• Về đầu trang
Thanh Yên
Thanh Yên

Đổng Trúc Quân truyền kỳ: Từ gái thanh lâu cho tới chủ khách sạn nổi tiếng Thượng Hải

Lịch sử

Trương Ái Linh từng đến đây tìm kiếm ý tưởng sáng tác, Đỗ Nguyệt Sanh – ông trùm của Thanh Bang ở Thượng Hải là khách quen nơi này, thậm chí vua hài Chaplin cũng từng ở đó ăn món vịt rán giòn.

25

Khách sạn đầy truyền kì, nổi tiếng trong ngoài nước, từng nghênh đón vô số thương nhân, tài phiệt, từ những cái tên có tầm ảnh hưởng tới lịch sử thế giới như Tôn Trung Sơn, Lỗ Tấn cho tới George Bernard Shaw, Jawaharlal Nehru, cũng từng chứng kiến 50 năm đầy biến động của vùng đất Thượng Hải.

Mà người sáng lập đứng sau lưng khách sạn nổi tiếng này, lại là một cô gái xuất thân thanh lâu.

24

Cô gái ấy vốn là con của một người phu kéo xe ở Thượng Hải, năm 13 tuổi cô bị cha mẹ bán vào kỹ viện, năm 15 tuổi trở thành phu nhân đốc quân, 29 tuổi ly hôn, một thân một mình dẫn theo con gái gây dựng sự nghiệp, 52 tuổi từng được Chu Ân mời đến nhà làm khách, hơn 90 tuổi vẫn phong nhã như xưa, được người đời kính trọng xưng một tiếng “tiên sinh”.

26

Cô gái đi qua những năm chiến loạn này, có một cuộc đời đầy sóng gió và dài lâu, cô dùng 97 năm trời tồn tại để khẳng định rằng: độc lập, tự do và danh dự mới là vinh quang đẹp nhất đời một người con gái.

Tiểu sử của cô sau này được dựng thành bộ phim Cuộc Đời Thế Kỷ: Truyền Kì Về Đổng Trúc Quân từng gây tiếng vang lớn vào những năm 90, với sự tham gia diễn xuất của các ngôi sao tên tuổi lúc bấy giờ như Đồng Đại Vi, Hoàng Dịch, Tiết Giai Ngưng,...

1

Thời thơ ấu hạnh phúc

Vào năm 1900, thời buổi rối ren, khi thống soái của liên minh 8 nước ngồi lên ngai vàng của hoàng đế Quang Tự thì thành phố Thượng Hải cách đó cả trăm kilomet đang hưởng thụ cảnh thái mình hiếm có, được biết đến như “Paris Phương Đông”.

Cũng năm này ngày mùng 5 tháng giêng, Đổng Trúc Quân ra đời ở Thượng Hải, vì từ nhỏ đã xinh xắn đáng yêu, cô được hàng xóm gọi đùa với cái tên là Tiểu Tây Thi.

2

Trong nhà Đổng Trúc Quân, cha thì đi kéo xe mưu sinh, mẹ thì đi làm hầu gái kiếm vài đồng lẻ phụ giúp gia đình, nhưng cả nhà thường ăn bữa nay lo bữa mai, các em trai, em gái của Đổng Trúc Quân đều qua đời vì bị bệnh do không có tiền chạy chữa.

Là cô con gái duy nhất sống được tới giờ, Đổng Trúc Quân được cha mẹ vô cùng yêu thương, thậm chí có lần khi mẹ cô muốn bó chân cho Đổng Trúc Quân, cô sợ đau nên không chịu, mẹ cô đùa rằng: “Không bó chân, lớn lên sẽ không ai lấy.” Cha cô ngồi bên cạnh nghe bèn nói chen vào: “Cần gì làm con đau, không ai lấy thì tôi nuôi nó suốt đời.”

