• Về đầu trang
Minh Ngọc
Minh Ngọc

Người nước ngoài ở Trung Quốc mà không có WeChat Pay hay Alipay thì như 'cá mắc cạn'

Cuộc sống

Hôm trước, Rob, một người bạn đã nhắn cho tôi qua WeChat rằng "Cậu không nhất thiết phải đến ngân hàng đâu." Đính kèm với tin nhắn của anh ta là một thông báo về việc Alipay đã ra mắt phiên bản quốc tế của ứng dụng thanh toán trực tuyến dành cho những người mới tới Trung Quốc.

Được đặt tên là Tour Pass, ứng dụng này có thời hạn sử dụng lên tới 90 ngày, rất hữu ích cho tôi, người mới chuyển đến Bắc Kinh ba tháng sau một thời gian dài ở Hong Kong.

Năm năm trước, khi tôi còn đang theo học Đại học Bắc Kinh, mọi người vẫn sử dụng tiền mặt, không có khái niệm về thuê xe đạp hay có Starbuck giao đến tận nơi vào buổi sáng. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, Trung Quốc đã chuyển đổi thành một xã hội không có tiền mặt với tốc độ thần tốc. Theo ngân hàng trung ương Trung Quốc, tổng số tiền được sử dụng trong các giao dịch điện tử trong nước đạt 277,4 nghìn tỷ nhân dân tệ (41,51 nghìn tỷ USD) trong năm 2018, tăng hơn 28 lần so với 5 năm trước đó.

Hiện nay, đa phần các giao dịch điện tử ở Trung Quốc được thực hiện thông qua hai ứng dụng là WeChat Pay và Alipay. Với hơn một tỷ người dùng, WeChat của gã khổng lồ công nghệ Tencent Holdings chính là ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất đất nước này. Không chỉ có vậy, nhiều tòa nhà còn yêu cầu nhân viên quét mã QR trên WeChat để được vào phòng.

Việc lập một tài khoản Alipay vô cùng đơn giản, người đăng ký chỉ cần một tài khoản ngân hàng nội địa và số điện thoại là được. Với người nước ngoài, phiên bản quốc tế của Alipay, yêu cầu người dùng phải đăng ký số điện thoại di động và thẻ ngân hàng.

Nhưng tôi đã gặp một trở ngại nhỏ ngay từ ban đầu, đó là số di động của Hồng Kông không được tính là số nước ngoài. Chính vì vậy, tôi đã tự động sử dụng phiên bản nội địa. Sau hai ngày và nhiều lần gặp thất bại, cuối cùng tôi cũng đã có tài khoản cho riêng mình.

Giống như nhiều người nước ngoài khác, tôi cũng rất phấn khích khi được trở thành một phần của xã hội hiện đại này. Thay vì phải trả tiền hay quẹt thẻ, giờ chỉ cần một tiếng bíp, tôi đã có thể trả tiền cho tất cả mọi thứ, từ một bữa ăn cho đến đồ tạp hóa ở 7 Eleven, thậm chí là vé xem phim hay đi taxi. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán nước này còn tạo ra một hệ sinh thái khổng lồ, gồm các ứng dụng con cho phép người dùng thực hiện mọi thứ hoàn chỉ thông qua điện thoại như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, mua vé số, trả tiền mua sắm hàng tuần và mang đồ ăn tới tận nhà vào buổi đêm. Nhưng tất cả chúng đều yêu cầu liên kết với Alipay hay WeChat Pay.

Cách đây không lâu, Alipay đã mở rộng phạm vi và gia nhập thị trường ô tô qua việc hợp tác với công ty xe điện Xpeng Motors để phát triển hệ thống thanh toán trong xe cho các dịch vụ như sạc pin hay giải trí. Thế nhưng, WeChat Pay vẫn được ưa thích hơn là Alipay. Nó là phương thức thanh toán chung của rất nhiều tài xế và nhiều nhà hàng còn nói rằng họ chỉ nhận dùng WeChat Pay chứ không dùng Alipay. WeChat cũng tuyên bố rằng họ sẽ hỗ trợ thẻ tín dụng quốc tế, cho phép người dùng truy cập vào hàng chục dịch vụ khác nhau, bao gồm thương mại điện tử và đi xe ôm. Nhưng tới giờ, tôi vẫn chưa có dịp được trải nghiệm chức năng này khi lần nào sử dụng, tôi cũng nhận được thông báo là "không thể thực hiện giao dịch".

Đối với khách du lịch đến Trung Quốc chỉ trong thời gian ngắn, phiên bản quốc tế của Alipay là thuận tiện hơn cả. Nhưng nếu bạn ở đây lâu như tôi, thì vẫn có thể cảm thấy một rào cản giữa bạn và Trung Quốc. Bạn không thể gọi nhận đồ ăn từ hàng trăm xe máy Meituan phóng qua mỗi ngày, không thể uống cà phê Luckin, đối thủ nội địa của Starbucks, và - đáng thất vọng nhất - không thể thuê xe đạp trên Mobike.

Bạn không thể mở khóa những chiếc xe đạp đứng ở trên đường, vì chúng đều yêu cầu người dùng quét mã QR và tự động chuyển tiền. Khó chịu nhất phải kể đến là khi bạn đến từ một nơi mà cứ ra đường là thấy taxi như Hồng Kông thì thật khó để gọi một chiếc taxi trên đường phố. Phần lớn chúng đều đã được đặt trước thông qua các ứng dụng con hoặc các ứng dụng riêng lẻ có liên kết với các hệ thống thanh toán này.

Tôi cũng đã có một trải nghiệm đáng quên khi đi vào Luckin Coffee. Lúc mới bước vào cửa hàng, tôi đã vô cùng hào hứng mà quên mất chúng đều thanh toán bằng di động. Khi tôi đưa tiền cho họ và chờ trả lại tiền thừa, người pha chế chỉ nhún vai và nói rằng tôi không có đủ tiền mặt để trả lại cho bạn. Kết cục là tôi đã mất tiền.

Trong một lần khác, trong khi đang đi taxi với một người bạn thân, tôi đã đề xuất chia tiền xe với cô ấy. Tuy nhiên, ngay khi nhìn thấy chỗ tiền mặt mà tôi có trong tay, cô ấy, một người sử dụng WeChat Pay, đã hét lên: "Thôi không cần, tớ không thích tiền mặt đâu."

Mọi người thường nói về Trung Quốc như là một trong những quốc gia đi đầu trong việc sử dụng các ứng dụng thanh toán trên điện thoại. Nhưng việc sử dụng WeChat Pay hoặc Alipay không phải lúc nào cũng dễ dàng. Ngược lại, Hồng Kông chấp nhận cả thẻ ghi nợ, Visa, MasterCard, American Express, thanh toán di động và tiền mặt. Điều này thuận tiện hơn nhiều và cũng góp phần lý giải tại sao họ không tiến tới xã hội không tiền mặt nhanh như Trung Quốc.

Với nhiều người, có thể rất nản lòng khi phải đếm tiền mặt trong khi những người khác đang chờ thanh toán bằng điện thoại di động của họ. Nhiều khi, tôi cũng cảm thấy xấu hổ vì đã làm phiền cho những người bán hàng bởi họ không có tiền mặt để trả lại. Bạn có thể bắt gặp tôi đang thanh toán bằng máy quét QR nhưng khi nhiệt độ và sự hấp dẫn của việc đi xe đạp chung giảm xuống, tôi hoàn toàn chắc chắn rằng mình sẽ không bao giờ hòa nhập hoàn toàn với xã hội Trung Quốc.

Theo: SCMP
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.