• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

5 CF Giáng Sinh huyền thoại của hãng John Lewis: Khi quảng cáo còn nghệ thuật hơn cả phim

Dễ thương

Kể từ năm 2007 đến nay, người hâm mộ luôn háo hức đón chờ những clip quảng cáo Giáng sinh của John Lewis – trung tâm thương mại bậc nhất tại Anh.

Sự sáng tạo và dám khác biệt của John Lewis đã góp phần tăng doanh thu và phủ sóng độ nhận diện thương hiệu trên các phương tiện truyền thông. Không cần mời sao hạng A, không cần những chiêu trò giật gân, John Lewis chỉ cần một câu chuyện hay và thông điệp thấu hiểu cũng đủ lôi kéo khách hàng qua mỗi mùa Giáng sinh.

Hãy cùng Lost Bird điểm lại 5 quảng cáo thành công nhất của John Lewis từ năm 2011 đến năm 2015.

Quảng cáo Giáng sinh 2019 của John Lewis (ảnh: Thesun)

1. The Long Wait (2011)

Tên quảng cáo: The Long Wait (Chờ Đợi Đằng Đẵng).

Nhạc: Please, Please, Please, Let Me Get What I Want – Slow Moving Millie.

Thông điệp: For gifts you can’t wait to give (tạm dịch: Có những món quà không thể chờ được tặng).

Cậu bé trong quảng cáo The Long Wait rất nóng lòng chờ đến lễ Giáng sinh. Cứ một lúc cậu lại nhìn đồng hồ. Cậu bày đủ trò để giết thời gian. Cậu bồn chồn đến mức cứ ngồi rung chân và cuống cuồng ăn cho xong bữa tối. Hiển nhiên khán giả sẽ nghĩ rằng cậu bé này chỉ mong Giáng sinh đến để được nhận quà như bao đứa trẻ con khác. Chỉ tới khi xem đến cuối clip, họ mới… ngã ngửa trước sự đáng yêu của bé trai.

Đa số chiến dịch quảng cáo vào các dịp lễ tết thường thực hiện theo cách cũ mèm: Hãy tặng quà cho người thân. Năm 2011, John Lewis đã quyết định bước ra khỏi lối mòn này.

Giáng sinh không chỉ có những người chờ được tặng quà, mà còn cả những người nóng lòng muốn tặng quà, đặc biệt là những đứa trẻ. Dẫu cho hộp quà trông méo mó và món quà cũng chẳng đắt đỏ gì đâu, nhưng nó lại chứa đựng tình cảm và sự quan tâm rất trong sáng của những đứa trẻ dành cho bố mẹ mình. Có thể thấy chỉ cần John Lewis xoay điểm nhìn một chút, cộng với cách kể chuyện khéo léo, họ đã có ngay một clip quảng cáo rất thành công mùa Giáng sinh.

2. The Journey (2012)

Tên quảng cáo: The Journey (Chuyến Đi)

Nhạc: The Power of Love – Gabrielle Aplin.

Thông điệp: Give a little more love this Christmas (tạm dịch: Hãy tặng thêm một chút yêu thương vào Giáng sinh này).

The Journey kể về hành trình của anh chàng người tuyết đến thị trấn mua quà tặng “giữ ấm” cho bạn gái người tuyết của mình. Dù là người tuyết, cậu chàng cũng có những biểu hiện và cảm xúc không khác gì một con người. Đó là vẻ mặt hoang mang không biết nên đi đường nào, vẻ mặt quyết tâm trèo đèo lội suối, núp sau thùng rác khi thấy “hooman”, người cậu ta thậm chí còn lấm lem bùn đất sau khi vượt qua một chặng đường dài.

Vì sao chàng người tuyết lại vất vả đi mua quà đến vậy? Câu trả lời rất đơn giản: Tình Yêu. Trên nền bài hát The Power of Love và cách kể chuyện rất tinh tế, The Journey của John Lewis xứng đáng là “bát cháo hành” ấm lòng ngày đông.

Chuyện tình người tuyết (ảnh: Theinspirationroom)

3. The Bear and the Hare (2013)

Tên quảng cáo: The Bear and the Hare (Gấu và Thỏ rừng).

Nhạc: Somewhere Only We Know – Lily Allen.

Thông điệp: Give someone a Christmas they'll never forget (tạm dịch: Hãy tặng người ấy một Giáng sinh không bao giờ quên).

Dựa vào tập tính ngủ đông của loài gấu, John Lewis đã kể một câu chuyện ngắn về loài vật không có cơ hội tận hưởng không khí Giáng sinh.

Kể từ lúc bông tuyết đầu tiên rơi xuống, thỏ rừng rất buồn vì cậu biết năm nay mình không thể đón Noel cùng bạn thân gấu nâu. Ngày lễ Giáng sinh cuối cùng cũng tới, thỏ rừng vẫn ngồi ủ rũ nhìn bạn bè mình bóc quà tặng. Nhưng thỏ rừng cũng chẳng phải buồn lâu vì bạn thân của cậu đã tới kịp.

