• Về đầu trang
Sheepo
Sheepo

Nhiều lời nguyền nổi tiếng trên thế giới vẫn đang linh nghiệm, nên hãy cẩn thận trước khi làm ai đó nổi giận

Kinh dị

Bệnh viện ở Úc thỉnh thoảng vẫn gặp trường hợp nạn nhân bị nguyền rủa

Trong tập tục ghê rợn Bone Pointing của thổ dân Úc, một Kurda (kẻ hành quyết) sẽ chỉ khúc xương hoặc vật thể nào đó vào nạn nhân. Nạn nhân dần dà trở nên bơ phờ ốm yếu, không chịu ăn uống cho đến khi gục ngã trước bệnh tật và qua đời.

Mặc dù nhiều người đưa ra giả thuyết rằng tất cả chủ yếu chỉ là do phản ứng từ tâm lý của nạn nhân, nhưng điều đó không có nghĩa là lời nguyền rủa này không đáng sợ. Niềm tin vào lời nguyền đủ mạnh để tác động một cách hữu hình đến bệnh nhận. Các bác sĩ lẫn y tá ở Úc đôi khi còn được đào tạo để xử lý những trường hợp bệnh nhân của họ bị ảnh hưởng bởi lời nguyền.

Tập tục này đã không còn phổ biến trong thời hiện đại hiện nay, nhưng vẫn có một số trường hợp được ghi nhận nạn nhân qua đời bởi quá tin vào lời nguyền. Họ tin rằng sẽ gặp tai ương, phải cam chịu số phận của mình, chết vì đói hoặc mất nước... như vậy đã đủ biến lời nguyền trở thành sự thật.

Lời nguyền mang đến xui xẻo cho nước Nga

Nhiều người Nga tin rằng Lời nguyền tháng Tám (The August Curse) sẽ khiến những điều tồi tệ nhất xảy ra vào tháng Tám. Kể từ năm 1991, nhiều sự kiện bi thảm đã diễn ra trong khoảng thời gian này, bao gồm tai nạn máy bay, đánh bom và cháy rừng. Hiển nhiên, trước năm 1991, Nga từng trải qua những tháng Tám khốc liệt, ví dụ như trận Stalingrad và cuộc bao vây Leningrad.

Có nhiều giả thuyết giải thích cho sự tồn tại của Lời nguyền tháng Tám. Một số người tin rằng đó hoàn toàn không phải do lời nguyền mà là sự trùng hợp ngẫu nhiên, hoặc dựa vào thực tế rằng những nhân vật quan trọng thường có xu hướng nghỉ phép trong tháng Tám, dẫn đến khả năng bị khủng bố cao hơn.

Những người khác lại nghĩ nguyên nhân do hiện tượng các hành tinh thẳng hàng. Dù lý do là gì chăng nữa thì nhiều người Nga tin chắc rằng luôn có điều gì đó đặc biệt nguy hiểm sẽ xảy đến trong tháng Tám.

Lời nguyên đe dọa cả gia tộc ở Anh

Tichborne Dole là truyền thống lâu đời ở một làng của nước Anh. Theo đó, gia tộc mang họ Tichborne luôn phải quyên góp một lượng lớn thức ăn cho người nghèo hàng năm. Nếu có ai không quyên góp thì bà Mabella Tichborne, người khởi đầu truyền thống này, sẽ nguyền rủa khiến gia đình sinh ra thế hệ gồm bảy người con trai, kế tiếp là thế hệ bảy người con gái và cuối cùng họ Tichborne của gia tộc sẽ dần tàn lụi.

Vào năm 1796, gia đình ngừng ban phát thức ăn vì cho rằng những người nghèo và người lang thang đang "lạm dụng đặc quyền". Đến năm 1803, một phần của gia đình này bị sụp đổ. Một nhánh của cây gia đình thực sự đã sinh ra bảy người đàn ông, trong đó ông Henry Tichborne có bảy cô con gái.

Trong số bảy người đàn ông kể trên thì có vài người đã qua đời nên họ mới lo sợ mà tiếp tục truyền thống cũ. Kết quả là người đàn ông cuối cùng của nhà Tichborne, Sir Alfred, đã may mắn giữ lại được họ của gia tộc khỏi bị diệt vong.

Lời nguyền khiến Thế chiến thứ hai leo thang

Bàn về lời nguyền thì có lẽ nổi tiếng nhất là lời nguyền của Pharaoh Tutankhamun, nhưng xét về mức độ linh nghiệm thì phải kể đến Timur.

