• Về đầu trang
Sheepo
Sheepo

Những truyền thuyết đô thị rùng rợn hóa ra lại bắt nguồn từ sự kiện có thật (Phần 1)

Kinh dị

Charlie No-Face

Trẻ em sống ở Pittsburgh, Pensylvania thường được nghe kể chuyện về Charlie No-Face (Charlie vô diện), đôi khi còn được gọi là Green Man (người xanh xao). Chuyện kể rằng Charlie là một nhân viên tiện ích bị dị dạng khuôn mặt trong một tai nạn khủng khiếp: một số phiên bản nói rằng là do axit, một số khác là do dây điện.

truyen thuyet do thi co that

Đường hầm nơi Charlie No-Face thường xuất hiện

Vài truyền thuyết cho rằng tai nạn đã biến làn da của anh ta thành màu xanh lá cây, nhưng trong các biến thể khác, khuôn mặt của Charlie bị tan chảy. Theo lời đồn, anh ấy lang thang trong những nơi tối tăm như đường sắt cũ kĩ dẫn vào hầm ở South Park Town, thường được gọi là đường hầm Green Man.

Trong nhiều năm, thanh thiếu niên địa phương thường hay lái xe vào đường hầm chờ đợi Charlie No-Face. Nhiều người nói rằng họ cảm thấy sự hiện diện của anh ta và chiếc xe gặp vấn đề không thể khởi động trở lại sau khi họ gọi tên người đàn ông. Những người khác tuyên bố nhìn thấy hồn ma phát sáng của Green Man trong đường hầm hoặc dọc theo các con đường nông thôn vào ban đêm.

truyen thuyet do thi co that 1

Gương mặt biến dạng của Charlie No-Face

Hóa ra, có một sự thật bi thảm đằng sau truyền thuyết cũ kĩ này. Ý tưởng về một người đàn ông làm việc cho công ty điện lực có thể xuất phát từ bất cứ ai, nhưng nhân vật Charlie No-Face là người thật, việc thật có tên là Raymond Robinson.

Quay trở lại năm 1919, khi đang cùng những người bạn chơi đùa xung quanh một cây cầu xe điện thì Raymond bị điện giật. Mũi Raymond bị cháy, một cánh tay và cả hai mắt bị cháy sém nhưng anh vẫn sống sót. Raymond dành phần đời còn lại để ẩn mình, chỉ mạo hiểm đi dạo vào ban đêm. Nhưng anh ấy rất dễ gần và sẵn sàng giao tiếp một chút khi được người đi đường thân thiện hỏi thăm.

Kẻ giết người giấu mình trên gác mái

truyen thuyet do thi co that 3

Gác mái là nơi đáng sợ, thường xuất hiện trong các truyền thuyết đô thị và các bộ phim kinh dị

Câu chuyện đáng sợ này đã tồn tại từ rất lâu. Nó kể về một gia đình vô tình sống chung với một kẻ giết người, bấy lâu nay vẫn ẩn náo trên căn gác mái nhà họ trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Mọi thứ bị biến mất hoặc bị di chuyển, những đồ vật bí ẩn xuất hiện trong thùng rác. Có lẽ gia đình này từng nói đùa về việc có một con ma trong nhà, trước khi bị giết hại trong giấc ngủ bởi kẻ quái dị sống trong các bức tường.

Lý do mà truyền thuyết này luôn luôn đáng sợ là vì nó có thể dễ dàng xảy ra trong thực tế - và thực sự nó đã từng xảy ra. Tất cả bắt đầu vào tháng Ba năm 1922 tại một trang trại ở Đức tên Hinterkaifeck. Chủ trang trại Andreas Gruber nhận thấy những thứ nhỏ nhặt bị mất hoặc đặt không đúng chỗ. Gia đình ông thường nghe tiếng bước chân và chính Andreas đã tìm thấy dấu chân nhưng không có ai ở đó.

truyen thuyet do thi co that 4

Hiện trường giết người dã man của tên sát nhân trên gác mái

Đến cuối tháng Ba, nguồn gốc của những dấu chân đó hóa ra xuất phát từ căn gác. Tên sát nhân giết Andreas dã man cùng vợ ông là bà Cäzilia, con gái của họ Viktoria Gabriel, hai đứa con riêng của bà (chỉ mới 2 tuổi và 7 tuổi), cuối cùng là quản gia Maria Baumgartner. Tất cả đều bị sát hại bằng một cái cuốc chim.

Mãi đến bốn ngày sau thi thể của họ mới được phát hiện trong khi có ai đó vẫn chăm sóc vật nuôi trong trang trại. Danh tính của kẻ giết người vẫn còn là một điều bí ẩn cho đến ngày nay.

