• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

'Anh Tây' tâm sự: Trải nghiệm khó quên trong khu cách ly của chính phủ Việt Nam

Cuộc sống

Một công dân Anh - Gavin Wheeldon, được giữ lại tại khu vực cách ly của chính phủ Việt Nam gần thủ đô Hà Nội kể từ ngày 14 tháng 3. Ở đây, anh cung cấp một cái nhìn sâu sắc về cuộc sống hàng ngày mà một người nước ngoài trải qua khi đến Việt Nam giữa lúc đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp nơi trên thế giới.

Gavin Wheeldon

5 giờ sáng, tôi hạ cánh tại sân bay Nội Bài với sự háo hức hy vọng về một cuộc sống mới tại đất nước yêu thích của mình. Cuối cùng tôi đã có thể ở đây! Tuy nhiên, ngay khi vừa rời máy bay, những thứ đón chào chúng tôi chỉ là rào chắn, và chúng tôi buộc phải điền vào tờ khai y tế. Hành khách phải được lấy mẫu kiểm tra và tất cả nhân viên đều mặc quần áo bảo hộ. Thực tại ập đến rõ như ban ngày, mọi thứ không chỉ còn là nói suông nữa.

Từng người trong chúng tôi phải đợi để được lấy mẫu dịch và giao nộp passport. Tôi chợt thấy vui vẻ một chút vì đã dành thời gian điền tờ khai online và không phải chờ đợi. Nhưng mà sau đó lại là thêm nhiều tờ khai, thêm nhiều sự hỗn loạn nữa. Cuối cùng thì họ cũng lấy được mẫu dịch từ họng và mũi, và kiếm được một chỗ ngồi tại một khu vực chỉ định.

Đưa mắt nhìn lại dòng người đang nhích dần chậm chạp, tôi thấy cả người Việt Nam và nước ngoài, ai ai cũng phải chờ đợi. Thời gian dần trôi, chẳng có thêm thông tin gì và tình trạng náo động bắt đầu tăng dần. Một nhóm người lớn tuổi có vẻ như đang đi nghỉ dưỡng bắt đầu than phiền nhưng chắc họ, cũng như tôi, đang dần nhận ra không chỉ có hành khách bị rối não đâu. Vì các nhân viên cũng bị bối rối chẳng khác gì cả. Chắc hẳn ở đâu đó, một ai đó đang chủ trì cuộc họp xem nên dẫn bọn tôi đi đâu cho phải đạo.

Cuối cùng, sau 4 – 5 tiếng chờ đợi, chúng tôi có 2 lựa chọn. Lấy lại passport, mua một vé máy bay khác và rời đi. Hoặc, tiến vào khu cách li 14 ngày và có thể nhập cảnh vào Việt Nam sau đó. Mọi thứ đều sẽ miễn phí trừ phi dương tính với virus, sau đó thì người nước ngoài sẽ phải trả tiền chi phí điều trị. Người Việt Nam (đương nhiên) sẽ được miễn phí.

Gần như ngay sau đó, mọi người bắt đầu rần rần than phiền, bu lấy người phiên dịch và cứ hỏi lặp đi lặp lại nhiều vấn đề. Tôi thấy cảm thông cho người phiên dịch, cô ấy rõ ràng chỉ đang cố giúp. Mọi thứ trở nên rất nhân văn ở đây, chúng ta là khách của một quốc gia đang làm hết sức mình để bảo vệ con dân của họ, và chính họ chứ không ai khác, đang cố thêm chút nữa để đem sự nhã nhặn đó đến cho chúng ta – những người không cùng quốc tịch. Con người Việt Nam họ tốt và hồn nhiên thế đấy. Toàn bộ người Việt Nam đều chọn cách ly, và chúng tôi thì cần cân nhắc. Chúng tôi hiểu rằng, dù lựa chọn thế nào, không còn đường lùi nữa. Cuối cùng, chỉ còn lại bốn người ngoại quốc hoàn toàn xa lạ với nhau, ở lại với một mục tiêu chung là phải vượt qua được chuyện này. Chúng tôi hoàn toàn mù mờ về những gì đang chờ đợi mình hay sẽ được đưa đi đâu, nghe râm ran đâu đó là sẽ đi xa lắm lắm.

Chúng tôi được đưa đến một nơi nhìn như là chỗ đỗ xe và được lên xe buýt. Ngay khi passport được bỏ vào một cái túi màu vàng với dấu hiệu độc hại in ngay phía ngoài to đùng, một sự thật nghiệt ngã in ngay vào đầu tôi: chúng tôi chính là những toa hàng độc hại có thể mang virus đến cho họ. Khi xe lăn bánh, chúng tôi bắt đầu ngồi suy đoán xem chỗ cách ly nó sẽ như nào. Có đủ đồ ăn không? Liệu có bị nhốt gần với những người đã bị bệnh không? Vân vân và mây mây. Không mất quá nhiều thời gian, khung cảnh ven đường từ phố thị đã dần trôi qua nhường chỗ cho những khung cảnh đồng quê, và rồi chúng tôi đã đến, một căn cứ quân sự.

Sau khi được xịt khuẩn sát trùng cả người lẫn hành lý, chúng tôi tiến vào một khu có hai kí túc xá to đùng và hàng rào bao quanh. Ai ai cũng mặc quần áo bảo hộ. Từng người môt, chúng tôi đăng kí và được đưa về phòng. Người Việt Nam ở riêng, và nam nữ cũng được tách riêng. Ai trong tình trạng không khỏe hoặc có con nhỏ cũng được tách riêng ra. Ở sân bay khá hỗn loạn, nhưng tại đây thì mọi thứ lại rất trật tự. Không khó để nhận ra, Việt Nam đã sẵn sàng trong khi cả thế giới vẫn còn đang trong tư thế chờ đợi.

