• Về đầu trang
Roger
Roger

Nhìn lại hành trình trưởng thành của 'chị Diana' trong 100 năm qua

Chị em

Cuộc hẹn với "bà dì" hàng tháng chắc chắn là một trong những những điều khó nói nhất của phái nữ. Thậm chí, người ta còn có thể sáng tác truyện tranh từ những bất tiện mà phái nữ phải chịu đựng trong thời gian "đến tháng". Nhưng có lẽ, chúng ta cũng nên cảm thấy may mắn phần nào bởi so với nhiều vùng trên thế giới, xã hội vẫn chấp nhận điểm rất riêng của phụ nữ này và không có gì phải xấu hổ khi vào nhà vệ sinh để mua các sản phẩm "ngày dâu".

Khác với sự tiện lợi từ băng vệ sinh, hay cốc nguyệt san hiện nay, các bà, các mẹ lại không có được điều này. Họ chủ yếu sử dụng bông, gạc tự chế để "thấm dâu", thậm chí là quần áo cũ. Và trong những ngày cuối cùng của 2010s, chúng ta sẽ nhìn vào quá trình phát triển của các sản phẩm vệ sinh trong suốt 100 năm qua.

Thập niên đầu tiên của thế kỷ 20

Những miếng lót ban đầu được làm từ bột gỗ, một thành phần sử dụng trong các loại băng gạc cho binh lính ngoài mặt trận. Lý do bột gỗ được sử dụng là bởi giá thành của chất liệu này thấp hơn vải bông nhưng lại có khả năng thấm hút gấp 5 lần.

Đến năm 1919, hãng bán lẻ Woolworth lần đầu tiên bán ra thị trường băng vệ sinh thương mại đầu tiên, với tên gọi Kotex làm từ bột gỗ. Tuy nhiên, phần lớn phụ nữ thời này vẫn sử dụng các băng vải tự chế, hay quần lót làm bằng bông do giá thành cho sản phẩm dùng một lần kiểu này là khá cao so với mặt bằng chung thu nhập thời bấy giờ.

Quảng cáo băng vệ sinh Kotex vào đầu thế kỷ 20 - chủ yếu nhắm đến các y tá làm công tác cứu thương ngoài mặt trận
Nhưng vì giá thành khá đắt đỏ, nhiều phụ nữ thời này vẫn dùng các loại quần lót bông

Thập niên 20

Đến thời kỳ này, việc "dọn dâu" bằng các băng vệ sinh dùng một lần vẫn được coi là đặc quyền cho giới nhà giàu. Cho đến khi, một phụ nữ da đen Mary Beatrice Davidson Kenner đã phát minh đai đeo đính kèm với một miếng thấm "dâu" không tràn, tránh làm bẩn quần áo. Sản phẩm sau đó đã trở thành cứu tinh cho nhiều phụ nữ thời đó.

"Đai vệ sinh" có cấu tạo từ một băng vải để cố định và một vải bông thấm "dâu"

Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng bắt đầu có ý thức hơn trong việc thiết kế bao bì băng vệ sinh để đưa sản phẩm thiết thực này đến tay người tiêu dùng. Ví dụ, băng vệ sinh của hãng Kotex sẽ được đặt trong hộp tại một quầy riêng ở cửa hàng để phụ nữ có thể đến mua mà không cần đến chỉ dẫn từ người bán hàng.

Băng vệ sinh trước kia được bày bán trong hộp, nằm tách biệt khỏi phần còn lại của cả cửa hàng

Thập niên 30

Một sự thật khá buồn là giới y học thời này (chủ yếu là nam giới) vẫn coi kinh nguyệt là một "bệnh". Phụ nữ trong kỳ kinh đều được khuyên hãy ở nhà và tránh các hoạt động mạnh để "bệnh tình không trầm trọng hơn". Nhưng Kotex và nhiều nhãn hàng sản xuất băng vệ sinh lại không nghĩ vậy. Họ cho người mẫu trong các quảng cáo cho mình mặc đồ thể thao, với thông điệp Thoải mái cho những ngày hè hoạt động.

Không chỉ vậy, Kotex còn cho phát hành tờ bướm dành cho khách hàng của mình, nhằm giúp những bà mẹ giải thích về hiện tượng hành kinh cho con gái mình. Sự thấu hiểu tâm lý của Kimberly (công ty sản xuất Kotex) đã giúp họ chiếm được cảm tình của người tiêu dùng.

Bên cạnh băng vệ sinh, ý tưởng về một sản phẩm vệ sinh gọn nhẹ cũng được thai nghén trong những năm 30. Bản thiết kế tampon đầu tiên là của Tiến sĩ Earle Haas với cấu tạo từ một băng siêu thấm được nhét gọn trong một ống nhựa hình trụ nhỏ. Thiết kế này sau đó được mua lại bởi Gertrude Tenderich, người sáng lập hãng Tampax - nhãn hàng Tampon lớn nhất hiện tại.

Bản thiết kế tampon của tiến sĩ Haas

Thập niên 40

Khi phụ nữ đang ngày càng có vị thế trong xã hội thì những doanh nghiệp cũng phải dần thay đổi để thu hút khách hàng. Chính vì vậy, quảng cáo băng vệ sinh cho phụ nữ trong thập niên 40 thường có nội dung đề cao vai trò và đóng góp của phe "tóc dài" với xã hội.

