• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

Oscar là ước mơ của bao người, vậy mà 7 huyền thoại điện ảnh này sẵn sàng ‘phũ’ với tượng vàng

Showbiz

Nâng cao tượng vàng Oscar trước hàng nghìn con mắt theo dõi là giấc mơ của nhiều người. Khán giả thậm chí còn trách móc Viện Hàn lâm ghẻ lạnh những nghệ sĩ tài năng khi cứ mãi trao đề cử cho họ, còn chiến thắng thì chưa thấy đâu.

Thế nhưng trong lịch sử, có những ngôi sao chẳng hề bận tâm đến Oscar, có người thậm chí còn mỉa mai Oscar là một thứ vô nghĩa.

1. Katharine Hepburn

Katharine Hepburn là diễn viên nắm giữ nhiều kỷ lục đề cử Oscar nhất với 12 lần và bà đã thắng 4 lần qua các phim Morning Glory (1933), Guess Who’s Coming to Dinner (1968), The Lion in Winter (1969), On Golden Pond (1982). Tuy nhiên, Katharine Hepburn chưa bao giờ đến nhận giải thưởng này. Nữ minh tinh chia sẻ:

“Đối với tôi, những giải thưởng này chẳng có ý nghĩa gì. Giải thưởng của tôi chính là những bộ phim tôi đóng.

Katharine Hepburn chỉ xuất hiện một lần duy nhất trên sân khấu Oscar để trao tặng Irving G. Thalberg Memorial Award – giải thưởng vinh danh các nhà sản xuất – cho Lawrence Weingarten vào năm 1974.

“Các bạn thấy đấy, tôi chính là nhân chứng sống cho việc một người có thể chờ tận 41 năm để bỏ đi thói ích kỷ không thèm tới dự lễ trao giải” – Huyền thoại người Mỹ hóm hỉnh phát biểu.

Minh tinh Katharine Hepburn

2. George C. Scott

Với vai diễn nhà chỉ huy quân sự Lục quân Hoa Kỳ George Patton III trong phim Patton (1970), George C. Scott nhận được tượng vàng Best Actor nhưng ông đã từ chối. Ông thậm chí còn cẩn thận thông báo với Viện Hàn lâm về quyết định của mình trước khi buổi lễ trao giải diễn ra vài tháng. Mấy năm trước đó, nam diễn viên cũng xin rút tên ra khỏi danh sách đề cử Best Supporting Actor với vai diễn Bert Gordon trong phim The Hustler (1961).

Lý do George C. Scott không tới dự là bởi: “Những buổi lễ trao giải là màn phô trương xác thịt kéo dài suốt 2 tiếng rưỡi, nó là một cái màn hình công cộng trình chiếu những hồi hộp giả tạo, mà cũng vì lý do kinh tế cả thôi”.

Trong buổi tối trao giải, George C. Scott đang ở trang trại riêng tại New York

3. Marlon Brando

Năm 1973, “Bố Già” Marlon Brando gây ra cuộc tranh cãi khi ông từ chối đến dự lễ trao giải Oscar, đồng thời ủy quyền cho nhà hoạt động xã hội Sacheen Littlefeather đến nhận giải thưởng. 

Marlon Brando là nhà hoạt động Phong trào Da đỏ Hoa Kỳ (American Indian Movement) đầu thập niên 1970. Từ chối lễ trao giải Oscar được xem là một trong số những kế hoạch của tài tử nhằm thu hút sự chú ý của dư luận vào cuộc xung đột ở Wounded Knee diễn ra một tháng trước thềm Oscar.

Cũng trong buổi lễ, Sacheen Littlefeather thay mặt Marlon Brando đọc bài diễn văn dài 15 trang nhằm phản đối những bất công của Hollywood với người Mỹ bản địa. Tuy nhiên, nhà sản xuất chương trình đã đe dọa sẽ đuổi Sacheen Littlefeather xuống sân khấu và sẵn sàng tống cô vào tù nếu bài phát biểu dài quá 60 giây. Cũng từ trường hợp này, Viện Hàn lâm đã ra quy định các bài phát biểu ủy quyền từ người thắng cuộc sẽ không được phép xuất hiện trong đêm trao giải.

Marlon Brando và Al Pacino

4. Elizabeth Taylor

Elizabeth Taylor là một trong những tượng đài của điện ảnh Mỹ thập niên 1950, 1960. “Nữ hoàng Cleopatra” đã nhận được tượng vàng Best Actress với vai diễn trong phim Butterfield 8 (1960) cùng một loạt đề cử.

