• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Spider-man 'bay màu' khỏi vũ trụ điện ảnh Marvel: Vì sao Sony không nhượng bộ Disney và Marvel?

Phim ảnh

Sáng Thứ Tư, ngày 21 tháng 8, cổ phiếu của Sony đã sụt giảm nhanh chóng chỉ trong vòng không đầy 24 giờ, đồng thời hashtag #boycottsony lan truyền trên tất cả các nền tảng mạng xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của tập đoàn Sony và hãng phim Sony Pictures nói riêng.

sony stock

Đến sáng ngày 21 (tại thời điểm viết bài) giá cổ phiếu của Sony Corp đã giảm xuống 0,060 USD (tương đương 0,11%) và được dự đoán sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, trừ khi có một phép màu nào đó khiến quan hệ của Sony và Disney khởi sắc.

Như vậy, bất chấp phải đối mặt những thiệt hại khó tránh khỏi, vì sao Sony vẫn cương quyết không nhượng bộ trước những yêu sách của Disney và Marvel? Để lý giải việc này, chúng ta hãy quay lại năm 1998...

Thương vụ bất đắc dĩ

Ngược dòng lịch sử, Spider-man được sáng tạo bởi bộ đôi nhà văn - họa sĩ Stan Lee và Steve Ditko, debut trong tập truyện Amazing Fantasy năm 1962). Stan Lee và Steve Ditko tạo ra nhân vật Peter Parker là một đứa trẻ mồ côi, được vợ chồng May và Ben nuôi dưỡng, vô tình có được cơ duyên mà biến thành siêu anh hùng.

Suốt hàng thập kỷ, Spider-man trở thành "cỗ máy in tiền" cho Marvel, giúp hãng này đối trọng với những nhân vật đình đám như BatmanSuperman của DC Comics. Thế nhưng, đến những năm 1970, một bước đi sai lầm khiến Marvel thua lỗ nghiêm trọng. Các lãnh đạo Marvel định đi tiên phong trong việc làm phim hoạt hình và phim điện ảnh siêu anh hùng, tuy nhiên lúc đó công nghệ chưa phát triển đủ mạnh để làm điều đó.

sony stock 1

Vừa phải chống chọi với đối thủ DC giàu kinh nghiệm, lại chật vật trong cảnh khủng hoảng kinh tế và tình hình chính trị rối ren thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Marvel thua lỗ liên tục, sống thoi thóp chờ ngày phá sản. đến năm 1990, doanh thu của Marvel sụt giảm hơn 70% khiến họ phải sáp nhập với công ty truyện tranh ToyBiz để cả hai có thể tồn tại.

Không còn sự lựa chọn nào khác, giám đốc điều hành Marvel Entertainment lúc đó là Avi Arad đành phải bán X-Men cho Fox, thợ săn ma cà rồng Blade cho New Line Cinema và nhiều nhân vật khác cho Sony vào năm 1998.

eccjdr x4aapqlm 1024x576

Vào thời điểm đó, Marvel đã "hét giá" Spider-man là 25 triệu USD, tuy nhiên Sony lại rắn mặt đề nghị giá 10 triệu USD và Marvel buộc phải cắn răng chấp nhận nếu không muốn bị phá sản. Đồng thời, Sony chỉ mua Spider-man và không đả động gì tới những nhân vật khác.

Lúc ký hợp đồng nhượng quyền thương hiệu Spider-man, giám đốc Sony Pictures Yair Landau từng nói rằng:

Ngoài Spider-man ra, chẳng ai thèm quan tâm đến mấy anh hùng khác của Marvel.

Sony vẫn có thể tự làm phim, thậm chí làm rất tốt

Bán đi Spider-man có thể nói là quyết định khó khăn nhất của lãnh đạo Marvel. Kể từ năm 2002 khi tựa phim bom tấn siêu anh hùng đầu tiên về Spider-man do nam chính Tobey Maguire thủ vai ra mắt khán giả cho đến khi hoàn thành trilogy với Spider-man 3 (2007), Sony đã mang về hơn 2.5 tỷ USD.

Sau đó, lần reboot của The Amazing Spider-Man không thực sự thành công như mong đợi nhưng Sony cũng vẫn có một món hời không nhỏ vì doanh thu luôn gấp 3 lần vốn sản xuất. Tuy nhiên, sự sút giảm về chất lượng chuyên môn và phản hồi không tốt của khán giả đối với hai phần The Amazing Spider-Man buộc Sony phải xem xét để cho Spider-man "về lại chốn xưa" thông qua diễn xuất của Tom Holland, bắt đầu với Captain America: Civil War năm 2016.

civil war

Spider-man xuất hiện trong Civil War.