3

Tập tục bó chân thời xưa ở Trung Quốc

Vì gia cảnh bần cùng, cha mẹ Đổng Trúc Quân hiểu rất rõ một điều, chỉ có học tập mới mong thoát khỏi cảnh nghèo hèn. Chính vì thế vào năm Đổng Trúc Quân 6 tuổi, cha mẹ cô đã dùng số tiền mình tích cóp được đưa con gái tới trường tư thục gần nhà, mong sau này cô sẽ tìm được người chồng tốt, sống đời an nhàn. Khoảng thời gian này, cho dù trong nhà thường hay mắc nợ tứ phía nhưng cha mẹ cô chưa từng để con gái phải chịu cực hay khất nợ tiền học của con.

Nhưng vận mệnh dường như không chịu buông tha cho gia đình nhỏ hạnh phúc này. Năm 13 tuổi, cha Đổng Trúc Quân bệnh nặng, gia đình vốn nghèo khó nay lại càng gian nan hơn, không chỉ không có tiền đóng học phí, mà ngay cả tiền thuê nhà cũng không có.

Cứ thế, bần cùng và bệnh tật của cha đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời của Đổng Trúc Quân.

Cô gái thanh lâu tài hoa

Vào một ngày mùa đông rét mướt, Đổng Trúc Quân ngồi lên trên một cỗ kiệu, người nhà ngậm nước mắt đưa cô con gái duy nhất của mình đến làm ca kỹ trong thanh lâu Trường Tam Đường, dùng ba năm tuổi xuân của cô đổi về 300 đồng đại dương.

Trong tư liệu hình ảnh về Đổng Trúc Quân, mọi người có thể nhìn thấy tấm hình chụp năm 14 tuổi của cô. Đó là hình chụp khi Đổng Trúc Quân vào thanh lâu được một thời gian, cũng là lần đầu tiên cô chụp hình từ khi sinh ra tới giờ.

4

Trong hình chụp, cô ăn mặc thời thượng, dáng vẻ duyên dáng yêu kiều, để kiểu tóc mốt nhất, tai đeo đôi bông tai ngọc bích, mặt mày thong dong, xinh đẹp.

Vì nhan sắc mĩ miều lại thêm tài đàn hay hát giỏi, ngay khi vừa đến thanh lâu, Đổng Trúc Quân đã lọt vào mắt xanh của các công tử giàu có. Người ta chưa bao giờ thấy cô cười, nhưng càng là vậy, thì cô lại càng hấp dẫn đám công tử. Tiếng ca du dương, khí chất xuất chúng giúp Đổng Trúc Quân nhanh chóng trở thành cây hái tiền của tú bà, vô số thanh niên công tử quỳ gối dưới tà váy của cô, trong đó bao gồm của Hạ Chi Thì.

5

Hạ Chi Thì

Lúc ấy Hạ Chi Thì là anh hùng hiển hách của cách mạng Tân Hợi, mới 24 tuổi mà đã là phó đô đốc Tứ Xuyên kiêm Tổng tư lệnh quân Thục. Khi Hạ Chi Thì đến Thượng Hải làm việc, vì tránh tai mắt nên thường đến thanh lâu họp bàn, cũng vì thế mà quen với Đổng Trúc Quân. Thấy cô gái nhỏ khí chất không tầm thường, anh bắt đầu dạy cô tri thức và đạo lý. Mà Đổng Trúc Quân cũng nhanh chóng xiêu lòng trước phong độ và tài năng của Hạ Chi Thì, thường xuyên qua lại, cả hai nảy sinh tình yêu rồi hứa hẹn đời đời kiếp kiếp.

Nhưng lúc ấy, những người quanh Đổng Trúc Quân đều cho rằng một ca kỹ thanh lâu không cách nào xứng đôi với anh hùng yêu nước. Đổng Trúc Quân không nghĩ vậy, cô chưa bao giờ khinh thường bản thân mình, lúc Hạ Chí Thì tỏ ý muốn chuộc thân cho cô, Đổng Trúc Quân đã nói: “Em sẽ nghĩ cách chạy đi, không cần anh tiêu tốn. Tránh sau này chúng ta về chung một nhà, lúc anh không vui sẽ nói: “Cô chẳng qua là do tôi bỏ tiền mua về mà thôi!”.”

