• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

Tác động môi trường của thời trang thuần chay: Ưu điểm và nhược điểm?_(Phần 2)

Thời trang

5, Một vài chất liệu thuần chay từ thực vật có thể xem như bền vững nhất hiện nay

Để giải quyết những tác động tiêu cực của chất liệu tổng hợp và bán tổng hợp, người ta bắt đầu nghiên cứu đến việc sử dụng các loại chất liệu có nguồn gốc thuần thực vật. Trong đó bông là phổ biến nhất, chiếm 1/3 lượng chất liệu sử dụng trong ngành công nghiệp may mặc. Một số loại chất liệu khác cũng khá phổ biến có thể kể đến như các loại có nguồn gốc từ tre, cây gai dầu và cây lanh. Đây cũng chính là thứ tự sắp xếp của chúng trên thang đo tính bền vững.

  • Bông

Hiên nay, bông được trồng theo phương pháp truyền thống đang dần được thay thế bởi bông hữu cơ vì những vấn đề môi trường mà nó gây ra. Cụ thể, trên toàn thế giới, mỗi năm tổng lượng thuốc trừ sâu được sử dụng trong quá trình trồng bông lên đến 200.000 tấn và 8 triệu tấn phân bón tổng hợp. Vì thế lượng khí thải carbon sinh ra cũng là một con số khổng lồ, kèm theo đó là ô nhiễm đất, nước, ảnh hưởng lâu dài đến đa dạng sinh học trong khu vực.

Và bởi vì trồng bông gây suy giảm chất lượng đất cho nên những người nông dân trồng bông bắt buộc phải mở rộng địa điểm sang những khu vực mới sau một khoảng thời gian, gây ô nhiễm trên diện rộng.

Chưa hết, lượng nước cần dùng trong quá trình xử lý và sản xuất mới là yếu tố đáng quan ngại khi cần đến 2000 lít nước để làm ra một chiếc áo thun_ tương đương với lượng nước một người cần uống trong vòng 3 năm.

Người tiêu dùng hiện nay được khuyến khích mua những sản phẩm từ bông hữu cơ thay vì bông thông thường (bông được trồng theo phương pháp canh tác mới, ít hoặc không thuốc trừ sâu và phân bón hóa học) hoặc bông tái chế.

  • Cây tre

Vải từ tre bền vững hơn vải bông vì nó là loài thực vật phát triển nhất hành tinh, nó hấp thụ nhiều khí CO2 hơn các loại cây khác, giúp ngăn ngừa xói mòn đất, quy trình sản xuất cần ít nước và hóa chất hơn, cũng không cần dùng đến thuốc trừ sâu và phân bón hóa học.

Tuy nhiên nó cũng có mặt hạn chế khi ở một số nơi, những khu rừng khỏe mạnh đã bị chặt phá để trồng tre, phục vụ cho nhu cầu sử dụng ngày càng tăng của loại cây này.

  • Cây gai dầu

Cây gai dầu là loại cây có năng suất cao, dễ trồng mà không cần sử dụng đến hóa chất hay thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Trồng gai dầu cũng giúp kiểm soát sự xói mòn của đất và là nguồn hấp thụ CO2 lớn gấp nhiều lần những loại cây khác. Lượng nước để làm ra vải gai dầu chỉ bằng một nửa của bông và người ta hoàn toàn có thể làm vải gai dầu theo cách thủ công, hoàn toàn cơ học, không cần dùng đến hóa chất.

Tuy nhiên, việc làm vải gai dầu thủ công lại rất phức tạp, tốn công sức và thời gian. Nên để phù hợp với quy mô công nghiệp người ta vẫn sẽ ưu tiên dùng hóa chất để kéo sợi.

  • Cây lanh

Vải lanh là loại vải xếp thứ hạng đầu trong bảng đo lường độ bền vững. Cây lanh là loại cây thường niên, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu mát mẻ. Quá trình trồng lanh cũng không đòi hỏi quá nhiều thuốc trừ sâu hay phân bón. Việc sản xuất vải từ cây lanh cũng tốn ít nước và năng lượng. Trên thực tế, 80% lượng nước và năng lượng cần tiêu thụ trong suốt vòng đời của một chiếc áo làm từ vải lanh đến từ quá trình giặt ủi chứ không phải đến từ quá trình sản xuất.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, để phục vụ cho nhu cầu với quy mô công nghiệp, người ta vẫn sẽ ưu tiên xử lý chúng bằng hóa chất thay vì làm thủ công. Ngoài ra quá trình tẩy trắng và nhuộm màu cũng một phần nào khiến nó có những tác động xấu đến môi trường.

Không ai có thể phủ nhận những tác động tích cực mà thời trang thuần chay mang lại. Tuy nhiên, đây cũng chưa phải là giải pháp hoàn hảo vì mỗi loại chất liệu đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Hiện nay cũng đã có thêm nhiều những loại chất liệu tái chế mới được nghiên cứu nhưng rất khó để tìm ra giải pháp giải quyết triệt để những tác động tiêu cực của ngành công nghiệp thời trang đến môi trường. Vì vậy, thay vì cứ trông chờ vào một giải pháp hoàn hảo, mỗi người chúng ta hãy tự biến mình thành người tiêu dùng thông minh bằng cách mua sắm hợp lý, đừng cố chạy đua theo mốt mà hãy lựa chọn những sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng và tránh lãng phí là đã góp phần rất lớn vào việc bảo vệ môi trường rồi đấy.

Theo: Treehugger
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.