• Về đầu trang
Coffeecat
Coffeecat

Kỳ lân một sừng: Từ loài thú khát máu trở thành biểu tượng 'cầu vồng' đáng yêu

Lịch sử

Unicorn (Kỳ lân phương Tây) - với hình dạng phổ biến là một con ngựa trắng với chiếc sừng trên trán, và đôi khi có cánh - có nguồn gốc từ thế kỷ IV TCN. Từ một loài thú khát máu, chúng trở thành một sinh vật thần thoại mang lại hòa bình cho nhân gian (và chỉ có thể được tiếp cận bởi trinh nữ), và rồi trở thành một biểu tượng gắn liền với Thánh thần và Chúa.

ky lan unicorn 4

Một tấm thảm trong bộ "Người phụ nữ bên Kỳ lân" (thế kỷ 16), hiện được trưng bày tại bảo tàng Cluny, Pháp.

Qua bao thế kỷ, ý nghĩa và hình dạng của loài kỳ lân này liên tục thay đổi, nhưng rồi chúng vẫn trường tồn trong thời đại ngày nay.

Cội nguồn của những loài thú hung tợn

Loài unicorn lần đầu được đề cập đến trong Indika (năm 398 TCN), được viết bởi Ctesias - một thầy thuốc Hy Lạp. Trong tài liệu này, ông mô tả một loài thú sinh sống tại Ấn Độ lúc bấy giờ, chúng to như ngựa và có một chiếc sừng trên trán.

Có lẽ loài mà Ctesias mô tả chính là loài Tê giác Ấn. Ông viết, sừng của kỳ lân có thể được giã ra làm "bài thuốc chữa bách bệnh."

ky lan unicorn 3

Bức họa "Thiếu nữ hoang dã bên Kỳ lân" (1500-1510), hiện được trưng bày tại bảo tàng lịch sử Basel, Thụy Sĩ.

Vào thế kỷ I CN, nhà tự nhiên học người La Mã Pliny, khẳng định mình trích lời Ctesias rằng unicorn loài hung tợn nhất vùng Ấn Độ với thân ngựa, đầu hươu, chân voi, đuôi lợn rừng, và chiếc sừng độc nhất thuôn thuôn từ trán.

Pliny cũng thêm thắt một yếu tố mà sau này vẫn khắc sâu dấu ấn lên xã hội thời Trung cổ: loài này không thể bị bắt sống.

Một thế kỷ sau đó, học giả người La Mã Aelian đã tổng hợp một quyển sách về động vật dựa trên tài liệu của Pliny. Trong quyển sách đó, mang tên On the Nature of Animals, Aelian viết rằng unicorn sẽ hiền dịu hơn với bạn đời trong mùa giao phối.

Sự dịu dàng với phái nữ của loài unicorn mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc và cũng chính là nguồn cảm hứng để các nhà văn, họa sỹ thời Trung cổ thêu dệt những câu chuyện như chỉ trinh nữ mới có thể bắt được unicorn.

tranh trinh nu va ky lan boi domenichino

Tranh "Trinh nữ và Kỳ lân" được thực hiện bởi Domenichino (1602). Nhiều nhà văn và họa sỹ thời Trung cổ cho rằng chỉ có trinh nữ mới có thể tiếp cận và thuần hóa loài kỳ lân.

Tuy người Hy Lạp và La Mã đã sớm viết khá nhiều tài liệu về loài này, đa phần các nền văn minh trên thế giới vẫn chưa hề biết đến unicorn cho đến thời Trung cổ. Để được mọi người biết đến, sinh vật này đã phải thoát khỏi những trang giấy, tranh vẽ trong thư viện và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống và văn hóa đại chúng - nói chính xác là qua Kitô Giáo.

Lỗi dịch thuật

Vào khoảng thế kỷ III TCN, loài unicorn được đưa vào những văn bản tôn giáo một cách khá tình cờ.

Khoảng thế kỷ 300 - 200 TCN, một nhóm gồm 70 học giả đã hợp lực nhằm tạo ra bản dịch đầu tiên của kinh Cựu Ước từ tiếng Do Thái cổ (Hebrew) sang tiếng Hy Lạp (Koine). Tuy từ "unicorn" trong tiếng Hebrew là Had-keren (một sừng), trong văn bản thường được biết dưới tên Septuagint (Bản Bảy Mươi), các học giả đã dịch nhầm cụm từ Re'em (bò) thành monokeros. Từ đây, "bò" đã bị biến đổi thành "kỳ lân".

