• Về đầu trang
Spock
Spock

Tấn bi kịch buồn đằng sau câu chuyện về Peter Pan - cậu bé không bao giờ lớn

Sách

Hãy nghĩ đến những điều vui vẻ và cậu sẽ bay lên.

peterpan featured

Đó là những lời mà nhân vật Peter Pan nói với Wendy, một cô bé 13 tuổi trong lần đầu lạc đến xứ sở xa lạ Neverland. Lo âu, sợ hãi, cô bé đã không thể bay lên như mong muốn của mình, bất chấp được rắc một đống bụi tiên đi chăng nữa. Nhưng bằng suy nghĩ về "những điều vui vẻ", Wendy đã đẩy lui nỗi sợ đó đi, để bay, để được sống trong những giấc mơ hoang đường nhất của mọi đứa trẻ: Được bay lượn, được chơi đùa cả ngày mà không bao giờ lớn lên.

Khác với nhiều người hình dung về những tác giả truyện thiếu nhi khi cho rằng họ là những người lạc quan nhất, sáng tạo nhất với tâm hồn thuần khiết như trẻ con, cuộc đời của cha đẻ cậu bé không bao giờ lớn, JM Barrie là một chuỗi ngày dài đầy bi kịch với nỗi ám ảnh không nguôi về những cái chết trẻ. Chính nỗi sợ về tuổi già, sự trưởng thành và việc Tử thần có thể đến cướp đi những đứa trẻ chỉ trong thoáng chốc được cho là thứ thôi thúc ông viết câu chuyện về hoàng tử Neverland, Peter Pan.

barrie1

Để có thể hiểu kỹ càng nhất về cuộc đời của Barrie, chúng ta phải lần về những năm tháng thơ ấu của ông. Sinh ra trong gia đình có tới 10 người con mà hai trong số đó qua đời khi còn ở độ tuổi sơ sinh, James vẫn được bố mẹ tạo điều kiện ăn học đến nơi đến chốn.

Tuy thông minh, tài năng nhưng James vẫn không thể vượt qua cái bóng của người anh trai David tài năng, đẹp trai của mình. Trong một ngày không may mắn, David qua đời khi gặp tai nạn trong lúc trượt tuyết. Cái chết của người con trai yêu dấu đã khiến bà Margaret, mẹ của James bị suy sụp suốt nhiều ngày. Để làm mẹ vui lòng, cậu bé James đã vào trong phòng và an ủi mẹ và buổi tối hôm đó đã để lại trong cậu một vết thương lòng không thể xóa nhòa suốt quãng đời còn lại.

Trong nhật ký của mình, Barrie đã ghi lại về sự kiện đó như sau: Căn phòng khi đó tối om, và khi nghe tiếng cửa đóng lại mà không có âm thanh nào phát ra từ phía căn giường, tôi đã đứng yên trong sợ hãi. Có thể lúc đó, tôi đã thở dài, hay thậm chí là khóc khi nghe thấy một giọng nói uể oải, bơ phờ sau một quãng lặng “Là con đó phải không?”

sir james m barrie

Giọng điệu đó làm tôi đau đớn, và vì tôi không trả lời, câu hỏi “Là con đó phải không?” lần nữa lặp lại, với sắc thái lo lắng hơn. Tôi nghĩ đó là lời mẹ tôi muốn nói với đứa con đã chết của bà và tôi chỉ biết lí nhí đáp lại “Không, không phải anh đâu, là con thôi”. Rồi tôi nghe thấy tiếng khóc và mẹ tôi quay lại trên giường. Trong bóng tối, tôi vẫn thấy mẹ cố đưa tay ra, như khều lấy cái gì đấy vậy.

Từ đó trở đi, James vừa ngưỡng mộ, vừa ghen tị với người anh trai yểu mệnh của mình. Đã từng có lần, ông còn mặc bộ đồ của anh trai để làm mẹ vui lòng. Biến cố bất ngờ ấy sau này còn đi vào văn chương của Barrie, với niềm tin về cái chết đột ngột trước tuổi trưởng thành sẽ giúp các cậu bé con mãi mãi hoàn hảo, trẻ trung trước khi thời gian, áp lực của cuộc sống động đến các em.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Edinburg, Barrie chuyển đến London và nhanh chóng gặt hái thành công bằng ngòi bút sắc sảo cùng giọng văn điêu luyện trong tác phẩm The Little Minister. Tại đây ông làm quen với các tác gia lớn cùng thời kỳ như Thomas Hardy hay Robert Louis Stevenson và cả vợ mình Mary Ansell. Mặc dù hai người đều khẳng định rằng họ sống rất hạnh phúc, nhưng thực chất cả James và Mary chưa bao giờ có với nhau một đứa con chung. Thay vào đó, James lại dành sự quan tâm của mình đến những đứa trẻ khác, những đứa con của gia đình Davies. Từ đây, một mối quan hệ "khác thường" giữa ông và năm đứa trẻ nhà Davies bắt đầu.

davies family 11

Ảnh chụp toàn bộ gia đình Davies

barrie 0

Ba đứa trẻ nhà Davies sửa soạn cho một chuyến dã ngoại

James lần đầu gặp George and Jack Llewellyn Davies là vào năm 1989, khi đi dạo với vợ tại Kenshington Garden. Hai đứa trẻ mới chỉ 4, 5 tuổi đã sớm thân thiết với người đàn ông Scotland nhỏ thó cùng bộ ria mép hài hước này. Dần dần, James làm quen với toàn bộ gia đình Davies, thường xuyên qua lại chơi với gia đình, thậm chí còn tự nhận làm cha đỡ đầu cho những đứa trẻ mà ông luôn yêu quý.