Spider-man gia nhập MCU khiến đông đảo fan trên toàn thế giới vô cùng hào hứng, mặc dù hầu hết doanh thu phòng vé và quyền phát hành chính vẫn thuộc về Sony nhưng sự hợp tác này rõ ràng là một cú hích đối với MCU. Đồng thời cũng manh nha hình thành những tham vọng mãnh liệt của Disney và Marvel đối với quyền sở hữu nhân vật này.

Mới đây, Spider-man: Far From Home lại còn thu về hơn 1 tỷ USD, trở thành phim thứ 3 trong năm 2019 vượt qua cột mốc này, chứng tỏ Sony vẫn đang làm tốt nhiệm vụ của họ và sức hút của Spider-man chưa bao giờ giảm. Cũng đừng quên là sau thành công của Into the Spider-Verse - một dự án có hợp tác với Columbia Pictures, Sony chứng tỏ được rằng họ có thể làm được một phim hay về Spider-man, thậm chí đoạt giải Oscar mà không cần phụ thuộc vào MCU, thông qua đó cũng khẳng định sự độc lập tự chủ của mình.

spider man into the spider verse movie review poster

Into the Spider Verse chứng tỏ Sony có thể thành công mà không phụ thuộc vào MCU.

Cứ như thế, lợi ích từ Spider-man càng khiến Nhà Chuột cồn cào hơn. Dường như đã mất hết kiên nhẫn, lãnh đạo Disney và Marvel đưa ra một đề nghị vô cùng liều lĩnh.

Cưa đôi doanh thu? Disney không có đủ sức ép để Sony phải lay động

Rõ ràng, yêu cầu đòi Sony chia đôi 50/50 lợi nhuận từ các phim Spider-man trong tương lai của Marvel là rất vô lý, một yêu cầu kiểu "chơi gì mà khôn thế" của Nhà Chuột khiến Sony không thể chấp nhận.

Nếu đúng như những thỏa thuận ban đầu giữa hai hãng, Sony sẽ bỏ ra vốn sản xuất, kể cả chi phí phát hành, quảng bá, được nhận 95% doanh thu. Trong khi đó Marvel Studios sẽ là đơn vị làm phim bằng tiền của Sony, nhận 5% doanh thu còn lại và tất cả lợi nhuận từ việc kinh doanh các hàng hóa liên quan (chẳng hạn như đồ chơi mô hình) rồi trả lại cho Sony một khoản cố định là 175 triệu USD, thay vào đó họ sẽ được sử dụng Spider-man trong vũ trụ phim Marvel.

4bw400eeejl01

Disney và Marvel hưởng hoàn toàn lợi nhuận từ việc bán bản quyền đồ chơi.

Trong lời đề nghị mới nhất của Disney, họ yêu cầu được chia sẻ 50% vốn sản xuất với Sony, tuy nhiên cũng nhận lại 50% doanh thu trong khi vẫn giữ nguyên lợi nhuận từ việc kinh doanh các hàng hóa liên quan, đồng thời tiếp tục sử dụng Spider-man và các nhân vật khác trong những phim sắp tới mà chính Marvel Studios cũng có tham gia sản xuất (ví dụ các phim về Symbiote như Venom, Carnage...).

Như vậy, đồng nghĩa với việc Sony sẽ được hỗ trợ 50% vốn sản xuất, nhưng lại mất đi 50% doanh thu, ngược lại Disney và Marvel nghiễm nhiên có thêm 45% doanh thu tiền vé. Trong khi đó, thương hiệu Spider-man từ trước đến nay chưa bao giờ bị lỗ, tệ lắm thì doanh thu cũng gấp đôi tiền vốn. Nếu đề xuất của Disney trở thành sự thật, Sony sẽ thiệt hại nặng nề, trong khi Disney và Marvel sẽ lời to.

amazing

The Amazing Spider-man không được như mong đợi của Sony nhưng vẫn mang về không ít lợi nhuận.

Tóm lại, khi đưa lên bàn cân, Sony chắc chắn sẽ không chấp nhận thiệt thòi một cách vô căn cứ như vậy và điều này cũng trái với nguyên tắc kinh doanh, đề nghị của Disney và Marvel hoàn toàn không "fair play".

Thứ nhất, nhượng quyền thương hiệu Spider-man vốn đã "tiền trao, cháo múc", Marvel nhận tiền tươi thóc thật vào năm 1998 và luôn được hưởng một khoản cố định bất kể họ không hề bỏ ra công sức gì đáng kể. Hiện tại, Disney - đơn vị nay đã sở hữu Marvel hoàn toàn không có cơ sở nào để buộc Sony phải chia sẻ lợi nhuận.

boycottsony 2

Kevin Feige từng giúp đỡ sản xuất dự án Venom nhưng không được Sony nhắc đến.

