• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

John Lasseter - Công thần của Pixar, cha đẻ của 'Toy Story' và bị Disney 'đuổi cổ' vì tội háo sắc

Showbiz

John Alan Lasseter - đạo diễn, họa sĩ hoạt hình, nhà biên kịch và nhà sản xuất phim hoạt hình nổi tiếng người Mỹ sẽ nghỉ việc ở Disney sau Toy Story 4, đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp lẫy lừng trải dài hơn 3 thập kỷ qua.

Cái tên John Lasseter gắn liền với với những thương hiệu đình đám như Toy Story, A Bug's Life, Finding Nemo, Cars, Planes, Frozen, Coco, Zootopia, Big Hero 6, The Incredibles...dường như tất cả những phim hoạt hình thành công nhất lịch sử đều có bóng dáng của ông.

john lasseter

Lasseter năm 1975 (trái) vừa tốt nghiệp trung học và hiện tại.

Hãy cùng Lost Bird điểm qua những nét chính trong sự nghiệp và đời tư của nhà làm phim lắm tài nhiều tật này nhé.

Người có tầm nhìn đi trước thời đại

John Lasseter sinh vào ngày 12 tháng 1 năm 1957, ông được học vẽ từ nhỏ vì mẹ ông - bà Jewell Mae là một giáo viên dạy môn nghệ thuật ở trường trung học, đây cũng là cơ sở hình thành và phát triển tài năng của ông sau này.

john

John Lasseter lúc còn là sinh viên.

Khi lớn, Lasseter bắt đầu vẽ ký họa các buổi lễ ở nhà thờ, sau khi tốt nghiệp trung học, ông ghi danh vào Viện nghệ thuật California học chương trình đào tạo xây dựng nhân vật hoạt hình tại đây, chính thức trở thành một họa sĩ hoạt hình chuyên nghiệp.

young john lasseter

Chàng họa sĩ hào hoa phong nhã John Lasseter thời trẻ.

Năm 1979, Lasseter được nhận vào làm việc ở hãng Walt Disney vì thành tích nổi trội ở Viện nghệ thuật, mặc dù vậy ông không được tham gia một dự án nào lớn lao. Thời điểm này thành công của Disney cũng chựng lại vì họ không nghĩ ra cách gì để tạo sự đột phá cho ngành phim hoạt hình.

Vào khoảng những năm 1980 - 1981, Lasseter và một số đồng nghiệp trẻ vô tình phát hiện ra rằng việc dùng đồ họa máy tính (CGI) có thể mang đến luồng gió mới cho phim Disney. Thế nhưng, đề xuất của Lasseter bị những kẻ bảo thủ trong ban lãnh đạo Disney phản đối, họ tìm cách trù dập, đuổi ông khỏi hãng không lâu sau đó.

Lucasfilm và sự ra đời của Pixar

Năm 1983, thất thểu ra về sau khi bị sa thải, Lasseter vẫn tin rằng công nghệ CGI chính là tương lai của phim ảnh, ông quyết định tham gia một hội thảo về đồ họa ở California, tại đây ông gặp hai kỹ sư máy tính Ed Catmull và Alvy Ray Smith đang làm việc cho bộ phận đồ họa ở hãng phim của George Lucas.

shutterstock 4377568k

Lasseter và kỹ sư máy tính Ed Catmull, đôi bạn đã thay đổi cả vận mệnh của ngành phim hoạt hình Hoa Kỳ.

Smith và Catmull nhận thấy sự tương đồng trong tầm nhìn và cách suy nghĩ của Lasseter, họ nhanh chóng hợp tác. Trong khi Catmull và Smith hướng dẫn cho Lasseter cách dùng những phần mềm đồ họa, ông dạy lại cho họ cách làm phim hoạt hình. Năm 1986, bộ phận đồ họa của Lucasfilm tách ra thành xưởng phim hoạt hình Pixar với Steve Jobs là cổ đông lớn nhất.

Sự hợp tác này dẫn đến thành công đầu tiên là Toy Story (1995) - phim hoạt hình chiếu rạp đầu tiên dựng bằng công nghệ đồ họa máy tính.

lasseter john george lucas jpg opt672x285o0 0s672x285

Lasseter (phải) và George Lucas, ông chủ Lucasfilm.

Toy Story với vốn sản xuất chỉ 30 triệu USD sau đó đã mang về 370 triệu USD doanh thu, trở thành một trong những phim hay và mang tính đột phá nhất lịch sử điện ảnh, giành nhiều đề cử Oscar, Quả Cầu Vàng, riêng Lasseter đạt giải Thành tựu đặc biệt của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ.

Pixar ngày càng phát triển và đạt nhiều thành công với những tựa phim hoạt hình khác như A Bug's Life (1998), Toy Story 2 (1999)...