Lúc Hạ Chi Thì nửa tin nửa ngờ, thì Đổng Trúc Quân thông minh đã tự mình trốn khỏi thanh lâu.

7

Đêm ấy cô chuốc say người trông cửa, trút hết quần áo lụa là, trang sức vàng bạc ở thanh lâu, một thân trong sạch bỏ đi, chạy tới trước mặt Hạ Chi Thì.

Khi nhớ về đêm mình trốn đi, Đổng Trúc Quân đã viết trong tự truyện thế này: “Những thứ vẫn luôn trói buộc trong lòng cuối cùng đã biến mất sạch sẽ! Có thể tự do bay lượn giữa không trung, làm tôi thấy vô cùng vui vẻ thoải mái. Đây là lần đầu tiên tôi được thể nghiệm cái gọi là tự do, cả đời này tôi cũng sẽ không quên.”

Cuối mùa xuân cùng năm, Đổng Trúc Quân và Hạ Chi Thì 27 tuổi cử hành hôn lễ trong một hiệu buôn tây. Từ một cô gái thanh lâu đến phu nhân đốc quân, Đổng Trúc Quân đã hoàn thành lần nghịch thiên đầu tiên trong đời mình.

Năm ấy, cô chỉ mới 15 tuổi.

Thời gian hạnh phúc ở Nhật

Với hôn nhân, Đổng Trúc Quân chưa bao giờ giống các cô gái khác, bị tình yêu và hạnh phúc che mờ mắt. Ngay trước khi kết hôn, cô đã đưa ra 3 yêu cầu với Hạ Chi Thì:

Đầu tiên, phải cưới hỏi đàng hoàng, cô sẽ không làm vợ bé.

Thứ hai, phải đưa cô đi Nhật học.

Thứ ba, sau khi kết hôn, nam lo việc bên ngoài, nữ lo việc trong nhà.

8

Trước những yêu cầu này, Hạ Chi Thì không có lý do gì để từ chối.

Lúc này tuy Hạ Chi Thi Thì cũng nổi tiếng ngang với Thái Ngạc, nhưng đồng thời anh cũng đang bị chính phủ Viên Thế Khải truy nã sau thất bại của Cách mạng Tân Hợi, phải nay đây mai đó, tránh né đuổi giết. Nên sau một thời gian kết hôn, cặp vợ chồng son quyết định đi đến Nhật.

Nhưng dù đã đến Nhật, xã hội thượng lưu lúc ấy vẫn luôn xem thường Đổng Trúc Quân. Những ngày ở Nhật, Hạ Chi Thì mời thầy về dạy cho Đổng Trúc Quân, nhưng những đồng chí cách mạng đến nhà, nghe Đổng Trúc Quân đang học thì lại buông lời châm chọc: “Một cô ả kỹ nữ thì học được bao nhiêu thứ? Chung quy chỉ là công cụ nối dõi tông đường.”

Mẹ Hạ Chi Thì lại càng quá đáng hơn, bà nói thẳng với con mình: “Một kỹ nữ chỉ xứng làm vợ bé, huống hồ là gả vào nhà như chúng ta? Con mau đi cưới một người vợ cả về cho mẹ.”

Trước những chuyện này, Đổng Trúc Quân chỉ im lặng chịu đựng, âm thầm cố gắng.

9

Ban ngày cô đi học gia chính, ban đêm, cô châm đèn đọc sách, đọc tới mức hai mắt sưng đỏ. Trừ việc này ra, cô còn tự mình lo liệu việc nhà, từ may vá, nấu ăn, giặt giũ, tới chào hỏi khách khứa, tính toán sổ sách, có thể nói cô xử lý nhà cửa vô cùng gọn gàng ngăn nắp.

Cô dùng hành động chứng minh cho những kẻ khinh thường mình rằng, cô xứng đáng với tất cả những gì mình đạt được.