Trên đường về phòng, tôi đã quan sát và lưu tâm xung quanh. Có tường rào bảo vệ, sân tập huấn, và cả những cánh đồng xa xa. Ở thế này cũng không tệ lắm, ít nhất là so với những gì tôi suy đoán. Cả bốn người chúng tôi đều được ở cùng một phòng với 10 chiếc giường tầng kiểu quân đội. Chat chit chút đỉnh, chúng tôi quyết định sẽ đi ngủ, một giấc ngủ cần thiết sau một ngày dài. Ngay sáng vừa tỉnh dậy là cả phòng tôi đã có một cuộc cãi nhau nho nhỏ về việc giữ yên lặng khi người khác đang ngủ. Mọi chuyện cũng đâu vào đấy, nhưng rõ ràng chúng tôi nên biết cách để ý quan tâm đến mọi người xung quanh mình hơn. Đồ ăn sáng được mang tới và tôi đã ăn ngấu nghiến – trời ơi, tôi nhớ Bánh Mì hàng thật này quá điii!

Một người lính đã mua giùm tôi một cái SIM. Thiệt lòng tôi muốn boa chút đỉnh cho ảnh vì đã giúp đỡ tôi này nọ trong suốt tối qua tới giờ nhưng mà ảnh chối đây đẩy, nhất định chỉ nhận đúng tiền cái SIM. Thông dịch viên tới không lâu sau đó và hỏi thăm chúng tôi. Thật sự ngạc nhiên, cô ấy không hề là người của lãnh sự quán, cô ấy tình nguyện tới đây, chấp nhận mọi nguy cơ có thể mắc dịch bệnh. Kết quả đã có từ tối qua, cả bốn đều có kết quả âm tính, trừ một ông lão ở khoang thương gia. Cảm giác nhẹ nhõm không tồn tại được lâu, mà thay vào đó là sự lo lắng. Liệu tôi có đứng gần ổng lúc nào không? Liệu tôi có đụng vào món đồ nào ổng đã tiếp xúc qua không? Điều duy nhất tôi biết được là từ sau sân bay, tôi không thấy ổng nữa. Thôi kệ, chúng tôi bắt đầu liên lạc lại với gia đình, người thân và trấn an họ rằng 14 ngày sẽ qua nhanh thôi.

Mọi thứ thật yên bình, nhẹ nhàng vì chỗ này rất yên tĩnh. Các chú bộ đội đã làm việc không ngừng nghỉ để giúp khử trùng phòng ở hằng ngày, đo nhiệt độ cũng như đổ rác giúp tôi. Mấy ảnh ở đây là để giúp tổ quốc, và kệ cha mấy cái tin đồn vớ vẩn ba gai mấy bạn nghe đi, mấy ảnh cực kì thân thiện và dễ thương. Cho tới bây giờ thì vụ này giống đi cắm trại hơn là cách ly à. Chúng tôi chia sẻ đồ ăn với nhau, và mọi chuyện bắt đầu vui hơn nữa khi nhận được đồ tiếp tế từ người thân.
Lâu lâu tôi cũng gặp vài người bản địa chào hỏi tôi. Chúng tôi trò chuyện, biết được phòng mình chỉ có bốn, còn phòng ảnh tới tận mười sáu. Bạn tôi đưa ra một ý kiến rằng có thể chuyện tách phòng từ bữa giờ cho chúng tôi có vẻ như là một đặc ân thú vị. Không khó để nhận ra, khi số người cách ly tăng lên, sự bất ổn cũng sẽ trở thành một tác nhân.

Chúng tôi nghe được rằng sớm thôi, sẽ có gần 700 người vào đây, và trong vòng 12 tiếng tới những chuyến xe sẽ tới lui không ngừng nghỉ thâu đêm. Sáng dậy thì chúng tôi đã có hàng xóm mới và khu nhà đối diện đã hoàn toàn full người. Đứng ở đây mà còn nghe láo nháo lận cơ mà. Cũng hơi sờ sợ đó, vì đông người lỡ bị lây bệnh thì sao? Thông dịch viên trấn an chúng tôi rằng, mục đích cách ly mấy ông là cách ly với tổ quốc tụi tui, chứ hông phải cách ly hoàn toàn với con người khác nên cứ chill đi. Đi vòng vòng dạo rồi chụp hình, tôi để ý có nhiều hành lý vẫn được để ngoài sân vì một lí do nào đó. Lẫn trong đó có cả một chiếc xe nôi… điều đó làm thâm tâm tôi hơi ớn lạnh.

Tình hình vẫn ổn ở đây, nhưng chúng tôi vẫn lo lắng mọi chuyện sẽ thay đổi. Có thể một phần do sự căng thẳng giữa người lạ với nhau khi lượng người dần tăng lên. Nỗi sợ vô hình về việc lây nhiễm từ người khác, và cả việc tăng cường canh gác khu vực nữa. Mọi thứ vẫn không thể rõ ràng, nhưng ít nhất chúng tôi đang ở đây cùng nhau. Và hơn hết, điều đó cho thấy Việt Nam đang làm việc rất tích cực để giữ cho mọi người an toàn.

Gavin Wheeldon (người dịch: Vu Ho, group Maybe You Missed This F*cking News)

Bài viết của Wheeldon không đơn giản chỉ là trải nghiệm cá nhân của anh mà còn phản ánh chân thực công tác chống lại dịch bệnh do virus Corona của chính phủ và người dân Việt Nam. Trong tình huống như thế này, sự trung thực và thái độ hợp tác như những gì mà Wheeldon đã thể hiện là rất đáng quý.

Theo: Maybe You Missed This F*cking News - Vu Ho dịch.
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.