• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Nhiều người không biết rằng tháng 7 âm lịch không phải 'tháng cô hồn' theo kinh điển Phật Giáo

Cuộc sống

Niềm tin trong dân gian xem tháng 7 âm lịch là “tháng cô hồn”, tháng của ma quỷ lộng hành. Người Việt tin rằng rằm tháng 7 là ngày mở cửa địa ngục để các loài ma quỷ được tự do về dương thế. Người ta cho rằng từ mùng 2 tháng 7 âm lịch, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ môn quan.

Đến ngày rằm tháng Bảy (15 âm lịch) thì ma quỷ tự do đến hết 12 giờ đêm thì kết thúc. Thế nên tháng 7 cần kiêng kỵ nhiều điều để không bị ma quỷ làm hại như không mua sắm, không nhổ lông chân, không phơi quần áo ban đêm, không ký kết hợp đồng, động thổ xây nhà...

Nhất là trong ngày rằm tháng Bảy nhà nào cũng phải có mâm cỗ cúng cho cô hồn ăn uống no nê, đốt vàng mã thật nhiều vì sợ các cô hồn đói khát, thiếu thốn sẽ nhằm con người mà ám quẻ gây ra tai họa. Thế nhưng, theo Phật giáo thì "tháng cô hồn" chỉ là một khái niệm mê tín dị đoan không hơn không kém.

cung co hon

"Cúng cô hồn" tháng 7, đừng để thuần phong mỹ tục biến tướng thành tệ nạn mê tín dị đoan.

Tháng 7 là tháng tốt, ngày rằm là ngày đẹp!

Theo lời hoà thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong kinh văn của Phật giáo không có cái gì được gọi là “tháng cô hồn” hay "tháng ma quỷ" cả, hầu hết đều do niềm tin dân gian chế biến lung tung mà ra.

Để lý giải nguồn gốc của việc cúng rằm tháng 7 âm lịch thì cần nhớ Phật giáo có ghi nhận 4 ơn lớn: ơn tam bảo, ơn quốc gia xã hội, ơn cha mẹ sinh thành và thầy cô dạy bảo, cuối cùng là ơn tất cả mọi loại chúng sinh.

Tháng 7 là tháng Vu Lan báo hiếu, chính là thời gian tăng ni phật tử tưởng nhớ đến ơn sinh thành dưỡng dục, dù ông bà cha mẹ mình còn hay mất thì cũng làm lễ dâng lên, mâm cỗ chỉ là hình thức, quan trọng chính là tấm lòng của người con.

thich bao nghiem

Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng bác bỏ khái niệm "tháng cô hồn".

Đạo Phật trân quý mọi loại sinh mệnh, đã hiện hữu trên đời thì đều đáng quý, thế nên khi người Phật tử tưởng nhớ đến ông bà cha mẹ mình thì cũng không quên tất cả những chúng sinh khác trên thế gian. Đây là lý do chính dẫn đến nghi thức "cúng thí thực", tức bố thí đồ ăn thức uống cho các sinh linh khác cùng được hưởng.

giat co hon

Hành vi "giật cô hồn" vô cùng phản cảm, vô nghĩa và trái với giáo lý nhà Phật.

Việc "cúng thí thực" hoàn toàn xuất phát dựa trên tinh thần yêu thương vạn vật của Phật giáo, chứ không phải vì sợ ma quỷ quấy phá mà phải cúng kiếng. Hơn nữa, rằm tháng 7 còn được gọi là ngày "tự tứ" - tức "ngày tùy ý", trong ngày này, chư tăng thường họp lại với nhau rồi tự xét bản thân, ai thấy mình sai cái gì thì tùy ý nói ra rồi tự giác sửa đổi mà không sợ chê trách, không sợ xấu hổ.