Sự xuất hiện của "unicorn" trong một tài liệu tiếng tăm đến vậy đã đặt nền tảng để loài sinh vật này "ám ảnh" nền văn hóa nghệ thuật từ đầu thời Trung cổ đến ngày nay.

ky lan unicorn

Một hình ảnh minh họa unicorn thời hiện đại. (nguồn: Hachette)

Đến thế kỷ 12, hình ảnh loài thú một sừng này xuất hiện trong truyện ngụ ngôn được viết trong Physiologus - một quyển sách tổng hợp những câu chuyện đạo lý về các loài sinh vật. Trong quyển sách lừng danh này, hình ảnh Chúa Giê-su thường được gắn liền với kỳ lân.

rocher bestiary unicorn

Quyển Rochester Bestiary (tạm dịch Bách khoa Quái thú Rochester, cuối thế kỷ 12), được vẽ dựa trên Physiologus và lấy hình ảnh unicorn làm biểu tượng cho linh hồn Chúa Giê-su.

Thay vì phác họa hình ảnh Chúa là một người đàn ông, các họa sỹ thời này thường minh họa Người qua hình ảnh ngựa hay dê với một chiếc sừng trên trán. Những câu chuyện thần bí thời Trung cổ này đã đặt nền móng để hình ảnh kỳ lân ngày càng lan rộng khắp châu Âu.

ky lan unicorn 5

Một tấm thảm trong bộ "Người phụ nữ bên Kỳ lân" (thế kỷ 16), hiện được trưng bày tại bảo tàng Cluny, Pháp.

Từ thời Trung cổ về sau thì hình ảnh unicorn không có nhiều thay đổi. Loài ngựa một sừng xuất hiện trong bộ thảm The Lady and the unicorn (tạm dịch Người phụ nữ bên Kỳ lân) từ thế kỷ 16, hiện giờ được trưng bày tại bảo tàng Cluny ở Pháp, cũng không mấy khác biệt so với những nhân vật trong My Little Pony.

ky lan unicorn 2

Nhân vật Rarity trong My Little Pony. Nhìn chung, tạo hình của unicorn thời hiện đại không mấy khác biệt so với thời Trung cổ, với đặc điểm nổi bật vẫn là một con ngựa một sừng.

Hình ảnh unicorn trường tồn trong văn học, hội họa và điện ảnh xuyên suốt đến thời hiện đại, nhưng lại được ưa chuộng đến lạ trong những năm 2010.

"Ngôi sao" của thời hiện đại

Nhờ sự bùng nổ của mạng xã hội mà hình ảnh unicorn, đôi khi đi kèm với cầu vồng, giờ đây đã trở thành một phần của văn hóa đại chúng. Thậm chí còn có Ngày Quốc Khánh Unicorn (09/04), được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015.

quoc khanh unicorn

Lượt tìm kiếm cho từ khóa "unicorn" cao hơn bao giờ hết vào tháng 04/2017, khi Starbuck cho ra mắt loại thức uống "nhiệm màu" mang tên Unicorn Frappuccino, dấy nên một xu hướng tạo các loại thức ăn nước uống lấp lánh và mang màu sắc cầu vồng.

unicorn frappuccino

Loại thức uống "thần kỳ" như loài kỳ lân, có thể đổi màu đổi vị của Starbucks.

Giờ đây thì hình ảnh những chú ngựa trắng một sừng được tiếp thị cho cả trẻ em và người lớn, xuất hiện trên những chiếc ly, móc khóa, thú nhồi bông, áo thun và vô vàn mặt hàng khác. Trong văn hóa đại chúng, unicorn còn là linh vật của cộng đồng LGBTIQ+: một biểu tượng của niềm hy vọng.

ky lan unicorn 1

Unicorn ngày nay được cả trẻ em và người lớn ưa chuộng. (nguồn: Instagram/@oksana_domoratskaya)

Khác hẳn với loài thú hung tợn của Ctesias, sự dễ thương và tràn đầy hy vọng của unicorn ngày nay chắc hẳn sẽ còn được ưa chuộng mãi về sau.

Theo: The Conversation
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.