Năm 1966, bà và người chồng lúc bấy giờ là Richard Burton cùng đảm nhận vai diễn trong Who’s Afraid of Virginia Woolf?. Màn hóa thân đỉnh cao đã giúp hai vợ chồng nhận được đề cử Best Actor và Best Actress. Richard Burton cũng là một diễn viên xuất sắc và nhận được 7 lần đề cử Oscar xuyên suốt sự nghiệp của mình. Có lẽ Richard Burton linh cảm lần này mình tiếp tục là “phù rể” và thậm chí chỉ là phông nền cho người vợ tài hoa Elizabeth Taylor, ông đã rủ rê vợ mình cùng nhau… bùng giải Oscar.

Mặc dù Elizabeth Taylor giải thích Richard Burton sợ ngồi máy bay từ Paris về New York, vô số lời chỉ trích vẫn hướng về hai vợ chồng. Nhưng đây là một quyết định chính xác của Richard Burton. Oscar năm đó, Elizabeth Taylor giành chiến thắng lần thứ hai, còn “Marc Antony” Richard Burton tiếp tục ra về tay trắng sau 4 lần bại trận trước đó.

Elizabeth Taylor

5. Paul Newman

Từ năm 1958 đến 1982, Paul Newman được đề cử 6 lần cho hạng mục Best Actor nhưng ông chỉ toàn ra về tay trắng. Năm 1986, với vai diễn trong bộ phim The Color of Money, Paul Newman cuối cùng cũng giành được vàng cao quý này. Tuy nhiên, trước đó ông đã quyết định sẽ không tham dự lễ trao giải và giãi bày tâm sự:

“Nó giống như là ròng rã 80 năm theo đuổi một cô gái đẹp vậy. Cuối cùng thì nàng cũng mủi lòng và bạn phũ ‘Vô cùng xin lỗi em nhưng tôi mệt lắm rồi’.”

Paul Newman

6. Peter O’Toole

Trong suốt hơn 50 năm sự nghiệp điện ảnh, Peter O’Toole đã cống hiến nhiều vai diễn để đời nhưng ông vẫn chưa có cơ hội chạm tay vào tượng vàng Oscar.

Năm 2003, huyền thoại Lawrence of Arabia được trao giải Oscar danh dự nhưng ông đã từ chối. Trong bức tâm thư gửi Viện Hàn lâm, Peter O’Toole viết:

“Tôi vẫn đang trong cuộc chơi và vẫn có khả năng giành chiến thắng mà. Liệu Viện Hàn lâm có thể hoãn giải thưởng danh dự này cho đến khi tôi 80 tuổi không?”

Sau đó, Viện Hàn lâm đã thuyết phục nam tài tử hãy cứ nhận giải thưởng. Những đồng nghiệp của ông như Paul Newman hay Henry Fonda cũng đều nhận Oscar danh dự rồi cuối cùng vẫn giành được tượng vàng Best Actor đấy thôi. Cuối cùng, Peter O’Toole cũng vui vẻ đến nhận giải, thế nhưng Oscar danh dự cũng chẳng phải lá bùa đẩy lùi vận xui của ông. Năm 2007, Peter O’Tool tiếp tục được đề cử Best Actor với phim Venus. Năm 2013, Peter O’Toole qua đời, hưởng thọ 81 tuổi.

Peter O’Toole

7. Woody Allen

Trong suốt sự nghiệp của mình, Woody Allen chỉ đến dự Oscar đúng một lần vào năm 2002 – nửa năm sau khi xảy ra sự kiện chấn động 11/9. Vị đạo diễn lừng danh tới đây chỉ để bày tỏ tiếc thương cũng như giới thiệu bộ phim về New York nhằm tưởng niệm những nạn nhân thiệt mạng.

Còn những đề cử Oscar ư? Woody Allen chẳng quan tâm đến chúng đâu. Ông thậm chí còn nói thẳng:

“Tôi chẳng việc gì phải để ý đến những lễ trao giải kiểu này. Tôi chỉ không biết bọn họ có biết là họ đang làm cái gì hay không. Khi bạn thấy có người thắng cuộc, hoặc có người thua cuộc, bạn có thể thấy Oscar là thứ vô nghĩa đến thế nào”.

Woody Allen
Theo: today

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.