Timur là một nhà chinh chiến người Thổ-Mông sống vào những năm 1300. Hài cốt của ông được chôn cất trong lăng mộ Gur-e Amir ở Uzbekistan và bị khai quật năm 1941. Được biết, trong ngôi mộ chứa hai bản khắc - một bản có nội dung: "Khi ta trỗi dậy từ cõi chết, thế giới này sẽ phải run rẩy" và một bản khác ở bên trong quan tài: "Bất cứ ai mở lăng mộ của ta thì sẽ giải phóng một kẻ xâm chiếm còn khủng khiếp hơn ta."

Lời nguyền lăng mộ không phải là hiếm nhưng những gì xảy ra sau khi mở ngôi mộ của Timur đã thay đổi lịch sử. Chỉ hai ngày sau khi mở lăng, Adolf Hitler phát động Chiến dịch Barbarossa xâm lược Liên Xô. Barbarossa vẫn được cho là cuộc xâm lược quân sự lớn nhất trong lịch sử.

Timur được cải táng hơn một năm sau đó theo nghi thức Hồi giáo, khiến làn sóng chiến đấu ở Liên Xô - cụ thể là trận Stalingrad - bắt đầu thay đổi ngay sau đó.

Đội bóng bị nguyền rủa sau khi cố gắng nguyền rủa đối thủ

Bất kỳ chuỗi xui xẻo nào xảy đến cũng sẽ khiến người hâm mộ cho rằng đội tuyển yêu thích của họ đang bị nguyền rủa, nhưng đó lại là trường hợp có thật của một đội bóng đá của Úc, còn có tên gọi Socceroos. Được biết, đội này từng thuê thầy pháp nguyền rủa đối thủ là đội Rhodesia vào năm 1969, nhưng khi ông ấy yêu cầu trả 1.000 USD thì họ không có đủ tiền.

Từ đó trở về sau là một chuỗi những xui xẻo liên tiếp, đến độ một số người tin rằng toàn bộ bóng đá Úc bị nguyền rủa. Chán ngán với nhiều năm thua cuộc, nhà sản xuất phim tài liệu người Úc John Safran mới bắt tay vào điều tra.

Hóa ra, người pháp sư năm xưa đã chết nên Safran gọi đến một pháp sư khác để bước vào sân vận động và kết nối linh hồn. Sau buổi lễ (bao gồm cả hiến tế động vật), đội Úc đã đủ điều kiện tiến vào vòng hai World Cup năm 2006. Kể từ đó, họ còn có cơ hội tham gia thêm hai lần nữa.

Thành phố khơi lại lời nguyền 500 năm tuổi

Năm 1525, để trừng phạt hành động quấy rối khu vực biên giới của quân Reiver, Tổng Giám Mục của Glasgow đã tạo ra lời nguyền dài hơn 1000 từ, bao gồm nguyền rủa lên đầu, răng, tóc, miệng, cũng như kêu gọi sấm sét giáng xuống người họ. Người Reiver cuối cùng trải qua vài biên niên kỷ và hiện vẫn còn một số hậu duệ định cư tại thành phố Carlisle.

Năm 2001, thành phố Carlisle quyết định khắc 383 từ của lời nguyền năm xưa lên một hòn đá, kể từ đó là hàng loạt những hỗn loạn. Carlisle trải qua đợt bùng phát bệnh tay chân miệng dữ dội, bị lũ lụt, hỏa hoạn và nhiều người mất việc làm. Một số người trong thị trấn kêu gọi phá hủy hòn đá, trong khi những người khác cảnh báo việc đó có thể mang lại cho hòn đá nhiều sức mạnh hơn.

Không rõ trong những năm gần đây chuyện gì đã xảy ra với Carlisle và hòn đá. Có thể nó dần mất đi sức mạnh của lời nguyền, hoặc có thể thị trấn chỉ đơn giản là đang chấp nhận sự xui xẻo mà họ gánh phải.

Lời nguyền cho những ai phá hủy cảnh quan Hawaii

Hầu hết những ai từng đi du lịch đến Hawaii đều nghe qua lời nguyền Pele. Tương truyền rằng nếu ai lấy đá hoặc cát từ Công viên Quốc gia Núi lửa Hawaii sẽ bị nữ thần Pele nguyền rủa điều xui xẻo cho đến khi họ trả chúng về chỗ cũ. Khách du lịch nào bỏ túi những thứ này thường phải gửi trả lại Hawaii sau khi gặp phải chuyện không may.

