạo ra trong bộ sưu tập Thu Đông 1984-85 trước đó. 

Thương hiệu chính thức bước vào lĩnh vực thời trang cao cấp vào năm 1997 với bộ sưu tập “Atmosphere of a Couture Salon”. Bên cạnh những thiết kế corset và suit phi giới tính trong bộ sưu tập haute couture mùa Xuân năm 1997 của Jean Paul Gaultier, nhà thiết kế còn gây sốc với các chất liệu denim, giày tắm, những chiếc tag quần áo lộ liễu, logo và tất cả những thứ liên quan đến các trang phục ready-to-wear hơn là thời trang cao cấp. Ở những thiết kế gần cuối, ông đã cho giới mộ điệu thấy sự hòa trộn giữa truyền thống và phá cách. Từ chiếc váy tulle trắng phối cùng một chiếc khăn choàng đen mang phong cách Directoire tinh tế, chiếc váy corset màu hồng hoa văn hình rồng phối cùng chiếc váy xếp nếp màu đỏ đến bộ trang phục lông vũ màu cầu vồng, một sự pha trộn giữa thế giới con người và động vật. 

Nhờ vào sự đầu tư hỗ trợ từ Maison Hermès trong năm 1999 (Hermès International mua 35% cổ phần của Gaultier và tăng tỷ lệ mua lên 45% trong năm 2008), danh tiếng của ông càng vang xa và theo đó là hệ thống phân phối ngày càng phát triển. Đặc biệt là việc thành lập các mạng lưới cửa hàng mang tên ông. Gaultier chấm dứt mối quan hệ với Hermes và đến với gã khổng lồ thời trang của Tây Ban Nha. Puig đã mua 60% cổ phần của Gaultier vào tháng 5/2011 và Jean rất vui mừng với thương vụ này.

“Họ đang mua Gaultier vì Gaultier chứ không phải để biến nó thành những thứ khác.” - Jean nói với WWD. 

Vào khoảng năm 2014, thương hiệu đã ngừng sản xuất các bộ sưu tập ready-to-wear và thương hiệu menswear vì lý do kinh tế để tập trung vào các bộ sưu tập haute couture, dòng nước hoa và các dự án khác. Sau 6 năm hoạt động, ông đã tuyên bố nghỉ hưu với bộ sưu tập haute couture cuối cùng vào mùa Xuân 2020. Show diễn giới thiệu gần 200 thiết kế ngoạn mục được tổ chức tại Théâtre du Châtelet của Paris.

“Thành thật mà nói, nó gấp 10 lần so với những buổi diễn đầu tiên mà tôi đã làm! Tôi biết rằng mình có quá nhiều thứ và sau đó tôi sẽ phải dọn dẹp. Nhưng tôi không dọn dẹp và cuối cùng, tôi đưa tất cả vào!” - Jean nói đùa ở hậu trường.

Mùa Thu năm 2021, nhà thiết kế Chitose Abe đã được chỉ định giữ vị trí Giám đốc sáng tạo của thương hiệu Jean Paul Gaultier. 

Theo: Vogue, Wfctv, i-D, Puig, Jean Paul Gaultier, LovetoKnow, BoF, Biography, Catwalkyourself

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.