• Về đầu trang
Neko Punch
Neko Punch

Leonardo da Vinci: Họa sĩ đại tài hay nhà phát minh sáng chế quân sự?

Lịch sử

Leonardo da Vinci (1452 – 1519) là một họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà giải phẫu và nhà triết học tự nhiên. Ông là một thiên tài toàn năng và được gọi là "Renaissance man" (Người đàn ông của thời kỳ Phục Hưng) trong những năm tháng đỉnh cao của thời kỳ Phục Hưng ở Ý. Ông được biết đến nhiều nhất với tư cách là một họa sĩ thiên tài với những kiệt tác nghệ thuật vô giá mà ông để lại cho nền hội họa thế giới như Mona Lisa, Bữa Ăn Cuối Cùng, Người Vitruvius,…

Trong suốt nhiều thập kỷ qua, khi chúng ta đang mải mê chiêm ngưỡng những bức họa mang giá trị to lớn không chỉ về nghệ thuật mà còn ở các tầng nghĩa và những bí ẩn đằng sau, thế giới đã dần nhận ra những khía cạnh uyên bác khác của Leonardo da Vinci bên cạnh hội họa, đó chính là những thành tựu vô cùng đồ sộ về khoa học, giải phẫu học, triết học từ rất sớm và chúng đã phần nào đóng góp cho sự phát triển của xã hội hiện đại. Trong số đó, không thể không kể đến một số lượng những phát minh quân sự xuâấ chúng nhưng vẫn chưa được biết đến rộng rãi cho đến ngày nay. Chúng không chỉ là minh chứng vốn kiến thức uyên thâm của da Vinci về khoa học, kỹ thuật mà còn thể hiện tư duy đi trước thời đại của ông.

Cỗ máy biết bay

Trong số những lĩnh vực nghiên cứu của Leonardo da Vinci, hàng không có lẽ là lĩnh vực mà ông hứng thú nhất. Cỗ máy biết bay (the flying machine hay the ornithopter) được coi là sáng chế nổi bật nhất của ông trong lĩnh vực này.

Theo những bản vẽ và ghi chép của ông để lại, một chiếc máy bay có sải cánh lên đến hơn 33 feet (hơn 10m), và khung máy bay được làm bằng gỗ thông được phủ lên một lớp lụa thô để tạo ra một màng bay nhẹ nhưng chắc chắn.

the flying machine mark stewart

Tuy cỗ máy biết bay của da Vinci không hẳn là vũ khí quân sự, nhưng nó cũng phần nào đặt nền móng cho máy bay chiến đấu sau này. (© Mark Stewart)

Để khởi động máy bay, người phi công sẽ nằm úp trên một tấm ván ở trung tâm của nó, một hệ thống thanh và ròng rọc sẽ điều khiển máy bay vỗ cánh trong khi người phi công dồn lực vào bàn đạp và được hỗ trợ với một tay quay hỗ trợ gia tăng năng lượng. Ta có thể thấy được những cảm hứng từ thiên nhiên trong phát minh của da Vinci thể hiện qua đôi cánh của máy bay khi chúng vỗ. Thực tế, trong những ghi chú của mình, ông có nhắc đến nguồn cảm hứng của mình để thiết kế ra cỗ máy này là từ những con dơi, diều và chim. Tuy nhiên trong trường hợp này có vẻ cảm hứng từ dơi là rõ ràng nhất, với chi tiết đầu nhọn trên hai cánh của thiết bị bay này có tương đồng với hình dạng đôi cánh của loài dơi.

Máy bay của Leonardo da Vinci khác với máy bay hiện đại ở điểm nó không có động cơ. Và không may thay, dù chiếc máy bay này có thể bay lượn như một cánh chim một khi nó đã ở trên không trung, nhưng người phi công không thể tạo ra đủ năng lượng để đưa cỗ máy này quay trở lại mặt đất.

Nỏ khổng lồ

Vào khoảng năm 1486, Leonardo da Vinci đã phác thảo một số bản thiết kế cho một chiếc nỏ khổng lồ dài 27 thước (gần 25m) – một vũ khí đe dọa thuần túy với mục đích khiến kẻ thù khiếp sợ và chạy trốn thay vì phản công. Ở phía trên hình vẽ có ghi những thông số và tỉ lệ của chiếc nỏ. Thiết bị này có 6 bánh xe (mỗi bên 3 bánh) để di chuyển và thân nỏ được làm bằng gỗ mỏng để dễ dàng linh hoạt.

leonardo crossbow

© Wikipedia

Thay vì bắn ra những mũi tên khổng lồ, chiếc nỏ của Leonardo dường như được thiết kế để bắn ra những viên đá lớn hoặc bom cháy. Vũ khí này được điều khiển bởi hệ thống bánh răng ngoằn ngoèo và có hai cơ chế bắn khác nhau, nhưng cơ chế đơn giản nhất là dùng một cái vồ để đập vào chốt giữ để nhả đạn.

Súng liên thanh 33 nòng

Theo trang Leonardo da Vinci’s Inventions, Leonardo là một người ghét chiến tranh, yêu hòa bình và là một trong những người ăn chay đầu tiên trong lịch sử. Ông đã từng mua chim từ chợ về rồi thả chúng ra sau khi đã nghiên cứu về cấu trúc cánh của chúng. Ông nói:

“Một khi con người giết hại động vật, họ sẽ tàn sát lẫn nhau.”