Trong hơn 3 năm ở Nhật, Đổng Trúc Quân và Hạ Chi Thì có một đứa con gái, cô vừa phải chăm sóc con gái vừa học xong chương trình hệ khoa học tự nhiên của trường cao đẳng sư phạm, kiến thức và học lực của cô sau thời gian này tăng lên đáng kể.

Năm 1915, Hạ Chi Thì về nước tham gia vận động cách mạng, để một mình Đổng Trúc Quân ở lại Nhật học tập. Trước khi đi Hạ Chi Thì còn để lại khẩu súng cho Đổng Trúc Quân, nói nếu cô làm gì có lỗi thì cứ rút súng tự sát. Từ đây tình cảm vợ chồng dần dần xuất hiện vết rạn.

Cuộc sống sau khi về Thành Đô

Năm 1917. Hạ Chi Thì được phong làm Tổng tư lệnh tỉnh Tứ Xuyên, không lâu sau, anh ta lập tức gửi điện báo yêu cầu vợ mình lập tức về nước.

Vì thế Đổng Trúc Quân dẫn theo con gái, vào sống trong căn nhà ở Thành Đô. Dù phải chăm sóc con nhỏ, nhưng Đổng Trúc Quân vẫn lo toan chăm sóc nhà họ Hạ vô cùng hoàn mỹ, ngay cả người mẹ chồng vốn không ưa gì cô cũng phải khâm phục không thôi.

10

Nhưng trong những ngày làm tổng tư lệnh, Hạ Chi Thì thiết lập trạm kiểm soát vô tội vạ, tăng thuế má, kiếm lời bỏ vào túi riêng, làm dân chúng oán than, chỉ một năm sau thì bị giải trừ quân chức, kết thúc thời gian huy hoàng nhất đời mình.

Vị anh hùng từng khí phách vô cùng giờ bị miễn chức, không gượng dậy nổi, chỉ biết sa vào bài bạc, hút thuốc uống rượu, thậm chí còn động vào thuốc phiện. Mỗi một lần thua bài quay về nhà hắn lại chửi mắng vợ con, còn thường xuyên châm chọc thân phận của Đổng Trúc Quân. Vào lúc nãy vì tình yêu vẫn còn và vì con cái, Đổng Trúc Quân lựa chọn nhẫn nhịn, cố gắng tìm cách khôi phục lòng tự tin cho chồng mình, nhưng đều vô dụng.

Đổng Trúc Quân và Hạ Chi Thì tổng cộng có 4 cô con gái, một người con trai. Mà Hạ Chi Thì trọng nam khinh nữ, chưa bao giờ quan tâm tới đời sống cũng như dạy dỗ 4 cô con gái, cũng chưa từng để 4 cô học hành.

14

Có lần nhìn thấy con gái đùa giỡn với bạn nam, Hạ Chi Thì bèn buông lời mắng nhiếc: “Đều do mẹ mày dạy không tốt, không bằng tao cho mày cây dao với sợi dây thừng cho xong.” Những ngày phải chịu đựng nhục mạ và gia bạo này làm Đổng Trúc Quân không cách nào chịu được, cuối cùng cô quyết định ly hôn. Đây là lần thứ hai cô muốn bỏ chạy để tìm tự do và độc lập.

Lần bỏ chạy này của cô gây náo động khắp cả Thành Đô, trở thành tin tức hàng đầu của báo đài lúc bấy giờ. Nhưng Đổng Trúc Quân trời sinh ngông nghênh không chịu khuất phục, như năm đó quyết tâm nhảy ra khỏi hố lửa thanh lâu, lần này cô cũng không chút do dự dẫn dắt 4 đứa con gái rời khỏi nhà họ Hạ, trở về Thượng Hải.

Hạ Chi Thì tỏ ra vô cùng căm tức chạy theo tới Thượng Hải, thậm chí còn nói: “Nếu cô có thể nuôi sống 4 con nhóc này, tôi chiên cá bằng bàn tay cho cô ăn.”

