• Về đầu trang
Chloe Li
Chloe Li

Róisín Pierce, nhà thiết kế Ireland gây sốt với các thiết kế zero-waste 'nhẹ tựa lông hồng'

Thời trang

Róisín Pierce, nhà thiết kế người Ireland đang gây sốt trong làng thời trang với các thiết kế có cấu trúc xốp và bồng bềnh như kem.

“Những đốm sáng lấp lánh và những bông hoa trôi nổi.” - Nhà thiết kế trẻ mô tả bộ sưu tập của mình. 

Two For Joy là cái tên mà Róisín đặt cho bộ sưu tập thứ hai của mình. Bộ sưu tập này được cô thêu thủ công kết hợp với kỹ thuật smocking phức tạp trên chất liệu tự phát minh theo tiêu chí zero waste. Róisín đã tạo ra những thiết kế vô cùng đẹp được lấy cảm hứng từ những kỷ niệm và sự chăm chỉ của cô trong năm khó khăn vừa qua.

“Khi tôi tạo ra một thứ gì đó, tôi trở nên rất thích thú và điều đó không thể đo lường được. Tôi thích ý tưởng tạo ra quần áo với sự tích cực mà người mặc có thể cảm nhận được. Ý tưởng này nhằm ghi lại những kỷ niệm thực sự hạnh phúc và quý giá trong thời thơ ấu của tôi - những năm đầu mà tôi đam mê sáng tạo các tác phẩm điêu khắc từ những vật dụng hằng ngày. Tôi luôn hy vọng và cố gắng truyền năng lượng tươi sáng đó vào quần áo để mọi người cũng cảm nhận được sự hạnh phúc.” - cô nói. 

Nhờ vào sự phối hợp giữa các chất vải organza, satin và ren, những thiết kế vừa thơ mộng vừa có chút quái dị của Róisín đã lan truyền rộng rãi đến Mỹ. Lần đầu tiên mà cô thu hút sự chú ý của công chúng quốc tế với tư cách là một nhà thiết kế mới nổi là vào năm 2019. Róisín tốt nghiệp ngành dệt may của trường National College of Art and Design ở Dublin, tham gia Festival d’Hyères với bộ sưu tập của mình và giành giải trong lễ khai mạc Chanel Metiers d’Art cũng như sự bình chọn của công chúng cho bộ sưu tập đẹp nhất trong lễ hội. 

Một phần của giải thưởng Chanel bao gồm cơ hội hợp tác với xưởng may mũ Maison Michel. Nhờ đó, cô đã làm ra được những chiếc mũ “như hoa và kem” cùng một chiếc túi đựng hạt giống với những người thợ làm da giỏi nhất trong lĩnh vực thời trang cao cấp của Paris. 

“Hầu hết mọi thiết kế trong bộ sưu tập đều được cắt theo tiêu chí zero waste và cấu trúc của nó đều được làm từ một mảnh chất liệu hoặc nhiều miếng vải được cắt theo dải dài hoặc vuông, hoặc cả hai. Tôi nhận thấy sử dụng toàn bộ màu trắng sẽ làm nổi bật được tính thủ công, nó cho phép mắt người xem tập trung vào các chi tiết thay đổi ở bề mặt và phom dáng. Nhưng tôi cũng yêu thích sự ngây thơ và trong sáng của gam màu này và những liên hệ lịch sử của nó với phụ nữ Ireland.” - cô nói. 

Với bộ sưu tập đầu tiên của cô là “Mná I Bhláth” (tạm dịch là Women in Bloom), Róisín sử dụng những gam màu tối và trầm buồn để đề cập đến mối quan hệ khắc nghiệt giữa Ireland và phụ nữ thông qua tôn giáo.

“Nó được thúc đẩy từ cơn giận dữ xoay quanh quyền lực của nhà thờ Công giáo và những bà mẹ và em bé ở Ireland, nơi những người phụ nữ chưa cưới được gửi đến vì có con ngoài giá thú. Những ngôi nhà này đã ảnh hưởng sâu sắc đến gia đình tôi cũng như rất nhiều người khác.” - Róisín giải thích. 

Những bông hoa thêu mảng và kỹ thuật smocking trên mặt vải là hình ảnh ẩn dụ cho sự tưởng nhớ của cô đối với sự lạm dụng và cái chết sớm của những người phụ nữ và trẻ em bị giam cầm tại cửa hàng giặt là Magdalene Laundries. Đây là một địa điểm khét tiếng của thế kỷ 18 cho đến khi cửa hàng cuối cùng đóng cửa trong giữa những năm 1990. 

“Thông qua quá trình nghiên cứu, tôi phát hiện ra các cụm từ hoa mỹ và biểu tượng của mối quan hệ giữa phụ nữ và tình dục, như ‘blooming’, ‘ripe’ và ‘buds’. Những thuật ngữ như ‘deflowering’ từng được dùng qua nhiều thế kỷ để mô tả những người phụ nữ mất trinh. Điều này gần giống như những gì liên quan đến tình dục ở nữ giới cần những từ ngữ hoa mỹ để che đậy những gì từng bị xem là bẩn thỉu và đáng xấu hổ.” - cô kể.

Đáng lo ngại hơn, cô còn tiết lộ cách nhà thờ Công giáo được lợi từ việc cưỡng bức lao động ở phụ nữ và trẻ em trong các tiệm giặt, và từ việc bóc lột một cách tàn nhẫn kỹ năng may vá của họ để may những chiếc váy cưới đẹp hay những chiếc váy trong Lễ rửa tội. 

“Những thiết kế smocking cho đám cưới, lễ rửa tội và bí tích thánh thể mà họ làm ra được nhà thờ bán kiếm lời. Tôi muốn đưa một số kỹ thuật dệt may mà họ đã dạy vào các tác phẩm của mình.” - cô nói.  

Đối diện với quá khứ, nắm bắt sự cộng hưởng và viết lại nó theo cách hiện đại của riêng mình, Róisín Pierce đóng vai trò như một người kể chuyện. Những gì cô nói đến đều hội tụ đủ các yếu tố - bản sắc địa phương, sự nhạy cảm với môi trường và một trí tưởng tượng điên cuồng - mà thế giới thời trang ngày nay rất yêu thích. Cô không muốn mình phải thay đổi để phù hợp với tất cả các mùa thời trang nhưng đó cũng là cách mà các tài năng mới nổi tạo nên câu chuyện của riêng mình.

“Phải có một điều gì đó mang đến cảm xúc trong những gì tôi làm và điều quan trọng đối với tôi bây giờ là thiết kế từ một niềm vui mới.” - cô kết luận. 

Hãy cùng chiêm ngưỡng và cảm nhận các tác phẩm của Róisín Pierce.

Theo: Vogue
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.