Các sản phẩm cho "ngày dâu" dần trở nên đa dạng hơn. Ví dụ, tại Mỹ, người tiêu dùng bắt đầu nhìn thấy một loại bọt biển hình trụ có tác dụng thấm "dâu" dính trên quần áo. Đối tượng tiêu dùng trẻ tuổi hơn thì còn có thể mua một loại bột khử mùi, được rắc trực tiếp lên băng vệ sinh nhằm giúp mùi từ máu kinh nguyệt đỡ nặng mùi hơn.

Bột khử mùi cho những ngày "khó nói"

Thập niên 50

Sau một thời gian bị "nam tính hóa", bây giờ phụ nữ đã có cơ hội được quay lại với hình ảnh nữ tính trước kia. Một quảng cáo băng vệ sinh thời này còn trưng hình ảnh một phụ nữ trong bộ váy dạ hội với dòng tít "Người mẫu... bởi". Tampon cũng dần được phái nữ yêu thích hơn bởi sự tiện lợi và thiết kế nhỏ gọn, nằm gọn gàng trong túi xách nhỏ của họ.

Thập niên 60

Kotex càng ngày càng khẳng định vị thế độc quyền của mình trong thị trường băng vệ sinh với số lượng sản phẩm bán ra lên tới 25 triệu hộp một tháng. Ở một chiều hướng ngược lại, Leona W. Chalmers tiếp tục giới thiệu ý tưởng về cốc nguyệt san đến người tiêu dùng sau thất bại với sản phẩm này vào thâp niên 30. Lần này, bà bắt tay với quỹ đầu tư mạo hiểm để sản xuất đại trà cốc nguyệt san, lấy tên là Tassatte. Thế nhưng, trời lại không chiều lòng người, cốc nguyệt san vẫn không thể chiếm được tình cảm người dùng và tiếp tục bị lãng quên.

Thập niên 70

Dòng sản phẩm mới có tên Kotex New Freedom là băng vệ sinh đầu tiên có băng keo dán dưới đáy quần, khiến cơn ác mộng về dây đeo băng vệ sinh trở thành dĩ vãng. Ngoài ra, nhận thức của cộng đồng về chuyện khó nói này cũng dần thay đổi. Tờ tạp chí sức khỏe có tên Our Bodies, Ourselves có những bài báo nói về sức khỏe phụ khoa và cách chăm sóc vùng kín cho các thanh thiếu niên.

Bộ phim Carrie, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Stephen King còn là phim đầu tiên đưa máu "dâu" lên màn ảnh rộng. Trong phim, nhân vật chính Carrie đã hoảng loạn khi hành kinh lần đầu, kết quả của lối giáo dục hà khắc từ người mẹ sùng đạo của cô. Nhiều bạn học cùng lớp đã lấy điều này để trêu chọc cô, thậm chí còn ném băng vệ sinh, tampon vào Carrie ở trường học.

Thập niên 80

Các trường hợp nhiễm tụ cầu khuẩn do sử dụng băng vệ sinh siêu thấm hút lần đầu được ghi nhận và điều này đã lập tức gây ra sự chia rẽ trong cộng đồng. Nhiều phụ nữ đã quay trở lại dùng băng vệ sinh vải, bởi sự an toàn mà nó mang lại. Quảng cáo băng vệ sinh trong các phương tiện truyền thông cũng dần thay đổi, khi nhà sản xuất sử dụng chất lỏng xanh đậm, minh họa cho máu "dâu".

Thập niên 90

Doanh thu của ngành sản xuất băng vệ sinh tăng vọt từ 1.3 tỉ USD vào năm 1985 lên 2.4 tỉ USD vào năm 1991. Một phần lớn doanh thu của sản phẩm đến từ sự ra mắt của các loại băng vệ sinh có cánh, giúp cố định băng tốt hơn băng không cánh. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ trên thế giới vẫn chưa có cơ hội được tiếp cận những sản phẩm vệ sinh kiểu này, đa phần là các phụ nữ sống tại khu vực kém phát triển và còn vì các lý do tôn giáo

Những năm 2000

Băng vệ sinh, tampon thời này không có thay đổi gì nhiều so với các mẫu tiền nhiệm. Nhưng điều này không có nghĩa, người ta bớt quan tâm đến chủ đề này. Trong một bài nghiên cứu năm 2006, các nhà khoa học công bố 99% phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai có kinh bình thường sau khi ngừng dùng thuốc 90 ngày.

Năm 2010 đến nay

Vấn đề lớn nhất với chị em phụ nữ hiện tại sẽ không còn là tìm kiếm một sản phẩm phù hợp, mà là đối phó với những cơn đau mà hành kinh mang lại. Có đến 80% phụ nữ cho biết, họ phải chịu đựng các cơn đau cơ, tăng cân, hay biến đổi tâm trạng bất thường khi "đến tháng".

Nhiều app tính ngày trên điện thoại thông minh cũng ra đời, giúp người dùng theo dõi chu kỳ "ngày dâu" của mình và sử dụng nó như một thông số sức khỏe đáng tin cậy. Thêm vào đó, cốc nguyệt san đang dần được quan tâm trở lại, nhờ ý thức của cộng đồng về vấn đề môi trường và lo ngại về rác thải nhựa từ băng vệ sinh dùng một lần.

Theo: Allure
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.