Đoạn cuối của The Bear and the Hare có xuất hiện một chiếc đồng hồ. Đó là món quà của thỏ rừng và nó đã kịp thời đánh thức gấu nâu. Đây là lần đầu tiên gấu nâu nhìn thấy cây thông Noel và đón Giáng sinh cùng các bạn – một món quà rất ý nghĩa mà nó nhận được từ người bạn thân của mình. Với sự sáng tạo vô biên và rất chịu chơi khi mời đội ngũ Disney thực hiện phim ngắn 2 phút The Bear and the Hare, John Lewis lại một lần nữa chinh phục trái tim khán giả bằng một câu chuyện cảm động.

Gấu nâu đón Giáng sinh đáng nhớ trong đời (ảnh: Sundaypost)

4. Monty the Penguin (2014)

Tên quảng cáo: Monty the Penguin (Cánh Cụt Monty).

Nhạc: Real Love – Tom Odell.

Thông điệp: Give someone the Christmas they’ve been dreaming of (tạm dịch: Hãy tặng người đó Giáng sinh mà họ mơ ước).

Sau 3 mùa Giáng sinh đầy ấn tượng, John Lewis vẫn tiếp tục chứng tỏ họ chưa hề đánh mất phong độ. Vẫn áp dụng công thức cũ gồm tập trung vào cách kể chuyện độc đáo, nội dung cảm động, clip không lời thoại và âm nhạc dịu dàng, Monty the Penguin đã kể lại tình bạn kỳ lạ giữa cậu bé “hooman” và anh bạn cánh cụt Monty.

Nếu Monty the Penguin dừng đến cảnh cậu bé “hooman” tặng bạn gái cho cánh cụt Monty, khán giả sẽ chỉ thấy quảng cáo này rất dễ thương và cậu bé trong clip hết sức hiểu chuyện. Nhưng cú twist cuối clip đã đảo lộn tất cả. Chẳng có cánh cụt bằng xương bằng thịt nào ở đây hết. Bên cạnh cậu bé “hooman” chỉ có thú bông cánh cụt tên là Monty.

Và giờ chúng ta hãy xem lại clip. Xuyên suốt 120 giây, chỉ có thú bông Monty bầu bạn với cậu bé “hooman”. Cả hai cùng xem phim, học bài, đi dạo trong công viên, cả hai cùng chơi bóng đá, chơi trượt tuyết, đi xe buýt. Không phải là bố mẹ, không phải là bạn bè, chỉ có thú bông Monty mà thôi. Khi nhìn cánh cụt rách nát, bẩn thỉu trên tay cậu bé, rất dễ để đoán ra cậu bé và anh bạn Monty gắn bó với nhau lâu đến thế nào. Dù chỉ là anh bạn tưởng tượng, cậu bé “hooman” vẫn hình dung ra thói quen, tính cách cũng như khao khát tình cảm của Monty. Hoặc giả sự khao khát đó cũng phản ánh tâm trạng của cậu nhóc "hooman" khi mùa đông đến.

Với mẩu quảng cáo chạm đến trái tim người xem, Monty the Penguin xứng đáng là quảng cáo hay nhất nhất của John Lewis nói riêng và chuỗi quảng cáo mùa Giáng sinh nói chung.

Đứa trẻ nào cũng từng có một người bạn thân thú bông (ảnh: Stash)

5. Man on the Moon (2015)

Tên quảng cáo: Man on the Moon (Người Đàn Ông Trên Mặt Trăng)

Nhạc: Half the World Away – Aurora.

Thông điệp: Show someone they’re loved this Christmas (tạm dịch: Hãy cho người ấy biết họ cũng được yêu thương vào dịp Giáng sinh).

Nội dung hay thông điệp cũ vẫn dư sức lôi kéo khán giả nếu cách kể chuyện cực kỳ mới mẻ và độc đáo. Man on the Moon của John Lewis chính là một ví dụ điển hình như vậy.

Thay vì chọn một trại dưỡng lão nào đó trên Trái đất, John Lewis lại mô tả sự cô độc của người già thông qua hình ảnh ông lão trên Mặt trăng. Trong lúc mọi người ở hành tinh xanh đang quây quần vui vẻ dịp lễ Giáng sinh, ông cụ vẫn ngồi ở trên Mặt trăng nhìn về Trái đất. Bằng sự thần kỳ, ông cụ nhận được chiếc kính viễn vọng. Đây quả thực là một món quà gói trọn yêu thương và quan tâm của một cô bé xa lạ sống ở Trái đất dành cho ông lão trên Mặt Trăng.

(Ảnh: Maddoxtan)

Quảng cáo Giáng sinh của John Lewis không có những bàn tiệc với các món ăn truyền thống, không có sự xuất hiện của siêu sao, họ cũng chẳng hề phô trương logo hoặc thúc giục khán giả mua hàng. John Lewis đã phá vỡ tính rập khuôn và hào nhoáng thường thấy ở những quảng cáo dịp lễ tết. Thay vào đó, chính những câu chuyện ấm lòng mới làm nên thương hiệu của John Lewis mỗi khi lễ Giáng sinh rộn ràng ùa về!

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.