Cuộc sống sau khi ly hôn

Trở về quê nhà, Đổng Trúc Quân ra sức nuôi 4 đứa con gái, nhưng muốn ở Thượng Hải sinh sống, nói dễ hơn làm, huống chi còn vào thời loạn. Cuối cùng, Đổng Trúc Quân phải bán trang sức, quần áo làm vốn, hợp tác mở một xưởng lụa, cô phải đích thân chạy khắp nơi chào hàng, Lúc ấy, một người phụ nữ chạy đi chào hàng sẽ bị khinh thường, nhưng cô vẫn cắn răng cố gắng, cứ thế xưởng lụa càng làm càng lớn, nhưng tất cả đều bị nổ thành phế tích trong trận đánh ở Thượng Hải.

12

Mọi cố gắng tan thành mây khói trong một đêm, còn mắc nợ một số tiền lớn, Đổng Trúc Quân bị các cổ đông mắng là quân lừa đảo, cha mẹ cũng vì lo lắng cho con, bệnh nặng chẳng lâu sau đều lần lượt qua đời. Lúc này Đổng Trúc Quân nghèo tới mức không có tiền làm tang lễ cho cha mẹ, phải bán quần áo, trang sức và cả đàn violin của con gái.

Cuộc sống lại một lần nữa rơi xuống vực, Đổng Trúc Quân thậm chí từng nghĩ tới việc tự sát. Cô nghĩ chết là giải thoát được hết, dù sao cô cũng không còn cách nào sống tiếp nữa.

19

Ngay khi cô không còn chống đỡ nổi nữa, thì Lý Sùng Cao đến Thượng Hải làm môi giới hàng quân đội, mộ danh mà đến thăm Đổng Trúc Quân. Cô gái có lòng can đảm và tài hoa này đã làm hắn vô cùng rung động, hắn cho cô mượn 2000 đồng đại dương.

Cầm số tiền ấy, Đổng Trúc Quân quyết định đứng lên lần nữa, cô đi khảo sát khắp nơi, rồi mở một nhà hàng món cay Tứ Xuyên, đặt tên là “Quán nhỏ Cẩm Giang”.

Từ trang hoàng tới chọn mặt bằng, từ tuyển dụng nhân viên đến huấn luyện, từ món ăn đến định giá, cô tự làm mọi thứ. Cô gái ngông nghênh trời sinh này, dựa vào danh tiếng và phẩm chất vượt mọi chông gai, đã đưa nhà hàng Tứ Xuyên trở thành một nhà hàng nổi tiếng trong ngoài tỉnh, việc làm ăn phát triển vô cùng tốt.

25

Những ngày ấy, muốn vào nhà hàng dùng bữa, thực khách phải đặt trước ít nhất 3 ngày, cả Đỗ Nguyệt Sanh, Hoàng Kim Vinh và không ít nhân viên quan trọng trong chính phủ, đều là khách quen của nhà hàng này, Đỗ Nguyệt Sanh còn giúp Đổng Trúc Quân mở rộng quy mô của nhà hàng, và biến nó trở thành khách sạn nổi tiếng.

Không dừng lại ở đây, khách sạn Cẩm Giang còn cung cấp rất nhiều trợ giúp cho quân đội cách mạng, cũng vì thế sau khi cách mạng thành công, khách sạn Cẩm Giang cứ thể trở thành nơi dùng để tiếp đãi bạn bè quốc tế và nguyên thủ các nước.

Dù có được thanh công huy hoàng, nhưng những ngày vừa mở khách sạn, Đổng Trúc Quân từng bị quân Nhật ám sát, phải dẫn con trốn tới Philippines, rồi gặp phải chiến tranh Thái Bình Dương...

23

Thời gian ở Philippines, Đổng Trúc Quân và con gái trải qua rất nhiều lần tìm đường sống trong chỗ chết, còn suýt nữa bị trục xuất về nước. Mấy mẹ con từng gia nhập đại quân chạy nạn, trốn vào rừng trúc hẻo lánh. 4 năm ở Philippines với mẹ con bà dài như cả thế kỷ.