Như vậy, theo kinh văn Phật giáo, tháng 7 là tháng đáng hoan hỉ, người người được hưởng phước hưởng lộc, con cái hiếu thuận cha mẹ, mọi sai lầm được xem xét sửa chữa. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói tiếp:

Đây là một tập tục đẹp của dân tộc ta trên tinh thần của Phật giáo, khoảng 30 năm về trước không có ai gọi tháng 7 là "tháng cô hồn" cả.

Kết luận, tháng 7 là lúc tâm tư tình cảm đều tốt, lẽ ra nên xúc tiến làm ăn, tăng gia sản xuất, thăm hỏi cầu chúc, quan tâm lẫn nhau, cớ sao lại kiêng kỵ những điều vừa vô lý, vừa trái với lời dạy chân chính của Đức Phật?

Tháng 7 âm lịch nên làm gì cho đúng?

Sau khi hiểu được bản chất của "tháng cô hồn" và ngày rằm tháng 7 là gì, thiết nghĩ từ nay chúng ta nên hoàn toàn thay đổi những định kiến, những suy nghĩ ám muội, mơ hồ về "tháng cô hồn".

Thậm chí, tốt nhất là hoàn toàn xóa bỏ được khái niệm "tháng cô hồn", thay vào đó người Việt nên tập trung tổ chức Vu Lan báo hiếu một cách đúng đắn theo giáo lý nhà Phật.

thich minh quang

Thầy Thích Minh Quang giao lưu với cộng đồng Việt Nam tại Nhật Bản nhân dịp Vu Lan 2017 ở chùa Nisshin Hutsu, Tokyo.

Đại đức Thích Minh Quang, trụ trì chùa Địa Tạng Phi Lai (Hà Nam) nhân dịp rằm tháng 7 năm Kỷ Hợi 2019 đã chia sẻ về những điều nên làm trong dịp Vu Lan báo hiếu:

Ngày xưa, vào lễ Vu Lan, con cháu thường lập đàn lễ lớn, dâng cơm canh, đốt vàng mã để tưởng nhớ, thể hiện đạo hiếu với tổ tiên, ông bà.

Ngày nay, những nghi lễ ấy nên được đơn giản, không cần hình thức cầu kỳ. Bởi tấm lòng của mỗi người hướng đến điều tốt đẹp là nghi lễ và món quà lớn nhất.

Chúng ta nên phổ biến rộng rãi những hành động đẹp mùa Vu Lan như cài hoa hồng trên ngực áo, diễn giảng về công ơn cha mẹ để người trẻ thấm nhuần đạo hiếu.

Có nên đốt vàng mã không?

Khi được hỏi về tục lệ đốt vàng mã, Đại đức Thích Minh Quang cũng cho rằng đây là một hủ tục nên được dẹp bỏ càng sớm càng tốt vì nó không ích lợi gì mà còn gợi nhớ đến một chương đen tối của nhân loại.

dot vang ma

Thầy Thích Minh Quang giải thích:

Vàng mã xuất phát từ văn minh của người Trung Hoa cổ. Thời xưa nhiều vùng Á Đông có tục tuẫn táng, chồng chết thì chôn theo vợ, vua chết chôn theo thê thiếp, gia tài của cải. Nhưng tục này sinh ra trộm mộ trộm mả và tiếng kêu oán, than khóc của những người bị chôn theo.

Vì vậy, giới tăng lữ nghĩ ra việc dùng hình nhân thế mạng cho người sống, dùng vàng mã đốt thay cho việc chôn của cải, nhằm tránh sự hoang phí, sát nhân. Đốt vàng mã đã giải thoát được bao nhiêu kiếp người có thể bị chôn theo, giảm bớt động vật bị tế lễ và lãng phí của cải vật chất.

Nhưng tập tục này chỉ tồn tại khi nhận thức của con người còn thấp, đến ngày nay phải thay đổi. Bởi nhiều người đang lạm dụng đốt vàng mã, phá hủy môi trường và lãng phí không cần thiết.

Theo: Tổng Hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.