Bác sĩ đêm

Các "bác sĩ đêm" (đôi khi còn được gọi là kỵ sĩ đêm hoặc bác sĩ Klan) xuất phát từ văn hóa dân gian của người Mỹ gốc Phi, chủ yếu ở Georgia và Alabama. Nhiều câu chuyện đã được các chủ nô kể lại cho nô lệ nghe để cho họ không dám bỏ đi ngay cả sau khi được tự do.

truyen thuyet do thi co that 5

Những người nô lệ da màu đã từng rất sợ bác sĩ đêm

Câu chuyện kể rằng các bác sĩ sẽ cưỡi ngựa vào ban đêm, bắt cóc công nhân da đen để thực hiện thí nghiệm trên cơ thể họ. Bác sĩ đêm thường bắt người trên phố và đưa họ đến các cơ sở y tế để mổ xẻ, tra tấn và giết họ, sau đó thu hoạch nội tạng.

New Orleans cũng có những "ông kẹ" tương tự nhưng được gọi là Needle Men (cây kim) hoặc Black Bottle Men (chai đen). Họ sẽ châm vào nạn nhân bằng kim tiêm chứa đầy chất độc chết người bí ẩn, hoặc sử dụng chai thuốc độc màu đen để có thể đưa thi thể trở lại bệnh viện từ thiện hoặc bệnh viện John Hopkins, nơi các sinh viên y khoa sẽ tiến hành mổ xẻ.

truyen thuyet do thi co that 6

Theo truyền thuyết, bác sĩ đêm thường trùm khăn trắng, bắt cóc nô lệ da đen để thử nghiệm y học

Những câu chuyện về bác sĩ da trắng chọn cộng đồng da đen làm nạn nhân có nguồn gốc từ một số sự thật kinh hoàng. Trong đầu thế kỷ 19, việc cướp mộ để cung cấp xác chết cho sinh viên y khoa là một vấn nạn lớn, và người Mỹ gốc Phi bất lực trong việc bảo vệ cái chết của họ. Bác sĩ và sinh viên thực sự đã thực hiện phẫu thuật trên những nạn nhân da đen vẫn còn sống. Ngoài ra, các bệnh viện giảng dạy miền Nam nước Mỹ sẽ chỉ thực hiện kỹ thuật phẫu thuật trực tiếp cho sinh viên trên bệnh nhân gốc Phi.

Như thể vẫn chưa đủ tồi tệ, vào năm 1932, Dịch vụ Y tế Công cộng Alabama và Đại học Tuskegee đã phát động chương trình Nghiên cứu Bệnh giang mai Tuskegee. Họ thí nghiệm trên 600 người đàn ông gốc Phi, trong đó 399 người mắc bệnh giang mai và 201 người thì không. Những bệnh nhân này sẽ được cung cấp bảo hiểm thực phẩm và chôn cất, được hứa hẹn chăm sóc y tế miễn phí. Nhưng khi kinh phí cho nghiên cứu bị mất, không ai bận tâm thông báo cho những người tham gia.

truyen thuyet do thi co that 7

Các nhà khoa học Tuskegee đã đưa ra quyết định giữ lại thuốc của bệnh nhân cũng như giấu kín thông tin về tình trạng của họ

Nhóm nghiên cứu muốn quan sát sự tiến triển của bệnh tình, vì vậy mà vẫn tiếp tục thí nghiệm và chỉ nói rằng bệnh nhân đang được điều trị bệnh "máu xấu". Họ không bao giờ tiết lộ bệnh nhân đang mắc bệnh gì, hoặc thừa nhận không cho họ dùng penicillin, phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho căn bệnh giang mai.

Những sự thật này, kết hợp với chủ nô lệ trong những tấm vải trắng giả vờ là ma trên lưng ngựa vào ban đêm, đã khiến cộng đồng người Mỹ gốc Phi sợ hãi rất nhiều về các bác sĩ đêm huyền thoại.

Cái chết của Alice

Đây là một truyền thuyết đô thị khá phổ biến tại Nhật Bản. Trong câu chuyện, một chuỗi các vụ án giết người đã xảy ra ở Nhật từ năm 1999 đến 2005. Thi thể nạn nhân thường bị cắt xén, tay chân bị xé toạc và cái tên Alice được viết ở gần đó bằng máu nạn nhân.

truyen thuyet do thi co that 8

Tạo hình của những "ca sĩ ảo" vocaloid dựa trên truyền thuyết về Alice

Ngoài ra, cảnh sát cũng tìm thấy một tấm thẻ bài được đặt cẩn thận tại mỗi hiện trường. Nạn nhân nữ đầu tiên được tìm thấy trong rừng với các bộ phận cơ thể treo trên những nhánh cây khác nhau. Nạn nhân thứ hai thì bị đứt dây thanh âm. Nạn nhân thứ ba, một cô gái tuổi teen, bị lột da, miệng há hốc, đôi mắt bị đâm sâu và có một chiếc vương miện khâu vào đầu. Hai nạn nhân cuối cùng là anh em sinh đôi bị tiêm thuốc độc trong khi ngủ.