Thứ hai, Sony không nhất thiết phải phụ thuộc vào sự tham gia của Marvel Studios và Kevin Feige. Thực tế, bản thân chủ tịch Marvel Kevin Feige đã xác nhận rằng ông từng tham gia vào các dự án có liên quan đến Spider-man như Venom (2018) do Sony phát hành, nhưng lại không có tên trong danh sách credit (đã được xác nhận bởi chuyên trang Deadline và các trang uy tín khác). Điều này cho thấy Sony không thực sự coi trọng vai trò của Kevin Feige trong một bức tranh tổng thể về Spider-man.

Như vậy, lời đe dọa "cắt" Marvel Studio và vai trò sản xuất của Kevin Feige khỏi những dự án sắp tới của Spider-man không đủ tính răn đe để Sony phải chùn bước.

Disney và Marvel đang thiếu thốn một nhân vật chủ đạo cho kỷ nguyên mới

Sau cái chết của Tony Stark trong Avengers: Endgame, khép lại giai đoạn 10 năm của MCU, nam tài tử Robert Downey Jr. lẫn Chris Evans thì đều mong muốn thoát ly khỏi vai diễn siêu anh hùng đã trở thành gánh nặng trên vai họ.

eternals

Các Eternal là tương lai của MCU, tuy nhiên họ còn quá xa lạ với người xem.

Trong khi đó, những nhân vật chính thuộc các Eternal chưa hình thành một nền tảng vững chắc, gần như quá xa lạ với người xem phổ thông không đọc truyện tranh. Không nghi ngờ gì nữa MCU đang thiếu vắng một nhân vật mũi nhọn và Doctor Strange, Black Panther hay Captain Marvel thì vẫn chưa phải cái tên đảm bảo.

Tình thế này phần nào lý giải sự liều lĩnh trong đề nghị của Disney và Marvel đối với việc phân chia lợi ích của nhượng quyền thương hiệu Spider-man. Có thể nói, mặc dù tỏ ra hùng hổ, nhưng Disney đã để lộ điểm yếu của mình.

Những game mới về Spider-man của Sony sẽ không bị ảnh hưởng

Như đã biết, Sony là một tập đoàn lớn mạnh, kinh doanh đa ngành, đa nền tảng, họ không chỉ làm phim mà còn sản xuất thiết bị phần cứng chơi game và phát triển những game độc quyền của riêng họ trên hệ máy console Playstation.

spider man 1 1280x720

Game về Spider-man của Sony thành công vang dội.

Đối với bộ phận phát triển game của Sony, dù kết quả của cuộc chiến nhượng quyền thương hiệu này có ra sao thì tương lai của những tựa game về Spider-man vẫn không bị tác động gì đáng kể. Mới đây, tựa game Marvel's Spider-Man ra mắt hồi tháng 5 năm 2018 do Sony Interactive Entertainment phát hành đã phá kỷ lục với hơn 3.3 triệu đơn hàng, mang về 198 triệu USD.

avengers 1

Game về Avengers vừa mới được giới thiệu đã bị chỉ trích về mặt tạo hình.

Sony là một ông lớn trong làng game console và họ không mấy khi thất bại, tất cả nhờ vào kinh nghiệm phát triển máy Playstation từ năm 1994 đến nay, có thể nói Spider-man được ủng hộ bởi một cộng đồng game thủ vững mạnh. Trong khi đó, game mới về biệt đột Avengers do Square Enix phát hành (giới thiệu ở E3 2019) lại không thu hút cho lắm và tương lai có vẻ hơi ảm đạm.

Disney dùng chiêu trò để fan gây sức ép cho Sony

Hiện nay phong trào tẩy chay Sony đang bùng nổ, hầu hết các fan của MCU đang kêu gọi không sử dụng các dịch vụ, sản phẩm của Sony và không ra rạp xem phim mà Sony phát hành. Tuy nhiên họ lấy cơ sở nào để làm thế trong khi Sony vẫn là đơn vị giữ bản quyền của nhân vật Spider-man?

boycottsony

Fan MCU đòi tẩy chay Sony.

Sony hoàn toàn có quyền hợp pháp sử dụng và thu lợi từ Spider-man theo cách họ muốn, còn đề xuất của Marvel vẫn chỉ là một đề xuất, nó không có hề có tính ràng buộc gì trong khi sự xuất hiện của Spider-man ở phim MCU (như trong Captain America: Civil War) chỉ mang tính biểu tượng là chính.

Có thể nói, hơn ai hết Disney và Marvel hoàn toàn hiểu được điều đó, nhưng họ vẫn đưa ra đề xuất vô lý để kích động dư luận nhằm gây sức ép cho Sony trong thời gian sắp tới. Disney không mất gì, vì họ vốn không sở hữu nhượng quyền thương hiệu, trong khi đó, Sony hiện tại đã tổn thất về uy tín và trị giá cổ phiếu trong khi họ không làm gì sai so với những hợp đồng đã được ký kết. Quả thật, Disney và Marvel thật "cao tay ấn".

Theo: Tổng Hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.