• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

Aphantasia - hội chứng không thể tưởng tượng nổi bất cứ hình ảnh nào, kể cả gương mặt của người thân yêu

Khám phá

Giả sử có ai đó yêu cầu bạn mô tả một quả táo, bàn ăn sáng hoặc người yêu của bạn, bạn sẽ thấy chuyện này quá đơn giản, thậm chí còn có thể viết thành một đoạn văn nữa kìa. Tuy nhiên, một số người kém may mắn hơn khi không thể hình dung nổi bất cứ hình ảnh nào, dù là đồ vật, phong cảnh hay con người. Những trường hợp như vậy được chẩn đoán mắc hội chứng Aphantasia.

Aphantasia là gì?

Aphantasia có nguồn gốc tiếng Hy Lạp, được ghép bởi từ a nghĩa là “không có” và từ phantasia nghĩa là “tưởng tượng ra hình ảnh”. Hiện tượng này được Francis Galton mô tả lần đầu vào năm 1880. Francis Galton là nhà nhân chủng học người Anh và tiên phong cho thuyết ưu sinh. Ông cũng là em họ của Charles Darwin.

Trong cuốn sách Breakfast Study, Francis Galton kể lại thí nghiệm bàn ăn sáng. Ông hỏi một số người tham dự hình dung bàn ăn sáng như thiết kế, màu sắc, ánh sáng, đồ vật để trên bàn. Đa số cho biết chiếc bàn rất rõ nét, một số khác thấy khả năng tưởng tượng chỉ đạt điểm trên trung bình, và thậm chí có những người không thể hình dung nổi. Francis Galton đã rất ngạc nhiên với nhóm người cuối cùng này.

Kể từ đó đến nay, Aphantasia được dùng để chỉ những người không có khả năng tưởng tượng hình ảnh trong tâm trí. Đây là một hội chứng rất phức tạp và diễn ra theo nhiều cách khác nhau. Ước tính có khoảng 1% đến 3% dân số trên thế giới mắc hội chứng Aphantasia.

Năm 1973, nhà khoa học người Anh David Marks cho ra mắt cuốn Vividness of Visual Imagery Quiz (VVIQ) nhằm phục vụ quá trình kiểm tra khả năng tưởng tượng của mỗi cá nhân. Bộ câu hỏi của David Marks gồm 4 nhóm, mỗi nhóm 4 câu và sử dụng thang điểm từ 1 đến 5. Các câu hỏi rất đa dạng như hình dung cửa hàng yêu thích, phong cảnh, gương mặt người thân yêu, v.v... Sau khi xuất bản, VVIQ được ứng dụng trong hàng nghìn nghiên cứu khoa học, tâm lý học, triết lý và thần kinh học.

Những người tham gia trả lời VVIQ sẽ biết khả năng tưởng tượng của mình đến đâu. Thông thường, những người giỏi tưởng tượng có thể nhìn thấy hình ảnh trong tâm trí khoảng 80% thời gian, những người tưởng tượng kém hơn sẽ thấy hình ảnh khoảng 60% thời gian, và những người mắc hội chứng Aphantasia không có lúc nào nhìn thấy hình ảnh tưởng tượng.

Một hình thức nguy hiểm hơn của Aphantasia là Hyperphantasia. Những người mắc hội chứng Hyperphantasia thấy khó khăn trong việc nhận diện gương mặt, nhìn nhầm người thành đồ vật, trí nhớ kém, rối loạn phổ tự kỷ, v.v...

Aphantasia có ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo không?

Cho đến nay, vẫn chưa có lý do chính xác giải thích nguyên nhân gây ra Aphantasia, mặc dù nhiều nhà khoa học cho rằng do ảnh hưởng từ môi trường sống, hệ thần kinh, chấn thương vùng đầu hoặc vấn đề tâm lý. Một khía cạnh đáng quan tâm khác, đó là những người mắc hội chứng Aphantasia có gặp trở ngại trong sáng tạo hay không?

Đa số những người mắc Aphantasia thường làm công việc liên quan đến khoa học, kỹ thuật, toán học, vi tính hoặc kỹ sư. Song vẫn có trường hợp tham gia giải trí, nghệ thuật, thiết kế và đạt được thành tựu trong sự nghiệp.

Edwin Catmull là nhà đồng sáng lập Pixar và cựu chủ tịch Walt Disney. Ông cũng có nhiều đóng góp to lớn cho đồ họa máy tính 3D. Nhưng không phải ai cũng biết người đàn ông tài ba này mắc hội chứng Aphantasia.

Edwin Catmull phát hiện mình mắc Aphantasia khi tham gia khóa học thiền cùng đồng nghiệp. Hình dung là một phần của thiền và Edwin được giao bài tập hình dung một quả cầu. Khi Edwin nhắm mắt, ông không thể tưởng tượng ra quả cầu và hiện tượng này vẫn còn tiếp diễn trong suốt một tuần sau đó.

Edwin Catmull cũng nhớ lại buổi hẹn hò đầu tiên với vợ mình ở công viên. Trong khi vợ ông mô tả công viên rất chi tiết và sống động thì Edwin lại không thể tưởng tượng nổi nơi mình vừa đi hẹn hò trông như thế nào.

Edwin Catmull

Ngoài Edwin Catmull, một số người nổi tiếng khác mắc hội chứng Aphantasia nhưng vẫn đạt được thành công trong sự nghiệp:

Blake Rose, nhà sáng lập trình duyệt Mozilla Firefox.

Brian Froud, thiết kế đồ họa cho phim Labyrinth.

Glen Keane, họa sĩ phim hoạt hình. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông gồm Beauty and the Beast, The Little Mermaid, Aladdin, Tarzan, Tangled, Pocahontas.

Mark Lawrence, nhà văn chuyên viết truyện kỳ ảo và loạt bài “Làm sao để trở thành nhà văn khi bạn không có khả năng tưởng tượng” trên trang The Guardian.

Khi được hỏi về những trở ngại khi làm công việc đòi hỏi nhiều sáng tạo, Edwin Catmull cho biết không nên đánh đồng khả năng sáng tạo, đưa ra các ý tưởng mới và khả năng tưởng tượng ra hình ảnh trong tâm trí là một. Theo kinh nghiệm của ông, chỉ có một số ít người vẽ được những gì mình hình dung trước mắt, và không phải ai giỏi tưởng tượng thì đều biết vẽ cũng như có cơ hội làm họa sĩ hoạt hình.

Aphantasia ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống, nhưng điều quan trọng là chúng ta không thể lấy nó làm cái cớ ngăn cản óc sáng tạo và tự giới hạn bản thân. Những người khác biệt vẫn có khả năng tạo ra sự khác biệt và gặt hái thành công giống như Edwin Catmull vậy.

Theo: tổng hợp

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.