• Về đầu trang
Caroline
Caroline

Scarlett Yang thiết kế chiếc váy từ tảo trồng trong phòng thí nghiệm

Thời trang

Scarlett Yang, một sinh viên đến từ học viện Central Saint Martins, thuộc Đại học Nghệ thuật Luân Đôn (Anh) đã sử dụng chiết xuất từ tảo và protein kén tằm để tạo ra một chiếc váy giống như thủy tinh, phát triển theo thời gian và có thể phân hủy trong nước trong vòng 24 giờ.

Nhờ tảo biển, thiết kế này thay đổi hình dạng tùy thuộc vào độ ẩm và nhiệt độ của môi trường, xoắn hoặc nhàu khi các điều kiện này tăng lên. Hay nói cách khác, vị trí địa lý và mùa chiếc váy được mặc sẽ ảnh hưởng đến nó.

Yang tạo ra một chiếc váy giống như thủy tinh từ chất liệu tảo.

Tốc độ phân hủy của chiếc váy phụ thuộc vào chất lỏng nó ngâm trong đó. Ví dụ, chiếc váy sẽ bị phân hủy trong vòng một giờ khi ngâm trong dung dịch kiềm ở nhiệt độ 80 độ C, hoặc trong vòng chưa đầy 24 giờ nếu ngâm trong nước 60 độ C.

Yang đã nuôi dưỡng ý tưởng phát triển một loại vật liệu sinh học có thể tự phân hủy sau khi nhận thức được lượng chất thải khổng lồ do ngành công nghiệp thời trang tạo ra.

Khi tiếp xúc với nước, vật liệu có khả năng phân hủy trong vòng vài giờ.

Cô giải thích: “Phần lớn hàng dệt may trên thị trường đều không thể tái chế, điều đó có nghĩa là, chúng tôi, những sinh viên và những người làm việc trong ngành thời trang đang góp phần gây nên ô nhiễm môi trường nếu chúng tôi vẫn làm việc theo cách truyền thống”.

Để làm ra chiếc váy, trước tiên Yang phác thảo mô hình 3D trên máy tính và đúc khuôn sản phẩm nhờ công nghệ in 3D và cắt laser. Điều này cho phép nhà thiết kế không tạo ra bất cứ một vật liệu dư thừa nào.

Nhà thiết kế đã tạo hình ảnh động quay 360 độ để tạo trải nghiệm chân thực tại phòng trưng bày.

Sau đó, Yang cho vật liệu sinh học được làm từ hỗn hợp nước, thuốc nhuộm màu và chiết xuất tảo ở dạng lỏng vào khuôn và để nó đông đặc lại.

Đánh giá về tính ứng dụng của vật liệu này, Yang cho biết: nếu vật liệu làm từ tảo được sử dụng rộng rãi cho các sản phẩm thương mại, nó có thể có nhiều dạng, bao gồm hàng may mặc, sản phẩm nội thất hoặc vật liệu dùng để đóng gói”.

Nhiều nhà thiết kế khác cũng đã tìm đến các vật liệu có nguồn gốc từ thực vật để tạo ra các sản phẩm thời trang bền vững hơn. Trước Yang, nhà thiết kế Charlotte McCurdy (New York) đã sử dụng tảo để làm một chiếc áo khoác chống nước giúp hấp thụ CO2.

Tương tự, nhà thiết kế người Canada gốc Iran Roya, Aghighi đã tạo ra quần áo làm từ tảo biến Carbon Dioxide thành Oxy thông qua quá trình quang hợp.

Theo: dezeen
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.