• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

Những điều cần biết về các loại sợi may mặc _ (Phần 8): Vải Tencel có tốt như lời đồn?

Thời trang

Tencel là một trong những loại vải bền vững nhất hiện nay do sử dụng nguồn cellulose đã được kiểm chứng và có thể ủ thành phân trộn, phân hủy sinh học hoàn toàn.

Thực chất Tencel là tên nhãn hiệu đã được bảo hộ của một loại vải dệt từ sợi Model và Lyocell. Trong khi đó, vì Modal và Lyocell là hai loại sợi chất lượng cao, thân thiện với môi trường nên Tencel nghiễm nhiên trở thành sản phẩm được cả các nhà sản xuất, các chuyên gia thời trang và người tiêu dùng ưu ái.

Vì mang đặc điểm của sợi Model và Lyocell, vải Tencel rất mềm và nhẹ nên thường được dùng để may đồ mặc ở nhà hoặc đồ lót. Ngoài ra nó còn có khả năng chống nhăn và giữ màu tốt, vì thế có thể được nhuộm với đa dạng màu sắc khác nhau.

Nhìn chung, vải Tencel là lựa chọn hàng đầu hiện nay cho những ai đang tìm kiếm một loại vải bền, dày dặn mà vẫn đủ mềm mại và thoáng mát.

Lịch sử ra đời của vải Tencel

Sợi Lyocell được phát triển lần đầu tiên vào năm 1972 tại Mỹ, với cách sản xuất biến tấu từ cách tạo sợi Modal. Tuy nhiên phải đến năm 1992 khi con người bắt đầu quan tâm đến vấn đề môi trường, vải Tencel lyocell mới tạo được tiếng vang do được giới thiệu là loại vải bền vững, có nguồn gốc thiên nhiên và thân thiện với môi trường.

Mảnh vải Tencel đầu tiên được sử dụng để may đồ denim, khởi đầu cho xu hướng “denim mềm”. Việc kết hợp giữa sợi Cotton và Tencel lyocell đã tạo ra một loại vải jean mềm, nhẹ và thoải mái hơn nhưng vẫn duy trì đủ độ bền như vải jean truyền thống. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, gần như tất cả các nhà sản xuất denim trên toàn thế giới đã sử dụng Tencel cho sản phẩm của họ.

Quá trình sản xuất vải Tencel

Đều là sợi “cellulose tái sinh” giống như Cupro, Viscose và Modal, Tencel cũng được tạo ra bằng cách hòa tan bột gỗ trong dung môi hóa học để tách cellulose sau đó xử lý với một số loại hóa chất khác và kéo sợi. Vì vậy, mặc dù có nguồn gốc tự nhiên nhưng Tencel vẫn là loại vải nhân tạo, bán tổng hợp.

Tác động môi trường

Bột gỗ sử dụng để sản xuất sợi Tencel chủ yếu được lấy từ một số loại cây như bạch dương, sồi, vân sam hay bạch đàn. Tất cả đều có nguồn gốc từ các rừng cây công nghiệp bền vững và có xác nhận nguồn gốc rõ ràng.

Tuy nhiên hãy lưu ý rằng Tencel là Lyocell nhưng không phải loại Lyocell nào cũng là Tencel. Các loại vải Lyocell không có bảo hộ nhãn hiệu có thể được sản xuất từ những nguồn cellulose không chính thống hoặc đã bị pha trộn.

Nhưng điều thực sự tạo ra sự vượt trội của Tencel là do lượng nước và năng lượng đòi hỏi để sản xuất ra nó ít hơn đến 40% so với những loại vải bán tổng hợp khác.

Ngoài ra nó cũng sử dụng hệ thống sản xuất vòng tròn, có nghĩa là gần 99% hóa chất và dung môi dùng trong quá trình xử lý cellulose và kéo sợi có thể được thu hồi và tái sử dụng, không chỉ an toàn với môi trường mà còn hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến sức khỏe của người lao động.

Cũng nhờ vậy mà vải Tencel có khả năng phân hủy sinh học và ủ thành phân trộn, đáp ứng đúng xu hướng môi trường hiện nay.

Mặc dù vậy, màu nhuộm và một số lượng nhỏ hóa chất độc hại được sử dụng đã phần nào khiến nó không đạt được điểm tối đa trên thang đo độ bền vững.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.