Sau 4 năm phiêu bạt, năm 1945, Đổng Trúc Quân theo dân chạy nạn trở về nước. Ngay khi bà cho rằng chiến tranh đã kết thúc, mình có thể an tâm sống qua ngày, cơn lốc vận mệnh lại cuốn phăng tất cả, đẩy bà xuống vực sâu một lần nữa. Khi cách mạng Văn Hoá bùng nổ, nhà Đổng Trúc Quân bị phá nát, bà bị buộc tội là đặc vụ, Hán gian, gián điệp quốc tế, bị bắt nhốt vào tù.

Năm 70 tuổi, bà ở trong tù làm bài thơ kỷ niệm thời gian gian truân này: “Thần phùng thất thập cổ hi niên, thân hãm linh ngữ tội hà kiến. Thanh tùng bất úy hàn sương tuyết, nguy nhiên đĩnh lập thiên địa gian. (Thân này đã tới tuổi 70 mà còn phải vào tù vì tội mình không phạm. Thân này ngay thẳng nào sợ chi).

Mãi đến năm 1972, Đổng Trúc Quân 72 tuổi mới được trả tự do.

Lúc này Đổng Trúc Quân đã già, hoàn cảnh khốn khó không biến bà thành người tuỳ tiện, bà vẫn tao nhã, thong dong như xưa. Sau khi cải cách mở cửa, Đổng Trúc Quân già cả được hưởng đãi ngộ chính trị cực cao. Tới năm 80 tuổi, vượt qua sự tra tấn của bệnh tận, tốn gần 8 năm bà đã hoàn thành cuốn hồi ký “Một Thế Kỷ Đời Tôi”.

21

Ngày 06/12/997, Đổng Trúc Quân 97 tuổi, nhắm mắt xuôi tay. Cả đời bà sống trong biến động và gian truân, nhưng đến tận lúc chết vẫn thong dong, điềm đạm như chính chữ Trúc trong tên mình. Trước khi đi bà chỉ có một nguyện vọng là mở bài hát dân ca Iceland The Last Rose Of Summer trong tang lễ mình.

Đoá hoa hồng cuối cùng trong mùa hạ cô độc nở rộ. Tất cả bạn bè của bà đều đã héo tán. Không còn đoá hoa tươi nào làm bạn bên bà. Chiếu rọi gương mặt ửng hồng của bà. Cùng bà thở than bi thương.

22

Bài hát dân ca Iceland này là năm 15 tuổi, khi bà và Hạ Chi Thì đến Nhật, bà thích nghe nhất. Và tất cả những mưa gió, ân oán giữa bà và Hạ Chi Thì, đều theo bài hát này kết thúc.

Bốn cô con gái thành công

Dù bà một mình nuôi dưỡng 4 cô con gái, nhưng mỗi cô đều giống mẹ mình, trở thành những người vô cùng thành công.

Cô con gái lớn của bà là Hạ Quốc Quỳnh và con gái thứ hai Hạ Quốc Tú đều được đưa đến Mỹ học dương cầm và hoà nhạc.

Con gái thứ ba Hạ Quốc Anh học nghệ thuật sân khấu ở New York, sau khi về nước thành lập một xưởng sản xuất phim.

Con gái út Hạ Quốc Chương tốt nghiệp đại học Saint John's, sau đó qua Mỹ chuyên tu tiến sĩ.

17

Nhìn chung cả cuộc đời dài 97 năm của Đổng Trúc Quân vừa nhấp nhô vừa phong phú, bà từng chịu vô số đau khổ, nhưng lại có lòng can đảm vượt qua vô số những người đàn ông khác, biến cuộc đời của mình thành câu chuyện thế kỷ.

Trên bia mộ của bà, khắc dòng chữ khái quát đời bà như sau:

“Tôi chưa từng vì bị xuyên tạc mà thay đổi mong ước ban đầu, chưa từng vì bị bỏ mặc mà hoài nghi tín niệm của mình, cũng chưa từng vì già nua mà bước chậm lại.”

Theo: Zhihu
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.