Một số người cho rằng lời nguyền này sở dĩ tồn tại chẳng qua là do đội Kiểm lâm Công viên Quốc gia mong muốn Hawaii luôn giữ được vẻ nguyên sơ. Mặc cho việc mang đá hoặc các thứ khác ra khỏi công viên quốc gia để làm kỷ niệm là bất hợp pháp, nhưng rất khó để yêu cầu du khách tuân thủ.

Tuy nhiên, trên thực tế đã có rất nhiều người gặp phải xui xẻo sau khi nhặt đá mang về nhà. Có lẽ chúng ta nên tin rằng nữ thần Pele đang thật sự để mắt đến những kẻ trộm.

Lời nguyền cho những ai dám thốt ra tên của vở kịch

Trong giới nghệ sĩ nhà hát cũng tồn tại một số điều mà họ không được phép nhắc tới ở hậu trường, đơn cử là Macbeth, vở bi kịch nổi tiếng của Shakespeare, kể về sự nguy hiểm của lòng tham vọng.

Theo truyền thuyết, lời nguyền sẽ gây hại cho bất kỳ ai dám thốt ra tên của vở kịch trong nhà hát, bởi vì Shakespeare được cho là đã đánh cắp phép thuật thực sự của phù thủy để sử dụng trong phân cảnh ba phù thủy.

Tai nạn do nói ra tên của vở kịch bao gồm chấn thương, đóng cửa nhà hát và kể cả tử vong. Các diễn viên thậm chí đã thực hiện một loạt những nghi thức thanh tẩy để nhà hát được an toàn trở lại, bao gồm việc đọc một dòng bổ sung từ vở kịch Shakespeare, hoặc rời khỏi nhà hát cho đến khi họ được mời trở lại.

Lời nguyền đeo bám gia đình Kennedy

Công chúng đã quá quen về sự xuất hiện của gia đình Kennedy trong một thời gian dài, và dĩ nhiên, mọi cái chết xảy ra trong dòng họ này đều gây sự chú ý. Có một tin đồn đã được lan truyền trong nhiều thập kỷ về lời nguyền khiến gia tộc Kennedy gặp nhiều bất hạnh hơn người thường. Không rõ nguồn cơn là từ đâu, nhưng không thể phủ nhận rằng nhà Kennedy đã phải hứng chịu vô số tai ương trong suốt nhiều năm.

Ted Kennedy tự hỏi liệu sự cố Chappaquiddick năm 1969 (tai nạn xe hơi do sơ suất của Ted) có phải là một phần của lời nguyền hay không. Dù vậy thì đấy cũng không phải là lần đầu ông chạm trán với tử thần.

Năm 1964, ông gặp tai nạn máy bay kinh hoàng đến nỗi phải nằm viện trong nhiều tuần. Với bốn vụ tai nạn máy bay, hai vụ ám sát cùng nhiều sự kiện khác, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người tin rằng gia tộc Kennedy đang phải đối mặt những thế lực siêu nhiên.

Xem thêm: Công bố bản ghi chú của phu nhân cố tổng thống John F. Kennedy cho chuyến đi Dallas định mệnh

Mạo phạm người chết, đoàn làm phim hứng chịu lời nguyền day dẳng

Poltergeist (Yêu Tinh) là một trong những phim bị nguyền rủa nhất trong lịch sử điện ảnh. Theo lời đồn, bộ phim sử dụng bộ hài cốt thật trong cảnh hồ nước nên các diễn viên, đoàn làm phim và đơn vị nhượng quyền thương mại đã bị nguyền rủa vì không tôn trọng người chết.

Lời nguyền được cho là cướp đi sinh mạng của một số diễn viên, đe dọa mạng sống của những người khác, tạo ra nỗi sợ hãi khủng khiếp trong lịch sử nhượng quyền thương mại phim. Những phần tiếp theo của Poltergeist vẫn dính phải xui xẻo và bị các linh hồn đeo bám. Dù có thật hay không thì trường hợp của Poltergeist vẫn là một lời nhắc nhở nghiêm túc rằng chúng ta nên để người chết được yên nghỉ.

Bạn có thể xem thêm về những diễn viên bị nguyền rủa tại đây: Các diễn viên xấu số 'chịu lời nguyền đen tối' đã chết thảm sau khi đóng phim kinh dị

Theo: Ranker

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.