• Về đầu trang
Minh Ngọc
Minh Ngọc

Nhiệt độ Nam Cực đã đạt tới 20 độ C

Thế Giới

Lần đầu tiên trong lịch sử, nhiệt độ ở Nam Cực đã đạt mức 20,75 độ C. Đây là kết quả được đo bởi các nhà khoa học Brazil đo được ở đảo Seymour vào ngày 9 tháng Hai. Theo họ, đây là mức nhiệt cao "một cách đáng kinh ngạc và bất thường"

Mức nhiệt này còn cao hơn hai mức nhiệt kỷ lực trước đó là 19,8 độ C trên đảo Signy vào tháng 1 năm 1982 và 18,3 độ C trên lục địa Nam Cực vào ngày 6 tháng Hai.

Số liệu này sẽ cần được Tổ chức Khí tượng Thế giới xác nhận, nhưng có những lo ngại rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu đã ảnh hưởng đến Tây Nam Cực, nơi mà vốn lạnh giá từ xưa đến nay.

Carlos Schaefer, người làm việc tại Terrantar, một dự án của chính phủ Brazil về theo dõi tác động của biến đổi khí hậu đối với băng vĩnh cửu và hệ sinh thái tại 23 địa điểm ở Nam Cực cho biết: “Chúng tôi nhận thấy xu hướng nóng lên của Trái đất ở những địa điểm mà mình đang theo dõi, nhưng tôi chưa bao giờ thấy điều gì thế này." Schaefer cũng nói thêm rằng nhiệt độ của Quần đảo Nam Shetland và quần đảo James Ross, nơi có Seymour, đã tăng một cách thất thường trong vòng 20 năm qua.

Trạm đo ở Marambio ghi nhận nhiệt đô cao kỷ lục vào 9/2

Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân có thể đến từ do khu vực Nam bán cầu đang trong mùa hè và Nam Cực đang nóng lên nhanh do khí thải gây hiệu ứng nhà kính tăng. Ngoài ra, tình hình dường như còn bị ảnh hưởng bởi sự dịch chuyển của dòng hải lưu và hiện tượng El Nino. Những tác động này có liên quan chặt chẽ tới nhau và gây ảnh hưởng lớn đến lục địa này.

Khu vực này lưu trữ khoảng 70% nước ngọt trên thế giới dưới dạng tuyết và băng. Nếu tất cả tan chảy, mực nước biển sẽ tăng từ 50 đến 60 mét. Các nhà khoa học của Liên Hợp Quốc dự đoán các đại dương sẽ cao hơn từ 30cm đến 110cm vào cuối thế kỷ này, tùy thuộc vào nỗ lực của con người trong việc giảm khí thải và ngăn chặn băng tan.

Vị trí của trạm đo Marambio tại đảo Seymour, nơi ghi nhận mức nhiệt 20.75 độ C vào ngày 9/2 vừa qua

Trong khi nhiệt độ ở miền đông và miền trung Nam Cực tương đối ổn định thì các nhà khoa học lại đang tỏ ra lo ngại trước tình hình ở phía tây Nam Cực. Tại đây, các đại dương đang nóng lên và gây hại cho những sông băng khổng lồ. Hiện tượng này đã khiến cho mức nước biển tăng nhẹ nhưng điều này có thể thay đổi nhanh chóng nếu có sự tăng vọt về nhiệt độ.

Bán đảo Nam Cực - nơi hướng về phía Argentina - bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong một chuyến đi gần đây với Greenpeace, tờ The Guardian nói rằng đã nhìn thấy tảng băng khổng lồ và các dải đất trống rộng lớn trên Đảo King George. Dù tan băng là chuyện hay diễn ra vào mùa hè nhưng theo những nhà khoa học, hiện tượng này đang diễn ra nhanh hơn và nhiều hơn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm dân số của loài cánh cụt quai mũ, một loài sống dựa vào băng.

Loài cánh cụt quai mũ rất dễ bị tổn thương trước sự thay đổi khí hậu ở Nam Cực

Schaefer cho biết dữ liệu giám sát từ khu vực này có thể chỉ ra những gì sẽ xảy ra ở các nơi khác trên lục địa. Tại những khu vực trọng điểm như Nam Shetlands và bán đảo Nam Cực, số liệu này có thể tiên đoán được những việc có thể xảy ra trong tương lai gần.

Theo: Guardian
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.