Dấu ấn của tình yêu mà Barrie dành cho bọn trẻ được thể hiện rõ nhất trong các tác phẩm mà ông viết cho trẻ em như The Little White Birds và vở kịch Peter Pan, or The Boy Who Wouldn't Grow Up, trong đó minh chứng rõ nhất là tên gọi của các nhân vật đều được theo tên các đứa trẻ nhà Davies như John, Michael hay George Darlings (giống với tên George, John và Michael Davies) hay Peter Pan (theo tên gọi đứa con thứ ba nhà Davies, Peter Davies).

asdasdgfdgdf

Tên các nhân vật trong truyện Peter Pan đều được đặt theo tên của bọn nhóc nhà Davies

Theo nhiều nhà phân tích văn học, tình cảm mà JM Barrie dành cho bọn trẻ nhà Davies được cho là hơn mức bạn bè, hay bố dành cho con đỡ đầu. Đó là sự ám ảnh (không đến mức dục vọng) nhưng cũng gần giống như thứ được gọi là "tình yêu". Đọc những dòng văn trong cuốn The Little White Bird dưới đây, hẳn nhiều người không khỏi giật mình trước sự thân mật có phần thái quá của ông dành cho những đứa trẻ mới ngoài 12,13 tuổi

Tôi quay lại chỗ của David và nhẹ nhàng hỏi thằng bé, liệu nó có thể hôn tôi không. Thằng bé lắc đầu sáu lần liền, và điều đó khiến tôi đau khổ. Nhưng rồi, nó lại cười với tôi và ngay khi đó, tôi biết nó chỉ đang cố trêu mình. Bây giờ, David gật đầu sáu lần...

pic0505 barrie003

JM Barrie chơi cùng một cậu bé nhà Davies

Nhưng thực chất, JM Barrie vẫn chưa một lần nào đi quá đà với bọn trẻ dù những câu văn trên có hơi chút "biến thái". Giống như tình cảm mà Peter Pan dành cho Wendy Darlings, thứ "tình yêu" của James cho bọn nhóc nhà Davies chỉ có thể là tình yêu thuần khiết cho tụi trẻ và trên hết, đó là sự "ngưỡng mộ" với trái tim trong sáng, ngây thơ của những đứa trẻ chưa đến tuổi phải biết lo âu.

Nhưng càng yêu cái hồn nhiên, ngây thơ đấy bao nhiêu, Barrie càng căm ghét sự trưởng thành hay đúng hơn, sự "biến đổi". Với ông, tâm hồn hồn nhiên nhất, ngây thơ nhất chỉ có thể có ở những đứa trẻ bé thơ. Các cảm xúc như tình yêu nam nữ, hay sự lo toan tính toán là thứ không được phép tồn tại ở Neverland.

peter pan 816x459

Peter Pan và Wendy đã không thể trở thành một cặp đôi vì lời nguyền từ tuổi thơ vĩnh viễn của cậu

the lost boys

Nhóm Cậu bé Đi lạc sẽ bị "đuổi" khỏi Neverland khi đến tuổi trưởng thành

Đây cũng chính là lí do các Cậu bé Đi lạc (Lost Boys) không bao giờ được mô tả ở độ tuổi lớn hơn 15, hay Peter Pan không thể đáp lại tình yêu mà Wendy dành cho mình (dưới tác động của lời nguyền tuổi trẻ). Càng yêu tuổi trẻ, sự căm ghét của James dành cho người lớn còn sâu sắc hơn khi bố và mẹ của Wendy được mô tả như những người vô trách nhiệm khi giao nhiệm vụ trông trẻ cho một con chó bảo mẫu giống St Bernard.

357892a31c758774ecebb09583ba9614

Ông bà nhà Darling được hinh dung như những hình mẫu người lớn tệ hại điển hình

Sau khi vở kịch Peter Pan ra mắt vào năm 1904, nó ngay lập tức được khán giả đón nhận nồng nhiệt và biến cái tên Barrie trở thành một nhà văn có tiếng trong truyện thiếu nhi. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, từ năm 1907 đến 1921, lần lượt bốn thành viên nhà Davies bao gồm Arthur (cha bọn trẻ), Sylvia (mẹ), George, Michael qua đời, Barrie đã suy sụp hoàn toàn.

Quãng thời gian đen tối này cũng để lại dấu ấn sâu sắc trong các tác phẩm của James thời kỳ về sau, đó là The Admirable Crichton (nói về căng thẳng xã hội và mâu thuẫn giai cấp). Năm 1937, Barrie qua đời vì bệnh viêm phổi và để lại số tiền thừa kể khổng lồ cho đám trẻ nhà Davies mà ông đã coi như con ruột mình khi còn sống.

peter pan 7

Khi đặt JM Barrie lên bàn cân so sánh với các tiểu thuyết gia trong lĩnh vực văn học thiếu nhi khác như CS Lewis hay Lewis Caroll, số lượng các tác phẩm của ông ít hơn đáng kể, với thể loại hạn chế hơn nhiều. Tuy nhiên nếu nói về mức độ ảnh hưởng và nội dung bên trong đó, thật khó để phủ nhận những điều mà người đàn ông nhỏ bé này đã làm nên. Đã hơn 100 năm trôi qua kể từ khi tác phẩm được ra mắt công chúng, hội chứng Peter Pan về những người không bao giờ lớn và câu chuyện đời đau lòng về người đàn ông đứng sau thế giới màu nhiệm Neverland đã, đang và sẽ luôn là chủ đề hấp dẫn cho những ai yêu văn học và các câu chuyện tiểu sử hấp dẫn như thế.

Theo: The New Yorker
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.