Cảnh sát đã thực hiện cuộc bắt giữ vào năm 2005 khi tìm thấy một nghi phạm đang mặc chiếc áo khoác thuộc về một trong những nạn nhân. Tuy nhiên, họ không thể kết nối hắn ta với bất kỳ hiện trường vụ án nào. Người đàn ông này tuyên bố nhận được chiếc áo khoác từ một con quỷ không có gương mặt.

Sau đó, một bài hát mang tên Hitobashira Arisu (tạm dịch là Sự hy sinh của những Alice) đã được phát hành tại Nhật Bản vào năm 2008 bởi nhà sản xuất tên là Yugami-P. Bài hát mô tả chi tiết về những vụ giết người và đề cập đến một thế giới giấc mơ bị bóp méo (có thể là nơi con quỷ vô diện sinh sống).

Sự thật là không có cái chết của Alice nào xảy ra tại Nhật Bản. Tuy nhiên, ngay trước khi truyền thuyết này ra đời, một kẻ giết người hàng loạt ngoài đời thực có tên là Playing Card Killer (Kẻ sát nhân thẻ bài) từng một thời khủng bố Madrid, Tây Ban Nha.

Cảnh sát đã huy động đầy đủ lực lượng vào năm 2003, cố gắng tìm ra kẻ chịu trách nhiệm giết chết sáu mạng người và làm bị thương thêm ba người nữa. Mỗi lần ra tay hắn lại để lại một thẻ bài trên thi thể nạn nhân. Nhà chức trách cuối cùng cũng chào thua vì không tìm ra mối liên hệ nào giữa các nạn nhân cũng như không có động cơ rõ ràng.

truyen thuyet do thi co that 9 1

Chân dung kẻ sát nhân thẻ bài

Cảnh sát chỉ biết rằng họ đang đối phó với một kẻ tâm thần chọn nạn nhân ngẫu nhiên. Họ có thể sẽ không bao giờ tìm thấy hung thủ nếu hắn ta không tự lộ diện và thú nhận. Kẻ giết người hóa ra là Alfredo Galán Sotillo.

Alfredo nhiều lần thay đổi câu chuyện của hắn và thậm chí phủ nhận các vụ giết người ngay sau khi thú tội, tuyên bố một tên phát xít buộc hắn ta phải khai nhận tội giết người. Dù có thật sự là âm mưu của Đức quốc xã hay không thì Alfredo cũng đã bị kết án 142 năm tù.

Cropsey

Người dân đảo Staten thường kể cho nhau nghe những câu chuyện về Cropsey trong nhiều thập kỷ. Cropsey được cho là một kẻ giết người bằng rìu loạn trí, trốn thoát khỏi trại tị nạn tâm thần cũ và hiện đang ẩn nấp trong các đường hầm bên dưới trường tiểu Willowbrook bị bỏ hoang.

truyen thuyet do thi co that 11

Mục tiêu của Cropsey là trẻ em

Họ nói Cropsey ra ngoài vào ban đêm để săn trẻ em. Trong khi một số người cho rằng hắn ta có một tay là cái móc như cướp biển, những người khác thì kể hắn cầm rìu. Bất kể là vũ khí nào đi chăng nữa thì động cơ của hắn luôn luôn chỉ có một: lôi kéo trẻ em trở lại đống đổ nát của Willowbrook và phanh thây thành từng mảnh.

Hóa ra "ông kẹ" đảo Staten là có thật. Andre Rand từng có tiền sử bắt cóc và gây nguy hiểm cho trẻ em. Hắn cũng là người gác cổng cho trường Willowbrook trước khi nó bị đóng cửa vì vấn đề lạm dụng thể xác, cảm xúc và tình dục trẻ em khuyết tật sống ở đó. Rand quay trở lại đống đổ nát để sống trong các đường hầm, gây ra nỗi ám ảnh cho các khu rừng xung quanh.

truyen thuyet do thi co that 10

Tên bắt cóc Andre Rand

Những đứa trẻ tàn tật bắt đầu mất tích. Thi thể của Jennifer Schweiger, 12 tuổi, được tìm thấy trong khu rừng gần nơi gã Rand trú ngụ. Rand bị buộc tội giết Jennifer Schweiger và thêm vụ giết hại một đứa trẻ mất tích khác tên Holly Hughes.

Cảnh sát không thể chứng minh hắn phạm tội giết người nhưng có thể kết án về vụ bắt cóc. Rand bị kết án 25 năm vào năm 1988 liên quan đến Jennifer Schweiger, sau đó thêm 25 năm nữa vào năm 2004 vì vụ bắt cóc Holly Hughes. Dù vậy, hắn vẫn từ chối tiết lộ vị trí của những đứa trẻ mất tích khác.

Theo: Ranker
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.