• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

'Tâm Trạng Khi Yêu' - Kiệt tác về tình yêu của thế kỷ 21 từng bị chê là lãng mạn sến sẩm khi mới ra mắt

Phim ảnh

Tâm Trạng Khi Yêu (In the Mood for Love) của Vương Gia Vệ khởi chiếu tại liên hoan phim Cannes vào ngày 20 tháng 5 năm 2000. Đánh giá của các nhà phê bình lúc bấy giờ không mấy tốt đẹp. Variety gọi bộ phim là “sến sẩm mỹ miều”, và giống như những tác phẩm khác của Vương Gia Vệ, nó chỉ được cái “tốt nước sơn hơn tốt gỗ”.

The Economist quả quyết 98 phút Tâm Trạng Khi Yêu chỉ là "thứ văn chương mang phong cách Á Đông”, rồi sau đó dành lời tán dương cho những bộ phim bị ban giám khảo bỏ qua và gọi đó là “những vị vua không thể đăng quang của liên hoan phim Cannes lần thứ 53”.

The Guardian gần như chẳng có thời gian lên bài về Tâm Trạng Khi Yêu và chỉ đưa một tin tức đáng chú ý là giải thưởng Nam diễn viên xuất sắc nhất của Lương Triều Vỹ “rất xứng đáng”.

Trương Mạn Ngọc và Lương Triều Vỹ

Giờ là năm 2020 và cái nhìn đã đổi chiều. Tâm Trạng Khi Yêu được xem là phim kinh điển của điện ảnh hiện đại.

Năm 2016, bộ phim đứng thứ hai trong danh sách “100 phim hay nhất thế kỷ 21” của BBC. Còn trong danh sách “Những phim xuất sắc nhất mọi thời đại” từ các nhà phê bình điện ảnh uy tín do Sight and Sound (tạp chí điện ảnh của Viện phim Anh) tổ chức vào năm 2012, Tâm Trạng Khi Yêu giành vị trí thứ 24. Đây là thứ hạng cao nhất của một bộ phim sản xuất trong thế kỷ 21 và thậm chí là trong số các phim được sản xuất từ năm 1980 đến 2012.

Để có được vị trí như ngày hôm nay, viên ngọc quý của điện ảnh cũng phải trải qua một quá trình mài giũa gian khổ. Trong buổi họp báo tại Cannes, Vương Gia Vệ cho biết: "Quá trình quay Tâm Trạng Khi Yêu là một trải nghiệm khó khăn nhất trong sự nghiệp của tôi”.

Hãy quay trở lại thời điểm Anh trao lại Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997 để tìm hiểu nguồn gốc của Tâm Trạng Khi Yêu.

Giữa thập niên 1990, Vương Gia Vệ đang đứng trên đỉnh cao trong giới điện ảnh quốc tế sau thành công của Trùng Khánh Sâm Lâm (1994). Bộ phim được nhiều đạo diễn Âu Mỹ khen ngợi, trong đó có cả Quentin Tarantino. Tác phẩm tiếp theo là Đọa Lạc Thiên Sứ (1995) cũng nhận được những lời khen tương tự. Trái lại, các nhà đầu tư và sản xuất châu Á rất thận trọng với Vương Gia Vệ vì phim của ông thường quay quá lâu và đội chi phí. A Phi Chính Truyện (1990) và Đông Tà Tây Độc (1994) là hai ví dụ điển hình.

Trước tình hình như vậy, Vương Gia Vệ đành lên kế hoạch quay hai phim gần như cùng một lúc. Bộ phim đầu tiên kể về một cặp đôi trốn khỏi Hồng Kông. Sau này, nó được phát triển thành Xuân Quang Xạ Tiết (1997) và được quay chủ yếu ở Buenos Aires, Argentina. Bộ phim thứ hai dự kiến mang phong cách vui vẻ như Trùng Khánh Sâm Lâm và nó chính là câu chuyện kể về Chu Mộ Văn - Tô Lệ Trân trong Tâm Trạng Khi Yêu.

Ban đầu, phim có tên là Mùa Hè Ở Bắc Kinh và được quay ở Trung Quốc. Hai diễn viên hàng đầu đảm nhận vai diễn là Lương Triều VỹTrương Mạn Ngọc. Tuy nhiên, dự án này buộc phải bị hủy bỏ sau khi Cục Điện ảnh Trung Quốc thông báo Vương Gia Vệ không được phép quay phim ở Trung Quốc nếu chính phủ chưa đọc và chấp thuận kịch bản của ông.