Không may cho Leonardo, từng có một thời gian ông phải làm việc cho những người có chức có quyền để có thể trang trải cuộc sống (mặc dù thời đó Leonardo nổi tiếng nhưng không phải là một người khá giả) và sử dụng bộ óc bác học của mình để thiết kế chính những vũ khí sát thương này. Một trong những người có quyền đáng sợ và khát máu nhất từng thuê ông làm việc là bá tước Cesare Borgia.

da vinci automatic cannon leonardodavinci net

© leonardodavinci.net

Vũ khí chiến đấu của Cesare Borgia phải vừa có thể tấn công, vừa phòng thủ - và một trong số đó là cây súng liên thanh 33 nòng, được thiết kế với 33 khẩu súng cỡ nòng nhỏ được ghép lại với nhau. Các khẩu súng này được chia thành 3 hàng, mỗi hàng gồm 11 khẩu súng và được cố định với nhau bằng một bệ trục quay duy nhất, hai bên là hai bánh xe lớn. Trong khi 11 nòng súng hàng đầu tiên đang nã đạn, 11 nòng tiếp theo sẽ được làm mát để chuẩn bị và 11 khẩu cuối cùng sẽ được nạp đạn. Cơ chế này giúp người lính có thể bắn liên tục mà không bị gián đoạn.

Thiết kế súng liên thanh 33 nòng của da Vinci này được xem là nền tảng cho súng máy ngày nay, chúng chưa hề được chính thức buôn bán và đưa vào sử dụng mãi cho đến thế kỷ XIX.

gun elliott brown

Một mẫu vật ngoài đời thực của bộ súng liên thanh này được tìm thấy bởi một nhóm trẻ em ở một pháo đài cũ tại Croatia, theo tờ Daily Mail. (©Elliott Brown)

Xe tăng bọc thép

Một thiết kế quân sự khác của Leonardo da Vinci khi ông còn là kỹ sư quân sự của Cesare Borgia là xe tăng bọc thép, tiền thân của xe tăng hiện đại ngày nay. Cỗ xe này được trang bị một lượng vũ khí lớn và có thể di chuyển theo bất kỳ hướng nào, chúng được thiết kế để đe dọa và hủy diệt tinh lực địch.

leonardo tank

© Wikipedia

Cỗ xe được bố trí một số khẩu pháo nhẹ trên bệ tròn có bánh xe, cho phép xoay 360 độ, xung quanh được bao bọc bởi một lớp bảo vệ lớn, gia cố bằng các tấm kim loại đặt nghiêng (có hình dáng tổng thể như mai rùa) nhằm làm chệch hướng hỏa lực kẻ thù. Bên trong cỗ xe tăng bọc thép được thiết kế đủ rộng để đủ chỗ cho 8 người điều khiển xe tăng, những người này sẽ liên tục xoay tay quay để cỗ xe chuyển động.

tank the vintage news

Mô hình xe tăng bọc thép của Leonardo da Vinci (© The Vintage News)

Được biết, một người có thiên hướng theo chủ nghĩa hòa bình như da Vinci không cảm thấy hào hứng gì khi thiết kế ra những cỗ máy sát thương này. Các học giả cho rằng thực tế ông đã cố tình tạo ra một lỗi sai nghiêm trọng bên trong bộ máy của cỗ xe tăng, đó là các tay quay khởi động đã được thiết kế ngược chiều nhau vì thế chuyển động tiến về phía trước là điều không thể. Với việc cố tình làm hỏng phát minh của mình, ông hy vọng thứ vũ khí đáng sợ này sẽ không được đưa vào chế tạo và sử dụng.

Máy bay trực thăng

Bản vẽ thiết kế chiếc máy bay trực thăng của Leonardo da Vinci được ra đời vào năm 1493, 450 năm trước khi chiếc máy bay thực sự đầu tiên được chế tạo. Như những ý tưởng khoa học - kỹ thuật khác của mình, da Vinci chưa bao giờ từng chế tạo và thử nghiệm nó, nhưng các ghi chú và bản vẽ của ông đã vạch ra chính xác cách thức thiết bị hoạt động.

helicopter

Bản vẽ và mô hình của chiếc máy bay trực thăng (© Wikipedia, Scientifics)

Cánh quạt của trực thăng có đường kính 2m và bộ khung chính được cố định với nhau bởi cây sậy. Bốn người sẽ đứng trên bệ xoay trung tâm quay những tay quay để xoay trục. Khi trục đã được xoay đủ số vòng xoay nhất định, da Vinci tin rằng cỗ máy này sẽ nhấc lên khỏi mặt đất. Thật không may, do trọng lượng của cả cỗ máy và những người vận hành quá lớn, các nhà khoa học hiện đại cho rằng phát minh của da Vinci không thể bay lên.

Súng máy liên thanh, xe tăng bọc thép hay những phát minh về khoa học - kỹ thuật và quân sự trên đây chỉ là một vài trong số rất nhiều những ý tưởng khác nhưng ít nổi bật hơn trong lĩnh vực này, như máy đo gió, bộ đồ lặn, xe đẩy hàng tự động,… Chúng đều là những thành tựu tiêu biểu cho một bộ óc thiên tài, là bước nhảy vọt cho trí tưởng tượng và tư duy đi trước thời đại hàng thế kỷ của thiên tài toàn năng Leonardo da Vinci.

Theo: Tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.