• Về đầu trang
CIBOONG
CIBOONG

3 loại nhựa cần tránh khi đựng thực phẩm

Sức khoẻ

Nhựa/chất dẻo thông thường chứa nhiều chất phụ gia như chất ổn định, chất độn, chất làm dẻo, chất chống cháy và chất chống vi khuẩn. Mục đích của các chất phụ gia này là để tạo ra các sản phẩm nhựa bền hơn giúp đựng và vận chuyển thực phẩm được tiện lợi. Tuy nhiên, cũng chính các hóa chất đó lại dẫn đến ô nhiễm, làm tăng nguy cơ rối loạn nội tiết và ung thư ở người.

Ngoài ra, vì các sản phẩm nhựa làm từ dầu mỏ không thể phân hủy sinh học nên chúng phân hủy thành các mảnh được gọi là vi nhựa và nhựa nano gây ô nhiễm môi trường, đe dọa hệ sinh thái tự nhiên cũng như sức khỏe con người .

Dưới đây là 3 loại nhựa làm từ dầu mỏ mà chúng ta nên tránh sử dụng.

1. Nhựa dùng một lần

Ống hút, chai nước giải khát, nắp chai, túi nilon, cốc và hộp xốp là những sản phẩm phổ biến nhất của loại nhựa dùng một lần.

Đại dương và các khu vực ven biển đặc biệt dễ bị tổn hại do nhựa dùng một lần. Điển hình có thể kể đến Great Pacific Garbage Patch – nơi tích tụ một lượng nhựa khổng lồ ở Thái Bình Dương, khu vực nằm giữa Nhật Bản và Hawaii.

2. Nhựa chứa BPA

Bisphenol-A (BPA) là một chất phụ gia hóa dẻo được sử dụng để tạo ra polyvinyl clorua (PVC) – vật liệu được sử dụng trong nhiều sản phẩm nhựa.

BPA không chỉ tích tụ trong môi trường mà còn dễ dàng nhiễm từ bao bì thực phẩm sang chính thực phẩm. Hấp thụ phải BPA đồng nghĩa với việc người dùng bị tăng nguy cơ vô sinh, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) và các rối loạn chuyển hóa khác.

3. Bao bì thực phẩm có chứa PFAS

PFAS là hợp chất dùng để bôi trơn và chống thấm nước, thường xuất hiện trên các sản phẩm dệt may, giấy, bao bì thực phẩm, v.v... Mặc dù nhiều vật dụng như chén bát, hộp, giấy gói thực phẩm được quảng cáo có khả năng phân hủy sinh học nhưng trên thực tế, chất PFAS trong đó có thể tồn tại rất lâu ngoài môi trường (“forever chemicals”).

Việc sử dụng rộng rãi bao bì thực phẩm có chứa PFAS (xem thêm ở đây) đã và đang góp phần tạo ra một lượng chất thải cực kỳ lớn dẫn đến ô nhiễm môi trường và gây nhiều bệnh lý cho con người.

Chính vì những tác hại nghiêm trọng này, Hoa Kỳ và một số thành viên EU đang từng bước kiểm soát việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm có chứa PFAS.

Một số cách hạn chế sử dụng bao bì nhựa

Khi cần mua bình nước, hãy ưu tiên chọn loại có thể tái sử dụng, chất liệu bền, không làm từ nhựa hoặc ít nhất là nhựa không chứa BPA.

Ngoài ra, hãy chọn dùng ống hút inox hoặc thủy tinh để thay cho ống hút nhựa dùng một lần. Đừng quên mua kèm cọ rửa cho ống hút nha. Bên cạnh đó, ống hút tre, ống hút cỏ hoặc ống hút gạo sử dụng một lần (thích hợp dùng trong kinh doanh) cũng lành tính, có thể phân hủy sinh học và thân thiện với môi trường.

Sử dụng nước lọc ở nhà giúp hạn chế nước đóng chai nhựa dùng một lần. Để đảm bảo an toàn sức khỏe, bạn có thể trang bị bộ lọc tại vòi hoặc bình đựng nước có bộ lọc.

Nhớ từ chối sử dụng dụng cụ ăn uống một lần khi đặt đồ ăn online. Thay vào đó, hãy sử dụng muỗng, đũa, dao, nĩa của riêng bạn.

Khi cần mua hộp đựng cơm, hãy ưu tiên chọn loại có chất liệu lành tính như thủy tinh, inox.

Bạn cũng có thể tìm mua các sản phẩm nhựa sinh học có thể phân hủy thay cho các loại nhựa thông thường có nguồn gốc từ dầu mỏ.

Bên cạnh đó, hãy nhớ tái chế hoặc tái sử dụng đúng cách bao bì thực phẩm mỗi khi có thể để giảm dấu chân carbon (carbon footprint).

Kết

Bao bì thực phẩm làm từ nhựa gốc dầu mỏ có thể tích tụ trong môi trường và gây ra nhiều nguy cơ cho sức khỏe, bao gồm rối loạn chuyển hóa và thậm chí là ung thư.

Mặc dù rất khó để loại bỏ hoàn toàn những loại nhựa này ra khỏi sinh hoạt hàng ngày nhưng việc lựa chọn bao bì thực phẩm ít độc hại, thân thiện với môi trường, có thể phân hủy sinh học và dễ dàng tái chế là một bước tiến tuyệt vời để giảm thiểu tác hại của nhựa đối với sức khỏe chủa chính chúng ta và cả môi trường.

Xem thêm: 5 chất liệu an toàn để bạn đựng thực phẩm

Theo: Tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.