Trở thành "người sáng tạo" của đế chế Walt Disney

Năm 2006, Disney quá ấn tượng với thành công của Pixar và quyết định mua lại xưởng phim hoạt hình này. John Lasseter nghiễm nhiên trở thành giám đốc sáng tạo của cả Pixar lẫn Walt Disney Animation Studios.

Với tài năng của mình, Lasseter nhanh chóng leo lên hàng ngũ những lãnh đạo quan trọng nhất của đế chế Nhà Chuột, ông có thể làm việc trực tiếp với Chủ tịch và Giám đốc điều hành Robert Iger của Disney, ông giúp thiết kế Disneyland và trên hết là giám sát tất cả các dự án phim của Walt Disney Animation Studios với vai trò giám đốc sản xuất.

john lasseter and hayao miyazaki

Lasseter cũng là bạn thân của nhà làm phim Nhật Bản Hayao Mizayaki (đạo diễn, tác giả phim Totoro của Ghibli).

Năm 2007, Lasseter và người bạn lâu năm Ed Catmull được trao quyền quản lý cùng lúc 3 studio hoạt hình là Pixar, Disney Animation và DisneyToon.

Bắt đầu từ thời điểm này, mảng phim hoạt hình của Disney đã có sự thay đổi đáng kể, phong phú về hình thức, sản phẩm của hãng có thể được làm theo kiểu truyền thống, đồ họa máy tính hoặc sự kết hợp của cả hai thể loại.

john lasseter 2

Kể từ thập niên 90 đến nay, Lasseter đã làm việc không mệt mỏi, tham gia sản xuất, đạo diễn, biên kịch cho hơn 50 đầu phim, có khi ông làm 4 phim trong cùng một năm.

Ngoài việc nổi tiếng với vai trò đạo diễn, sản xuất của thương hiệu Toy Story, Lasseter cũng là giám đốc sản xuất của những phim như Wall-E, Ratatouille, Bolt, Up, Winnie the Pooh, Monsters University, Inside Out, The Good Dinosaur, Moana, Monsters, Inc., Spirited Away bản Hoa Kỳ.

john lasseter 3

Tất cả đều là những tựa phim được đánh giá cao về mặt hình ảnh. Nhất là Wall-E cùng Ratatouille được xem là những xuất phẩm đột phá về công nghệ dựng hình. Có thể nói, John Lasseter chính là người nghệ sĩ đã dùng sức mạnh công nghệ để thổi hồn cho nhân vật hoạt họa, mang đến trải nghiệm chưa từng có cho nhiều thế hệ khán giả.

Bê bối tình dục và hồi kết của những giấc mơ

Sau ngần ấy năm làm việc và bước lên đỉnh cao cùng Disney, John Lasseter đã không ngờ rằng có một ngày mà vị trí bất khả xâm phạm của ông sụp đổ. Tháng 4 năm 2017, hơn 250 người nổi tiếng và có quyền lực ở Mỹ bị cáo buộc tấn công tình dục.

Vụ việc dẫn đến trào lưu #metoo và đỉnh điểm với việc Harvey Weinstein tra tay vào còng tạo nên một hiệu ứng gọi là "Weinstein Effect", rất nhiều ông lớn trong ngành giải trí Hoa Kỳ bao gồm cả diễn viên hạng A, nhà sản xuất, đạo diễn tiếng tăm lừng lẫy...đều bị đồng nghiệp nữ tố cáo tội lạm dụng tình dục, John Lasseter cũng nằm trong số đó.

johnlasseterpremierewaltdisneypicturesdmpqidwk xql

Lasseter từng bị tố dụ dỗ những người mẫu đóng vai tiên nữ của Disney đi ăn chơi trụy lạc, dùng chất kích thích.

Một nguồn tin đáng tin cậy (từ nhân viên Pixar) tiết lộ cho tờ báo Hollywood Reporter rằng John Lasseter là một kẻ háo sắc, ông bị cáo buộc thường xuyên cưỡng ép sờ mó, ôm, hôn hít và dùng lời lẽ dung tục với đồng nghiệp nữ.

Nhân viên kỳ cựu của Pixar (giấu tên) kể lại với Hollywood Reporter những gì anh ta thấy trong một cuộc họp nọ:

Cô ta ngồi kế bên John Lasseter, cong người về phía trước, cánh tay chèn vào giữa hai chân, đó là một tư thế phòng thủ. Lúc đó, John để tay trên đầu gối cô ấy, vuốt ve.