Mặc dù không có đủ chi phí làm phim, Vương Gia Vệ vẫn muốn thực hiện Mùa Hè Ở Bắc Kinh, hoặc là ông vẫn chưa chịu từ bỏ ý định quay hai bộ phim song song. Sau này ai cũng đều biết 2046 được quay gần như cùng lúc với Tâm Trạng Khi Yêu. Lúc này, “Vương kính đen” dự tính bộ phim gồm ba câu chuyện ngắn về một đầu bếp, một ông chủ quán ăn và một nhà văn. Ẩm thực là thứ kết nối ba con người này và một nhà hàng có tên Bắc Kinh ở Ma Cao sẽ được đặt làm địa điểm quay phim.

Vương Gia Vệ chia sẻ:

“Khi bắt đầu dự án này, chúng tôi gọi nó là Một Câu Chuyện Về Ẩm Thực và nó gồm ba câu chuyện ngắn. Tâm Trạng Khi Yêu thực ra chỉ kéo dài 30 phút. Nó diễn ra ở nhà hàng, trong một tiệm mì, ở cầu thang sau khi hai nhân vật mua mì và giả vờ đang ngoại tình.

Sau khi quay, tôi cảm thấy rất thích câu chuyện đó và đấy là lý do chính tôi chuyển sang Tâm Trạng Khi Yêu. Tôi cũng quên luôn hai câu chuyện còn chưa được quay kia rồi”.

Trong số ba câu chuyện dự định ban đầu, chỉ có câu chuyện về nhà văn được giữ lại. Vương Gia Vệ cho hay ông lấy cảm hứng từ nhà văn Lưu Dĩ Sưởng, đặc biệt là truyện ngắn Đối Đảo viết về một đôi nam nữ vô tình gặp nhau nhưng rốt cuộc cũng chỉ là hai đường thẳng song song.

Khi Vương Gia Vệ sẵn sàng bắt tay vào tác phẩm mới thì cuộc khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra vào tháng 7 năm 1997. Những nhà đầu tư cho phim của Vương rút lui, quá trình sản xuất cũng tạm hoãn trong lúc Vương Gia Vệ nỗ lực tìm kiếm nhà đầu tư mới.

Rốt cuộc dự án cũng được tái khởi động vào năm 1999 nhưng Vương Gia Vệ lại rơi vào bế tắc vì chưa tìm ra hướng đi của bộ phim. Tên phim lúc này chỉ đơn giản là The Mood for Love. Những cảnh quay đầu tiên vẫn còn vui nhộn và xoay quanh ẩm thực, ví dụ như Lương Triều Vỹ và Trương Mạn Ngọc đang xào nấu đồ ăn trong căn phòng khách sạn 2046.

Vương Gia Vệ tin là Tâm Trạng Khi Yêu sẽ được quay nhanh hơn so với 2046 – một bộ phim hoành tráng hơn đang chuẩn bị bấm máy và nội dung dựa trên vở opera phương Tây. Những cảnh đầu tiên được quay ở Hồng Kông khá suôn sẻ, nhưng mọi thứ thay đổi khi Vương Gia Vệ và đoàn làm phim đến Bangkok để tìm địa điểm quay tiếp theo cho 2046.

Trong những ngày ở thủ đô Thái Lan, Vương Gia Vệ bất ngờ khám phá một số địa điểm đánh thức ký ức tuổi thơ của ông những năm 1960 ở Hồng Kông. Đó cũng là cảm hứng để đạo diễn Vương thực hiện tiếp Tâm Trạng Khi Yêu với tông phim trầm buồn và u sầu hơn so với bản gốc. Vậy là "Vương kính đen" đã gạt 2046 sang một bên và gọi hai diễn viên chính đến Bangkok để quay một số bản nháp cho Tâm Trạng Khi Yêu.

Bộ ba tại LHP Cannes 2000

Tâm Trạng Khi Yêu chỉ hoàn thành ngay trước khi trình chiếu tại liên hoan phim Cannes năm 2000. Đây quả là một quá trình khiến Vương Gia Vệ và ekip sản xuất cạn kiệt cả về thể chất lẫn tiền bạc.

Dù bộ phim không nhận được những phản ứng tốt đẹp khi mới ra mắt, qua thời gian, Tâm Trạng Khi Yêu càng được đánh giá cao. Để kỷ niệm 20 năm ra mắt, bộ phim sẽ được phục dựng phiên bản 4K và trình chiếu tại liên hoan phim Cannes cũng như phát hành rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới.

Đọc thêm bài: Trùng Khánh Sâm Lâm sẽ có phiên bản 2020 do chính Vương Gia Vệ đạo diễn

Theo: SCMP

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.