Tôi đã gặp cô ta sau đó và hỏi về chuyện đã xảy ra. Cô ấy chỉ nói rằng không may cho cô khi mặc váy và ngồi kế John vào hôm đó, nếu cô không chèn tay vào giữa hai chân, ông ta sẽ cho tay vào trong váy của cô.

t john lasseter pixar out

Một nguồn tin khác thì kể rằng Lasseter có thói quen chào hỏi rất biến thái, người Âu Mỹ có thói quen ôm nhau khi gặp mặt, đó là chuyện bình thường, nhưng Lasseter khì khác, ông ta sẽ ôm đồng nghiệp nữ rất lâu và cò thì thào những lời quái gở vào tai họ ngay giữa văn phòng công ty, trước ánh mắt của bao nhiêu nhân viên khác.

Cũng nguồn tin trên, cho biết hầu hết những bức ảnh kỷ niệm của công ty mà John Lasseter chụp với đồng nghiệp nữ đều bị crop mất một phần, vì thường ông sẽ toàn để tay lên chỗ nhạy cảm của họ khi chụp ảnh.

lasseter

Lasseter có thói quen mặc áo sơ mi kiểu Hawaii (còn gọi là áo chim cò), ông sở hữu hàng ngàn cái áo như thế này và tạo thành một trào lưu ở Mỹ.

Ở Pixar, người ta đồn rằng nhân viên nữ không có tiếng nói, bị chèn ép, lạm dụng và phải im lặng chịu đựng. Họ cố giữ khoảng cách, chào hỏi Lasseter từ xa để tránh bị ông ta ôm hôn, thậm chí có những hướng dẫn được ghi chép lại của nhân viên cũ dành cho lính mới để biết cách tránh khỏi đôi tay hay sờ soạng của ông sếp háo sắc.

Variety đưa tin rằng, trong những bữa tiệc của đại gia đình Disney, Lasseter tiếp cận đồng nghiệp nữ, bắt họ phải hôn môi và ông mơn trớn họ khi có thể. Còn theo lời của báo Vanity Fair thì John Lasseter rủ nam đồng nghiệp đi câu lạc bộ thoát y rồi bắt họ phải trả tiền rượu và tiền "dịch vụ" của mình. Thậm chí quản lý nội bộ của Disney đã ra lệnh cấm Lasseter dự tiệc mà không có người trông chừng vì sợ ông ta sẽ lại đi sờ mó lung tung những nữ đồng nghiệp trẻ, theo như Deadline ghi nhận.

4dbdbe8900000578 0 image a 24 1530230131397

Nhà thiết kế Cassandra Smolcic (trái) của Pixar từng mô tả studio này như là một câu lạc bộ ăn chơi trác táng của đàn ông, nơi mà Lesseter là ông trùm.

Khi mọi việc đổ bể sau sự cố của Harvey Weinstein, rất nhiều lời tố cáo nặc danh nhưng được xác nhận là có thực bởi những tờ báo uy tin (như Hollywood Reporter) đã có ảnh hưởng không tốt đến uy tín của Disney - vốn là một hãng chuyên làm phim cho trẻ em.

Điều này dẫn đến kết quả là John Lasseter buộc phải tuyên bố nghỉ việc vào tháng 7 năm 2017 và không thể tiếp tục đạo diễn Toy Story 4 như dự kiến, sự cố ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ làm phim khiến dự án bị dời đến tận 2019 mới hoàn chỉnh.

pixar

Pixar bị xem là có môi trường làm việc không tốt bởi những thói quen xấu của giám đốc sáng tạo John Lesseter.

Trong Toy Story 4, trên giấy tờ chính thức thì Lasseter cũng chỉ có thể giữ vai trò đồng tác giả viết cốt truyện để tránh làm ảnh hưởng đến uy tín bộ phim, nhưng không nghi ngờ gì khi ông vẫn giữ vai trò cố vấn, quan điểm và tầm nhìn của Lesseter vẫn là kim chỉ nam cho toàn bộ ê kíp.

Hollywood là nơi của những kẻ lập dị, những thiên tài kỳ quái khác người, họ không thể che giấu hành động sai trái của mình trước pháp luật nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận người như Lasseter tuy nhiều tật nhưng rất lắm tài.

rashida jones

Rashida Jones (trái), nữ tác giả cùng viết cốt truyện Toy Story 4 đã rời Pixar vì cảm thấy công ty này không phải là nơi xem trọng phụ nữ, cô cũng từng bị quấy rối bởi Lesseter.

Hiện tại, Câu Chuyện Đồ Chơi 4 đang được giới phê bình khen ngợi không tiếc lời, trở thành một trong những phim hiếm hoi được 100% tươi trên Rotten Tomatoes và đến giờ vẫn chưa phải chịu một review xấu nào từ giới phê bình chuyên môn.

Phim được công chiếu ở Việt Nam vào ngày 21 tháng 6, hãy cùng đón xem và đánh giá xem tác phẩm cuối cùng của bậc thầy hoạt hình John Lasseter dưới mái nhà Disney sẽ xuất sắc như thế nào nhé.

Theo: Tổng Hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.